Hỏi tiếng lá reo

Bửu Lâm Tự thấm vào tôi bằng tiếng lá bồ đề. Lúc khu nhà tập thể chưa cất lại, chiều chiều ngồi rửa chén bên nhà sau, mỗi lần gió tràn qua tôi nghe tiếng lá bồ đề reo trên cao.

Tôi thích người xưa dùng từ reo. Cây như sứ giả của đất, gió như sứ giả của trời, phải là lá reo mới nói được tâm thế đón chào quyện hòa trời và đất.

Bửu Lâm Tự tọa lạc tại ấp Phú Hiệp, thị trấn Chợ Vàm, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. Ảnh: CTV

Tôi vẫn trở mình bên cạnh tiếng chuông ngân, tôi vẫn đi về bên cạnh tiếng lá reo. Ngày ngày đi ngang bóng bồ đề đôi khi thèm trong chùa có một vị trụ trì đỉnh đỉnh trí tuệ để mỗi khi buồn tôi có thể đến đó hỏi bất cứ điều gì khó khăn ngoài nhân thế. Nhưng sau bóng bồ đề, chân tu Bửu Lâm Tự quá hiền lành cho những gút mắc quá phức tạp của chợ đời.

Bửu Lâm Tự mở phòng khám chẩn trị đông y. Tôi hỏi có gì khác biệt? Từ thiện trọn gói bất cứ bệnh nào. Tôi từng bệnh tật triền miên, từng chết đi sống lại, nay có được sự sống, sức khỏe lẫn niềm tin về tương lai cũng nhờ đông y nên tôi hiểu giá trị của những món thuốc cho không biếu không. Đông y như dòng khí trời, như xác lá khô, như khối nước sông lai láng. Quý giá hơn vàng nhưng không phải ai cũng tận tâm nâng niu trân trọng.

Những ngày học thuốc đông y ở một số nơi tôi từng nấu ăn cho một phòng đông y nho nhỏ. Thuốc tốt, thầy từ tâm, bệnh nhân hiền lành chân chất nhưng vẫn nhọc nhằn trong điều trị vì kinh phí.

Bửu Lâm Tự hoạt động thế nào khi kinh phí nhỏ nhoi, bệnh nhân ồ ạt đến, thầy thuốc tại chỗ thì hiếm hoi? Đi ngang sân chùa nhìn cội bồ đề reo rào rạt trên cao, tôi hỏi liệu tập thể này có tồn tại?

Trả lời tôi là những nụ cười hỷ xả của những người nông dân ngồi chặt thuốc nam dưới sân chùa. Trả lời tôi là những bữa cơm tươm tất ngon lành như đặc sản và luôn luôn sẵn sàng phục vụ ngon miệng, no lòng tất cả khách quen, khách lạ gần xa. Câu trả lời phía những giường bệnh, dù buồn vui thương giận những bệnh nhân vừa bước chân vào đều được đón tiếp tận tình.

Hàng trăm bệnh nhân khỏi bệnh, nhẹ bệnh, vui lòng tìm đường trị bệnh bằng lối đông y, lối truy sâu nguồn cội bệnh tình và chữa trị bằng phương thuốc gần gũi thân quen là hàng trăm niềm tin về đời sống an lành được lan tỏa “cứ tới chùa, có nhiều cách lắm, bác sĩ, rồi lương y sẽ chỉ cách điều trị cho mỗi người. Người ta đã dâng tâm hướng Phật nên rất tận tâm”.

Những người dân ngồi chặt thuốc nam trong sân Bửu Lâm Tự. Ảnh: CTV

Tôi nhìn thấy ở đó những cá tính. Tôi có nhìn thấy mỗi thầy thuốc những thân phận. Có người đã tìm thấy niềm an lạc trong con đường nghề dài đằng đẵng của mình. Có người còn đang rối rắm. Nhưng tất cả đều chung một chân tâm. Tất cả đều muốn dốc tâm để cứu người qua những cơn đau, giải tỏa tận gốc những nguồn cơn bệnh tật.

Những ngày gần đây qua Bửu Lâm Tự cuối chiều, đi ngang tán lá reo tôi trả lời được câu hỏi chính mình. Chẳng có gì phải lo lắng, chẳng có gì phải vội vàng. Bửu Lâm Tự vẫn luôn trầm mặc. Bồ đề vẫn không ngừng lớn lao trong nết cổ thụ kiên gan. Mùa hạn hán thì trút bỏ những tán lá xum xuê mê múa hát mình, thu mầm sống vào nơi sâu lắng nhất. Vốn dĩ vách đá cỗi cằn, những bức tường trơ trọi mà bồ đề còn bám rễ được qua những mùa nắng cháy thì sân chùa ấm áp kia hẳn cổ thụ phải đáng trường tồn.

Quanh tán bồ đề lá vẫn reo. Trên tán bồ đề gió vẫn lay. Dưới bóng bồ đề tiếng chuông vẫn ngân nga hòa vào từng dòng tâm thức. Từng con người sẽ mở trí để chọn cho mình con đường đi đúng nhất của mình.

Võ Diệu Thanh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/hoi-tieng-la-reo-39912.html