Hơi thở hạnh phúc

Sớm nay, khi đọc bài viết 'Hơi thở của rừng mang lại hàng trăm tỷ đồng cho người dân' của tác giả Hạnh Linh trên Báo Dân trí, người viết cảm thấy như vừa được hít thở bầu không khí trong lành của cuộc sống.

Trong bài, tác giả có trích dẫn lời chia sẻ của ông Lê Tiến Đạt, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Xuân (Thanh Hóa): "Việc thu lợi từ bán tín chỉ carbon hướng đến thực hiện mục tiêu "3 trong 1" gồm: tăng nguồn thu nhập, tạo động lực, tính chủ động của người dân trong việc nâng cao ý thức bảo vệ, gắn bó với rừng; từng bước thay đổi nhận thức của bà con về vai trò, tác dụng của rừng; nâng tỷ lệ che phủ rừng, cải thiện môi trường sống".

Hạnh phúc khi chúng ta cống hiến và trao tặng.

Hạnh phúc khi chúng ta cống hiến và trao tặng.

Thiết nghĩ, việc thu lợi từ tín chỉ carbon có lẽ còn đạt được cả mục tiêu "4 trong 1" bởi có cả một nguồn lợi không thể đo đếm được bằng các thông số đó là hạnh phúc. Hơi thở của hạnh phúc đem lại bình yên trong mỗi con người. Hạnh phúc của một xã hội, một cộng đồng đến từ những giá trị văn hóa mới mẻ được tạo ra.

Tuần qua, có một hình ảnh đọng lại trong tâm trí nhiều người khi vào chiều 24/9/2024, 300 chiến sĩ của Sư đoàn 316 (Quân khu 2) chia tay bà con thôn Làng Nủ để trở về đơn vị sau 15 ngày tìm kiếm thi thể nạn nhân. Chúng ta thấy trong mắt của nhiều chiến sĩ sự trăn trở bởi còn đó 11 người mất tích. Chúng ta thấy những giọt nước mắt của anh Hoàng Văn Thới và bà con khi bịn rịn tiễn chân các chiến sĩ đã nỗ lực hết mình.

Cân đối chi tiêu, mua sắm có chủ đích là cách để người trẻ “tiết kiệm ồn ào”.

Cân đối chi tiêu, mua sắm có chủ đích là cách để người trẻ “tiết kiệm ồn ào”.

Thiên tai đã gây ra những mất mát to lớn và phía trước còn rất nhiều công việc cần làm để tái thiết cuộc sống nhưng chúng ta vẫn cảm nhận được một điều ấm áp: đất nước đang có những con người tốt đẹp, chúng ta đã và đang sống với nhau bằng nghĩa đồng bào, bằng lòng nhân ái. Kinh tế thị trường với những mặt trái, sự du nhập đa dạng văn hóa, sự chênh lệch giàu nghèo... và muôn vàn nguy cơ khác đã không làm phai mờ truyền thống đạo đức tốt đẹp ấy. Bởi lẽ, người chiến sĩ thời nào cũng thấm nhuần lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Quân đội nhân dân Việt Nam: "Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu".

Mệnh đề lớn lao này đã được các chiến sĩ thể hiện trong 15 ngày ở hiện trường vụ sạt lở, lũ quét tại thôn Làng Nủ, Bảo Yên, Lào Cai và nhiều địa điểm khác. Có lẽ, tất cả chúng ta khi chứng kiến những hình ảnh ấy đều rơi nước mắt. Nước mắt cho những người dân đã mất đi tính mạng, nước mắt cho niềm xúc động trước tình cảm quân dân nhưng vẫn ánh lên một hy vọng: Chúng ta sẽ làm tốt hơn vì một tương lai tốt đẹp. Dù khó khăn nào, cả dân tộc vẫn gắn kết trong một khối thống nhất toàn vẹn.

Bản lĩnh của con người thể hiện ở sự trở nên mạnh mẽ hơn sau những giọt nước mắt và trân quý cuộc sống này hơn sau những mất mát. Có những đồng bào đã kém may mắn hơn chúng ta chỉ sau một đêm, một thời khắc bởi thảm họa bất ngờ của thiên tai. Hơn ai hết, những người trẻ - lực lượng lao động sung sức, có khát vọng, có chuyên môn - phải là người ý thức cao về điều này. Sự lựa chọn cách sống hướng đến những lợi ích cho cộng đồng của các bạn cũng là niềm hy vọng của xã hội. Vậy, hãy xem, họ đã vượt qua chính mình như thế nào?

Gần đây, báo chí từng nhắc đến thuật ngữ "loud budgeting" (tiết kiệm ồn ào) do Lukas Battle (người sáng tạo TikTok 26 tuổi) đưa lên mạng xã hội. Lukas Battle đã giảng giải: "Không phải là 'Tôi không có đủ tiền' mà là 'Tôi muốn quản lý chi tiêu'. Khi bạn bè tôi rủ rê tôi về một hoạt động nào đó nằm ngoài dự kiến, tôi sẽ nói với họ về kế hoạch tài chính của tôi trong tháng này. Tôi nghĩ minh bạch tài chính với bạn bè là điều không cần phải xấu hổ".

Thực ra, nếu suy xét kĩ thì sẽ thấy nội hàm của loud budgeting không quá khác biệt và xa lạ với truyền thống văn hóa Việt. Trong thành ngữ của người xưa truyền lại từng có nhiều câu sâu sắc như: "Làm khi lành để dành khi đau"; hay: "Ở đây một hạt cơm rơi/ Ngoài kia bao hạt mồ hôi thấm đồng"; "Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm"... Tuy nhiên, việc kết hợp những kinh nghiệm truyền thống như thế với tâm lý thời đại mới và đặc biệt là sự dũng cảm chiến thắng hội chứng fomo (sợ bản thân bị bỏ lỡ những điều thú vị, hấp dẫn trong cuộc sống) là một cuộc "đấu tranh tâm lý" không dễ dàng của nhiều người trẻ.

Nghĩ và sống theo trào lưu thì bạn rất dễ đánh bóng bản thân nhưng nếu đi theo chính kiến, nhận thức của bản thân thì bạn đã thực sự có trách nhiệm với cuộc đời mình và cộng đồng. Tất nhiên, ở đây người viết cũng không có ý phê phán những sở thích cá nhân khi thấy nhiều bạn trẻ thức khuya, dậy sớm để săn đón chiếc iPhone 16 hay đội mưa để được thấy thần tượng âm nhạc của mình. Bạn có quyền sống cho mình, miễn là điều đó không phản cảm và tác động xấu đến xã hội...

Anh Trần Ngọc Trung đã bán chiếc xe Porsche Macan để ủng hộ bà con vùng lũ.

Anh Trần Ngọc Trung đã bán chiếc xe Porsche Macan để ủng hộ bà con vùng lũ.

Quay trở lại với câu chuyện ứng xử của nhiều người trẻ. Trước những đau thương, mất mát của bà con vùng bão lũ, thật xúc động bởi những tấm lòng nhân ái của người trẻ khi họ sẵn lòng ủng hộ cả những tài sản có giá trị lớn, được tích góp từ mồ hôi, nước mắt qua nhiều năm tháng.

Anh Trần Ngọc Trung (32 tuổi), bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Quốc tế Mỹ (quận 2, TP Hồ Chí Minh) sau khi bán đi chiếc xe Porsche Macan để ủng hộ bà con vùng lũ đã chia sẻ: "Cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng với tôi, làm lại sau hoạn nạn là điều không quá khó. Tuy nhiên, với nhiều người, cuộc sống của họ có thể sẽ mãi không được như trước. Vì vậy, tôi đã quyết định bán chiếc xe này, chuyển qua đi xe máy, để dành toàn bộ số tiền giúp đỡ đồng bào vùng cao và các em nhỏ khó khăn, mồ côi" (theo: Thanh Hà, Báo Pháp luật Việt Nam).

Ngoài anh Trung, còn nhiều bạn trẻ như Việt Mỹ (Nguyễn Văn Mỹ) 28 tuổi, đang sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh đã vẽ 63 bức tranh đại diện cho 63 tỉnh, thành của Việt Nam và bán được 641 triệu đồng để ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3 (Yagi); đó là cô gái trẻ sinh năm 1994 có tên là Trần Thị Đông (huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang) đã bán nhà và dành gần 1 tỉ đồng để ủng hộ bà con vùng lũ... Họ đã ủng hộ một cách chân thành, không "phông bạt", làm màu. Họ đã tìm ra triết lý sống cho riêng mình.

Qua những câu chuyện ấy, chúng ta đâu chỉ xúc động trước những việc làm ý nghĩa này mà cao hơn nữa là giá trị nhận thức mà họ đã tạo ra. Giá trị ấy không chỉ tính bằng tiền trăm triệu hay tỉ đồng mà là sự thức tỉnh: Phải sống tiết kiệm hơn, sống khoa học hơn để luôn sẵn sàng tương trợ nhau. Phải chăng, đó là nếp nghĩ của một xã hội tiến bộ và văn minh, sẵn sàng sẻ chia, tương trợ. Một luồng gió mới, một hơi thở mới đem lại sinh khí cho người trẻ hôm nay trước những thử thách, những băn khoăn lựa chọn.

Như Peter Marshall (1902-1949) từng nói: "Thước đo của cuộc đời không phải thời gian, mà là cống hiến", cuộc đời chỉ có ý nghĩa và hạnh phúc khi chúng ta cống hiến. Ai sẽ là người thụ hưởng hạnh phúc đó, hay nói cách khác là liệu ai sẽ được hít thở bầu không khí mát lành nay? Câu trả lời thật đơn giản: Trước hết là chính những người đã sống tốt, sống đẹp, sống vì cộng đồng và sau đó là toàn xã hội, một xã hội luôn hướng tới tương lai đầy hứa hẹn...

Thu Trang

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/hoi-tho-hanh-phuc-i746024/