Hội tụ sức mạnh

Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng Khóa XI, 'Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội' (Chỉ thị số 40) ra đời không chỉ giải quyết những vấn đề nội tại trong việc triển khai tín dụng chính sách xã hội, mà còn tạo bước đột phá trong việc gắn kết sức mạnh của cả hệ thống chính trị, hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách vượt qua chính mình, chiến thắng đói nghèo. Sau 10 năm đi vào cuộc sống, Chỉ thị số 40 một lần nữa khẳng định sức mạnh của đại đoàn kết, của sự tương thông giữa ý Đảng - lòng Dân!

Nốt cao trong bản nhạc giảm nghèo

Không sai khi nói, Chỉ thị số 40 như một nốt cao trong bản trường ca xóa đói giảm nghèo, làm đậm thêm tính nhân văn của chính sách tín dụng xã hội mà Đảng và Nhà nước Việt Nam dành cho người nghèo, giúp họ hòa nhịp cùng tiến trình phát triển kinh tế của đất nước.

Cấp ủy, chính quyền, các hội đoàn thể ở Đắk Lắk luôn ở bên động viên, khích lệ người dân vay vốn phát triển kinh tế. Ảnh: Đức Kiên

Cấp ủy, chính quyền, các hội đoàn thể ở Đắk Lắk luôn ở bên động viên, khích lệ người dân vay vốn phát triển kinh tế. Ảnh: Đức Kiên

Nhìn lại 10 năm trước, dù đã tham gia sâu vào công cuộc giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới nhưng ở nhiều địa phương, tín dụng chính sách chỉ được xem như một hoạt động "thêm nếm" trong hoạt động của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp. Dẫn đến, cùng một chính sách, cùng một thể chế nhưng có nơi, có vùng phát huy tối đa hiệu lực, hiệu quả và ngược lại, có nơi, có vùng vẫn là vùng trũng, rốn nghèo. Chính vì vậy, Chỉ thị số 40 ra đời đã tạo ra bước chuyển đột phá trong nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương khi khẳng định hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ, kế hoạch, hoạt động thường xuyên của các cấp ủy, các ngành, địa phương và đơn vị.

Thậm chí cấp ủy, chính quyền nhiều địa phương như Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ... đã nhận thức rõ tín dụng chính sách xã hội là một giải pháp quan trọng trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Sự thay đổi trong nhận thức, đã tạo thành kim chỉ nam xuyên suốt tư tưởng, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách. Ngay từ quy trình triển khai tín dụng chính sách xã hội hay công tác rà soát, điều tra đúng, đủ và kịp thời đối tượng được thụ hưởng chính sách vay vốn đến phối hợp giữa các hoạt động tập huấn khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề và chuyển giao công nghệ với hoạt động cho vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH)… đều được cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo sát sao, giúp người vay sử dụng đồng vốn hiệu quả.

Cộng hưởng và lan tỏa

Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), ngoài việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước còn đặc biệt đẩy mạnh quán triệt nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, cũng như tuyên truyền về Phong trào "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau", Tháng cao điểm "Vì người nghèo"… nhằm kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, cá nhân bổ sung nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hội.

Đi đôi với tuyên truyền, vận động, kêu gọi nguồn lực, MTTQ đã làm tốt công tác giám sát, phản biện xã hội đối với quá trình tổ chức, triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Trên cơ sở đó, phối hợp với NHCSXH kịp thời nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các bộ, ngành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình mục tiêu quốc gia trong từng thời kỳ.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cho biết, để triển khai hiệu quả Chỉ thị số 40, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và NHCSXH đã ký chương trình phối hợp nhằm tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội; tuyên truyền về Phong trào "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau", hoạt động Quỹ "Vì người nghèo"...

Trong 5 năm gần đây, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã tổ chức 87.356 đoàn giám sát, trong đó MTTQ cấp tỉnh tổ chức 1.981 cuộc, MTTQ cấp huyện tổ chức 13.213 cuộc; MTTQ cấp xã giám sát 72.162 cuộc. Các cuộc giám sát tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm như huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực xã hội, công tác phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện chính sách an sinh xã hội. Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM và bảo đảm an sinh xã hội; đồng thời tăng cường vai trò, hiệu quả giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội đối với các hoạt động tín dụng chính sách xã hội và thực hiện các chủ trương, chính sách về giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM, bảo đảm an sinh xã hội.

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng chia sẻ, 10 năm qua, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua hệ thống NHCSXH đạt trên 47 nghìn tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách đến nay đạt trên 373 nghìn tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay đạt gần 351 nghìn tỷ đồng. Nguồn vốn mà chính quyền các cấp ủy thác sang NHCSXH để thực hiện cho vay các đối tượng chính sách tuy còn khiêm tốn nhưng thể hiện rõ ý Đảng lòng dân đã hòa quyện.

Nhờ đó, đã giúp hơn 3,1 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; hơn 4,2 triệu lao động vay vốn tạo việc làm; xây dựng hơn 13,2 triệu công trình cung cấp nước sạch, vệ sinh, môi trường đến với người dân vùng nông thôn; hơn 610 nghìn học sinh, sinh viên vay vốn trang trải chi phí học tập; hơn 193 nghìn căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách và hơn 1,2 triệu lượt lao động được doanh nghiệp vay vốn trả lương do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Thái Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/hoi-tu-suc-manh-i384045/