Hồi ức về những tháng ngày phong tỏa

Đúng 0 giờ ngày 31-5-2021 là dấu ấn vô cùng đáng nhớ của toàn dân TP. Hồ Chí Minh và cũng như 16 tỉnh lân cận. Nó đánh dấu chuỗi ngày tháng dài trong lịch sử hơn 300 năm thành lập thành phố năng động này. Những tháng ngày cả thành phố đều bị 'đóng băng' bằng những sắc lệnh nghiêm ngặt nhất.

Tôi còn nhớ lúc đó hẻm nhà trọ tôi ở đã bị phong tỏa từ ngày 29-5. Đúng sau 1 ngày khi các chiến sĩ bộ đội biên phòng Bình Phước ghé nhà tôi để chở hàng tiếp tế do tôi đứng ra vận động. Lúc đó tôi vẫn giữ vững tinh thần vui vẻ, lạc quan khi cứ nghĩ nhiều lắm chỉ 1 tháng thì mọi thứ sẽ ổn trở lại. Thậm chí, lương thực dự trữ tôi cũng không mua nhiều. Bởi 15 năm sống tự lập ở thành phố này, tôi chưa bao giờ hình dung ra khung cảnh mình sẽ bị nhốt trong nhà gần nửa năm trời.

Những món ăn tinh thần đến tận nhà người dân khu phong tỏa trong đó có sách của tôi

Những món ăn tinh thần đến tận nhà người dân khu phong tỏa trong đó có sách của tôi

Nhưng rồi, trong chuỗi ngày dài phong tỏa, từ mớ rau, cọng hành hay trái ớt tươi ai cũng phải tập ăn tiết kiệm. Tôi không thể gặp được ai và thậm chí, đồ mọi người tiếp tế tôi phải nhờ hàng xóm ra tận đầu hẻm lấy vì giao hàng không thể mang vào tận nhà. Có khoảnh khắc khi lướt facebook hay tin một người bạn của mình vừa ra đi vì Covid-19, lúc đó tôi khóc nức nở nhưng trong phút chốc lại gạt nước mắt vì phải ra ngoài nhận một xe hàng rau củ mà tôi đã xin được về cho bà con quanh khu phố.

Trời mưa, tôi ngồi sau xe máy của một anh dân quân, vì lúc đó không phải ai cũng được phép ra khỏi nhà. Tôi vừa khóc vì bạn mất, lại bị ướt lạnh vì mưa, vừa phải tiếp xúc với người lạ trong khi bản thân mình chưa được tiêm vắc xin. Đêm về, tôi pha vội một ly nước mật ong nóng uống và cầu nguyện không bị cảm hay nhiễm bệnh. Vì khi đó tất cả hệ thống y tế đều quá tải.

Những ngày dài phong tỏa, tôi thường chủ động hỏi han mọi người trong khu nhà trọ mình ở xem họ có còn gì ăn không, nếu thiếu gì cứ ghé phòng trọ tôi lấy. Thậm chí, có hôm tôi xin bạn cho tôi mười phần quà lương thực để tặng mọi người trong khu nhà trọ, trao quà xong mới chợt nhớ không xin cho mình. Vậy là đành nhoẻn miệng cười tự nhủ nếu mình thiếu gì sẽ đi xin lại mọi người trong khu trọ.

Những ngày không quên ấy, sự xuất hiện của bộ đội là nguồn động viên tinh thần cho người dân

Những ngày không quên ấy, sự xuất hiện của bộ đội là nguồn động viên tinh thần cho người dân

Rồi khi Chỉ thị 16+ được ban hành, tôi đọc báo thấy đoàn viên thanh niên quận Phú Nhuận khởi động chương trình tặng sách đến các khu phong tỏa. Tôi chủ động liên hệ và xin được góp một phần nhỏ bé để hy vọng những tháng ngày giãn cách xã hội, người dân sẽ được thưởng thức thêm “món ăn” cho tinh thần bớt căng thẳng.

Với Sài Gòn, những tháng ngày phong tỏa là những câu chuyện buồn và rất đau thương. Thậm chí, có những câu chuyện người dân chỉ có thể truyền miệng rồi ngậm ngùi chua xót! Ở đó, dù người giàu cũng như người nghèo đều phải gồng mình cố gắng san sẻ cho nhau. Và phải nói thật vào thời điểm đó ai phải có một tình yêu mãnh liệt lắm mới dũng cảm ở lại. Bởi ở lại nghĩa là chọn đương đầu với dịch bệnh, với một thử thách vô hình. Thương xót nhất là những nhóm người xa quê phải di tản khi không thể bám trụ mãi trong căn nhà trọ chật chội suốt mấy tháng dài đằng đẵng.

Tôi còn nhớ suốt chuỗi ngày ấy, điều tôi luôn nghĩ là liệu ngày mai tấm hàng rào phong tỏa phía đầu hẻm có được tháo dỡ? Lúc đó tôi sẽ đi ăn ngay món lẩu. Lý do đặc biệt bởi khi ăn lẩu phải ăn đông người và được ăn kèm nhiều loại rau. Mà trong những ngày giãn cách ấy thì rau và cuộc gặp gỡ bạn bè luôn là 2 thứ xa xỉ nhất. Thế nên ngày được “giải phóng”, được gặp lại mọi người, được ôm lấy nhau lại là một món quà vô giá! Ai cũng cảm thấy trân quý cuộc sống mình hơn khi đứng trước đại dịch.

Tiếp tế lương thực từ bạn bè nhưng phải giữ khoảng cách an toàn sau hàng rào phong tỏa

Tiếp tế lương thực từ bạn bè nhưng phải giữ khoảng cách an toàn sau hàng rào phong tỏa

Một năm trôi qua, Sài Gòn đã hồi sinh, dù những nỗi đau vẫn đọng lại, hơn 1.000 đứa trẻ bỗng mồ côi cả cha lẫn mẹ. Những khu vực bệnh viện dã chiến đã được tháo dỡ và trả lại mặt bằng, đội ngũ y tế và tình nguyện viên chống dịch đã được nghỉ ngơi, những câu khẩu hiệu phòng chống đại dịch Covid-19 nên được sửa thành thích nghi và chung sống an toàn. Cả thế giới bắt đầu thừa nhận đây là bệnh đặc hữu như những bệnh liên quan đến hệ thống hô hấp khác.

Nay Sài Gòn sẽ không còn phải chịu cảnh “ngủ yên” và tin chắc rằng sẽ không bao giờ lặp lại những tháng ngày kia. Đâu đó, trong góc khuất trái tim người Sài Gòn vẫn còn những hồi ức nhói đau về chuỗi ngày dài phong tỏa. Nhưng một lần nữa tôi luôn tin rằng sự bao dung và tử tế của thành phố này sẽ thoa dịu hết tất cả mọi vết thương và cả những lỗi lầm…

Trần Trà My

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/133875/hoi-uc-ve-nhung-thang-ngay-phong-toa