Hôm nay 5/11, Quốc hội thảo luận tình hình thực hiện ngân sách nhà nước, đầu tư công và 2 dự án luật
Hôm nay, Quốc hội thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước, đầu tư công 2024-2025 và 2 dự án luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản.
Dự kiến, buổi sáng, từ 8-10h00, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 (trong đó có Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2025-2027; Tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024, dự kiến kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2025; Tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2024, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2025 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý).
Một số nội dung về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước.
Từ 10h00, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
Buổi chiều, Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản; sau đó Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật này.
Về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, ngày 4/11, các đại biểu đã thảo luận tại hội trường. Trong đó, các đại biểu tập trung thảo luận về công tác đối ngoại năm 2024; vấn đề chống lãng phí trong bộ máy công quyền; kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; giải ngân vốn đầu tư công; điều kiện kinh doanh và doanh nghiệp khởi nghiệp; phát triển kinh tế biển bền vững; an ninh, an toàn, hạ tầng giao thông; công tác phòng, chống thiên tai, phục hồi kinh tế sau bão số 3 Yagi…
Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp, kiến nghị, như: đề nghị Chính phủ tập trung phân tích làm rõ các nguyên nhân chủ quan, khách quan và đưa ra giải pháp hiệu quả, phù hợp nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển; tiếp tục triển khai thực hiện các kịch bản để chủ động, kịp thời phản ứng với các mức độ tăng trưởng của nền kinh tế; tiếp tục rà soát, phân loại và tháo gỡ các rào cản về điều kiện kinh doanh…
Đặc biệt, đại biểu Lý Thị Lan, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang cho rằng, công tác đối ngoại năm 2024 tiếp tục là điểm sáng, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước.
Đại biểu nhấn mạnh, trước kỳ họp thứ 8, qua các cuộc tiếp xúc cử tri có thể thấy một bầu không khí phấn khởi, toàn hệ thống chính trị đang có sự chuyển mình mạnh mẽ, tinh thần vượt lên chính mình, đáp ứng kỳ vọng và tầm nhìn của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bước vào kỷ nguyên mới.
Làm rõ hơn về lĩnh vực tiên phong, chiến lược toàn diện để kịp thời triển khai những chuyển động mới này của đất nước, đại biểu Lý Thị Lan nhấn mạnh, năm 2024, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục là điểm sáng, các hoạt động đối ngoại cấp cao diễn ra sôi động, cục diện đối ngoại không ngừng được mở rộng, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước.
Việc triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế gắn với phát huy các động lực tăng trưởng của nền kinh tế, triển khai các thỏa thuận hợp tác song phương, đa phương. Cụ thể hóa các khuôn khổ quan hệ đã được nâng cấp, góp phần thực hiện các mục tiêu phục hồi tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế và phát triển bền vững của đất nước.
Để tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, nắm bắt thời kỳ lịch sử mới với quan điểm chỉ đạo đối ngoại là trọng yếu và thường xuyên, phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp trong toàn hệ thống chính trị nhằm triển khai đường lối đối ngoại của Đảng là hết sức cấp bách
Đại biểu Lý Thị Lan đề xuất với Chính phủ. Một là, tiếp tục hoàn thiện quy chế thống nhất quản lý và triển khai đồng bộ các hoạt động đối ngoại, phát huy cao nhất mối quan hệ giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân.
Phối hợp hiệu quả giữa các trụ cột và lĩnh vực đối ngoại từ đối ngoại Quốc phòng, Công an nhân dân, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể, tổ chức; hệ thống công tác Ngoại vụ và đối ngoại của các địa phương; các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; công tác người Việt Nam ở nước ngoài.
Nâng cao hiệu quả và chiều sâu trong các lĩnh vực ngoại giao kinh tế và văn hóa đối ngoại theo hướng hoạt động đối ngoại hỗ trợ Bộ, ngành, địa phương khơi dậy động lực, phát triển kinh tế, nắm bắt cơ hội. Hoạt động đối ngoại phải thực sự mang bản sắc dân tộc và thời đại, phát huy sức mạnh mềm để nâng cao uy tín, vị thế quốc gia trên trường quốc tế.
Hai là, cần quan tâm, tăng cường nguồn lực cho đối ngoại để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới như: Đào tạo nguồn nhân lực, nhất là năng lực khoa học công nghệ và trình độ ngoại ngữ của đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại.
Đảm bảo ngân sách cho hoạt động của các cơ quan, đại diện Việt Nam ở nước ngoài và chế độ chính sách cho cán bộ ngoại giao lên mức ngang với các nước trong khu vực có thu nhập tương đương.