Hội thảo quốc gia về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

Ngày 17-1, tại thành phố Đà Nẵng, Ban Chỉ đạo Xây dựng Đề án chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 tổ chức hội thảo quốc gia với chủ đề: "Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả cải cách tư pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045".

Các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng đề án; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó trưởng Ban Chỉ đạo đề án; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng đồng chủ trì hội thảo. Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia, nhà khoa học.

Về phía thành phố Đà Nẵng có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước chủ trì hội thảo. Ảnh: N.P

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước chủ trì hội thảo. Ảnh: N.P

Công tác cải cách tư pháp đạt nhiều kết quả tích cực

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đây là hội thảo quốc gia thứ hai của Đề án, tiếp nối hội thảo quốc gia lần thứ nhất về “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, được tổ chức vào ngày 11-12-2021 tại Hà Nội.

Quang cảnh hội thảo

Quang cảnh hội thảo

Hội thảo được tổ chức vào thời điểm cả nước vừa thực hiện thành công các nhiệm vụ công tác năm 2021, năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn do Covid-19.

Cũng trong năm 2021, thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các cơ quan, tổ chức có liên quan tích cực triển khai việc xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” để trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong tháng 10-2022.

Trong đó, “xây dựng chiến lược cải cách tư pháp” là một trong những nội dung trọng tâm của Đề án, là vấn đề có tính cấp thiết trong giai đoạn hiện nay như các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học tại hội thảo lần thứ nhất đã thống nhất đánh giá.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, kết quả tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020" cho thấy, công tác cải cách tư pháp đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nổi bật là nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác tư pháp và cải cách tư pháp được nâng lên rõ rệt.

Tổ chức bộ máy chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan tư pháp được kiện toàn, đổi mới; chất lượng hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động tư pháp được xã hội hóa, đạt kết quả tích cực; hợp tác quốc tế về tư pháp được mở rộng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc hội thảo

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc hội thảo

Xây dựng nền tư pháp thực sự chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, kế thừa và phát huy những kết quả đạt được trong công tác tư pháp và cải cách tư pháp thời gian qua, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đặt ra nhiệm vụ “xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”; đồng thời khẳng định “hoạt động tư pháp phải có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ lợi ích của Nhà nước".

Đây là yêu cầu cấp bách, vừa là mục tiêu, nhiệm vụ lâu dài của cải cách tư pháp, là nội dung “cốt lõi” của “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.

Vì vậy, tại hội thảo lần này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, luận giải rõ, sâu sắc, khoa học những vấn đề lý luận về tư pháp và cải cách tư pháp hiện đang còn có cách hiểu, nhận thức khác nhau, để từ đó tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong lý luận, nhận thức đã làm ảnh hưởng đến việc thể chế hóa và tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp thời gian qua.

Ngoài ra, tập trung trao đổi, thảo luận, tìm ra giải pháp để khắc phục có hiệu quả những khó khăn, vướng mắc và hạn chế, bất cập trong thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW.

Đồng thời, dự báo đúng tình hình, từ đó đưa ra những kiến nghị, đề xuất, gợi ý về định hướng mục tiêu, quan điểm, phương hướng cải cách tư pháp đúng đắn, khả thi; chỉ ra lộ trình thực hiện phù hợp, xác định, phân định rõ những giải pháp đột phá, giải pháp chiến lược về cải cách tư pháp, theo các giai đoạn 2021-2030 và 2030-2045, hướng tới xây dựng một nền tư pháp thực sự chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân như Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Lắng nghe để thực hiện tốt mô hình chính quyền đô thị

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng phát biểu chào mừng hội thảo

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng phát biểu chào mừng hội thảo

Phát biểu chào mừng hội thảo, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố Đà Nẵng vui mừng khi được Ban Chỉ đạo tin tưởng, lựa chọn làm địa điểm tổ chức hội thảo quốc gia.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho rằng, việc xây dựng Đề án là nhiệm vụ hết sức cấp thiết, là cơ sở quan trọng để Ban Chấp hành Trung ương xem xét, ban hành nghị quyết về chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng, cùng với nhiệm vụ xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, với sự chỉ đạo sâu sát của Ban Chỉ đạo Đề án, sự chỉ đạo công phu của các cơ quan thường trực ban chỉ đạo, hội thảo lần này sẽ thu được nhiều kết quả tốt đẹp.

Đồng thời, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng khẳng định đây cũng là dịp để thành phố Đà Nẵng lắng nghe, tiếp thu các ý kiến để vận dụng, hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị đang triển khai thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội và Nghị định số 34/2019-NĐ/CP của Chính phủ, trong đó đặt ra nhiều vấn đề về cơ chế giám sát của HĐND thành phố đối với các cơ quan tư pháp cấp quận khi không tổ chức HĐND cấp quận.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho biết, năm 2021, trong bối cảnh thành phố đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã phát huy truyền thống đoàn kết, bản lĩnh, tranh thủ sự chỉ đạo của Trung ương, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và của người dân với nhiều cách làm sáng tạo, linh hoạt, vừa chủ động phòng, chống dịch, vừa chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, vừa đẩy mạnh thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, khôi phục kinh tế.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tiếp tục được thực hiện bài bản, nền nếp; việc tổ chức thí điểm mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội đạt được nhiều kết quả; tiếp tục đẩy mạnh việc phân cấp phân quyền, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò các tầng lớp nhân dân trong thực hiện giám sát và bảo vệ xã hội.

Đặc biệt, thành phố chỉ đạo các cơ quan tư pháp đổi mới phương thức hoạt động, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ cải cách tư pháp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động đấu tranh phòng ngừa vi phạm, tội phạm, nhất là tội phạm phát sinh trong phòng, chống dịch bệnh, phòng chống tham nhũng; khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và các bản án.

Với tinh thần đoàn kết, đổi mới sáng tạo, khát vọng vươn lên, thành phố tích cực phối hợp các cơ quan Trung ương tham mưu các cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành một số quy định về cơ chế, chính sách quan trọng, tạo sự đột phá của thành phố trong thời gian tới.

“Việc tổ chức hội thảo có sự tham dự của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, các đại biểu… là niềm động viên, khích lệ to lớn để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và những năm tiếp theo, góp phần xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh.

(Theo Báo Đà Nẵng)

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/thoi-su/72752/hoi-thao-quoc-gia-ve-tiep-tuc-xay-dung-va-hoan-thien-nha-nuoc-phap-quyen-xa-hoi-chu-nghia.html