Hồi xanh những cánh đồng

Thời điểm này, nông dân trong tỉnh đang khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ. Đồng hành với nhà nông, những cán bộ khuyến nông không quản mưa nắng, cùng xuống đồng để hướng dẫn bà con các biện pháp vệ sinh đồng ruộng, khôi phục sản xuất.

Ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, toàn bộ diện tích chuối hơn 10 ha đang giai đoạn trổ buồng của gia đình ông Trần Văn Khiếu, thị trấn Phố Lu (Bảo Thắng) bị ngập sâu, khi nước rút để lại lớp bùn đất từ 30 - 40 cm lấp kín gốc, lá bắt đầu héo rũ. Nhìn tài sản, công sức lao động suốt mấy tháng qua có nguy cơ mất trắng, ông Khiếu chỉ biết nuốt nước mắt vào trong. Nắm được tình hình, cán bộ Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh đã có mặt hướng dẫn ông Khiếu và bà con trong thôn những biện pháp kỹ thuật cứu vườn chuối.

Miệng nói, tay làm, những cán bộ khuyến nông đào đất, khơi thông rãnh thoát nước, lấy dao cắt bớt tàu lá héo, sau đó cào từng lớp bùn quanh gốc để mầm chuối non nhô lên mặt đất. Kỹ sư Lương Quang Thạch, cán bộ Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh giải thích: Biện pháp ban đầu là đào rạch tiêu úng cho vườn, cào hết lớp bùn xung quanh gốc cây tạo độ thoáng cho rễ, cắt tỉa các lá bị táp, gãy để giảm trọng lượng cho thân, giúp cây thuận lợi phát triển. Sau 3 - 5 ngày nữa, đến khi đất se bề mặt sẽ bón phân để kích thích cây hồi phục. Đối với những cây bị gãy, đổ phải chặt bỏ, xử lý tàn dư để mầm non phát triển.

Ông Khiếu cho biết: Được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật tận tình, lại thực hành ngay tại đồng ruộng nên gia đình tôi đã tiếp thu và áp dụng ngay cho toàn bộ diện tích chuối. Sau hơn 1 tuần, một số diện tích chuối đã bắt đầu hồi xanh.

Gia đình ông Khiếu là một trong số ít hộ may mắn có thể phục hồi một phần diện tích bị ngập mà không phải trồng lại. Đợt mưa lũ vừa qua, xã Bảo Hà (Bảo Yên) có hơn 133 ha lúa, ngô, rau, màu bị thiệt hại, trong đó hơn 80% diện tích không có khả năng phục hồi. Ngay khi nước rút, cán bộ khuyến nông xã đã cùng bà con thăm đồng, khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục. Nhìn những ruộng ngô đang kỳ trỗ cờ, phun râu bị ngập sâu và ngâm trong nước nhiều ngày, cây khô héo, bị thiệt hại hoàn toàn khiến ai cũng xót xa.

Gắn bó với công tác khuyến nông hơn 15 năm, chị Trần Thị Hoài Thu ngậm ngùi: Những cánh đồng lúa mấy hôm trước còn xanh tốt, hứa hẹn cho vụ mùa bội thu, nay bị bao phủ bởi màu xám của đất, những bãi ngô bị úng nước khiến cây thối rũ, vàng úa. Bao nhiêu công sức, mồ hôi, tiền của người dân đầu tư vào sản xuất bỗng chốc bị cuốn trôi theo dòng nước lũ. Tuy nhiên, việc cần làm lúc này là gác lại mọi tiếc nuối, nhanh chóng khôi phục sản xuất để “gọi màu xanh trở lại” cho những cánh đồng.

Từ hôm nước rút đến nay, ngày nào chị Thu cũng chân đeo ủng, áo bảo hộ lao động có mặt ở các cánh đồng của từng thôn để hướng dẫn người dân vệ sinh đồng ruộng. Những ruộng lúa đang kỳ trổ bông bị đổ thì nhanh chóng buộc dựng, bón phân kích rễ. Những diện tích ngô, rau, màu bị chết, không có khả năng phục hồi, chị hướng dẫn bà con cắt bỏ cây, nhanh chóng làm đất để sớm trồng cây vụ đông.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh, bản Liên Hà 6, xã Bảo Hà tâm sự: Gia đình tôi có hơn 10 sào ngô chuẩn bị cho thu hoạch đã bị phù sa bồi đắp mất trắng. Nhìn những cây ngô khô lá, thối bắp ngoài đồng, lớp đất dày cứng, tôi nản quá, chẳng muốn ra đồng. Được cán bộ khuyến nông đến vận động, hướng dẫn kỹ thuật làm đất, hỗ trợ giống ngô, tôi mới phấn chấn tinh thần vác cuốc ra đồng làm đất, mong sớm khôi phục sản xuất. Hôm nay, những hạt ngô giống đã được gieo xuống đất phù sa mang theo hy vọng màu xanh sớm trở lại trên mảnh đất này.

Như ở xã Kim Sơn (Bảo Yên) vùng trồng dâu tằm với hơn 20 ha bị ngập sâu dưới lớp bùn cát. Để giúp người dân khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất, cán bộ khuyến nông đã bám đồng, hướng dẫn nông dân khơi rãnh, tiêu thoát nước. Khi đất bắt đầu se mặt thì phá váng nhằm giúp bộ rễ hô hấp được tốt hơn, kích thích rễ mới phát triển. Hơn chục ngày sau khi nước rút, một số diện tích cây dâu tằm đã khôi phục thành công, cây bắt đầu đâm lộc non...

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, hơn 5.000 ha lúa, hoa màu và cây ăn quả trên địa bàn tỉnh bị ngập nước, ngã đổ, dập nát, nhiều gia súc, gia cầm, thủy sản bị nước lũ cuốn... Với phương châm “nước rút đến đâu, khôi phục đến đó”, ngành nông nghiệp đã cử cán bộ xuống địa bàn, tổ chức tập huấn hướng dẫn ngay tại vườn, ruộng, chuồng trại…

Tại các địa phương trong tỉnh, ngay khi nước rút, nông dân bắt tay chăm sóc lúa, hoa màu. Diện tích lúa đổ, gãy đã được buộc túm, dựng lại tạo thành thế chân kiềng để cây đứng vững hơn, tiếp tục phát triển, diện tích rau, màu còn khả năng khôi phục thì được chăm bón, còn diện tích không thể khắc phục thì khẩn trương làm đất, trồng cây vụ đông...

Kim Thoa

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/hoi-xanh-nhung-canh-dong-post391110.html