Điểm bỏ phiếu đầu tiên mở cửa, ngày bầu cử Mỹ năm 2024 bắt đầu

Những lá phiếu trực tiếp đầu tiên của trong ngày bầu cử Mỹ năm 2024 được bỏ tại Dixville Notch, bang New Hampshire bởi theo truyền thống, cử tri ở đây sẽ bỏ phiếu vào đúng 0h ngày 5/11 (theo giờ miền Đông, tương ứng 12h trưa cùng ngày theo giờ Việt Nam).

12:14

Cử tri Dixville Notch, bang New Hampshire bắt đầu đi bỏ phiếu trong Ngày bầu cử

Ngày bầu cử tổng thống Mỹ đã bắt đầu vào 5/11 với các cử tri tại Dixville Notch, New Hampshire đi bỏ phiếu. Cựu Tổng thống Donald Trump - ứng viên đảng Cộng hòa sẽ đối đầu với Phó Tổng thống Kamala Harris - ứng viên đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử được dự đoán là một cuộc đua căng thẳng với tỷ lệ cạnh tranh sít sao.

Cựu Tổng thống Donald Trump sẽ đối đầu với Phó Tổng thống Kamala Harris trong cuộc bầu cử được dự đoán là một cuộc đua căng thẳng. Ảnh: Reuters

Cựu Tổng thống Donald Trump sẽ đối đầu với Phó Tổng thống Kamala Harris trong cuộc bầu cử được dự đoán là một cuộc đua căng thẳng. Ảnh: Reuters

11:47

Bà Harris hoàn toàn không nhắc đến ông Trump trong phát biểu trước giờ bầu cử

Thông điệp của phó tổng thống Mỹ luôn nhất quán, nhưng bà Kamala Harris đã bỏ chi tiết đáng chú ý trong bài phát biểu vận động tranh cử của mình vào giai đoạn cuối của cuộc đua giành chức tổng thống: Donald Trump.

Bà Harris vận động tranh cử ở Pittsburgh, Pennsylvania đêm 4/11. Ảnh: CNN

Bà Harris vận động tranh cử ở Pittsburgh, Pennsylvania đêm 4/11. Ảnh: CNN

Tên của cựu tổng thống một lần nữa không có trong bài phát biểu của phó tổng thống vào đêm 4/11 tại Pittsburgh, nơi bà một lần nữa hứa với cử tri sẽ chấm dứt hoàn toàn sự bất hòa ông Trump gây ra với nền chính trị Mỹ. Đây là một sự thay đổi đáng chú ý trong cách diễn đạt của phó tổng thống - người đã nhắc đến tên của ông Trump nhiều lần trong các bài phát biểu vận động tranh cử của mình đến nỗi chiến dịch của đảng Cộng hòa đã biên soạn một video tổng hợp cảnh bà Harris nói đến "Donald Trump" và phát tại các cuộc mít tinh của ông Trump.

"Chúng ta có cơ hội trong cuộc bầu cử này để lật sang trang mới, bước khỏi thập kỷ chính trị bị thúc đẩy bởi nỗi sợ và sự chia rẽ. Chúng ta đã kiệt sức với nó, chúng ta sẽ không quay lại", bà Harris nói.

11:25

Tại sao 7 bang chiến địa này có thể quyết định ứng viên giành chiến thắng?

3 bang chiến trường Trung Tây, hay còn gọi là "bức tường xanh" bao gồm Pennsylvania, Michigan và Wisconsin. Trước đây, những bang này thường nghiêng về đảng Dân chủ nhưng đã thay đổi trong những năm gần đây khi cơ cấu dân số của các bang này có sự thay đổi và cựu Tổng thống Donald Trump thu hút được các cử tri da trắng không có bằng đại học.

Ảnh: Reuters

Ảnh: Reuters

Khi ông Trump giành được Nhà Trắng năm 2016, ông đã chiến thắng ở cả 3 bang này. Khi Tổng thống Joe Biden giành chiến thắng vào năm 2020, ông cũng thắng ở cả 3 bang trên. Nếu Phó Tổng thống Kamala Harris giành chiến thắng ở 3 bang trong năm nay, bà có khả năng sẽ có đủ phiếu đại cử tri để trở thành tổng thống. Tuy nhiên, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy cuộc đua ở cả 3 tiểu bang này rất sít sao. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu sẽ là yếu tố then chốt với bà Harris. Điều này đồng nghĩa với việc bà phải thu hút được phụ nữ ở ngoại ô và cử tri da đen. Cả 3 bang này đều có các trung tâm đô thị.

Các bang "bức tường xanh" thường bỏ phiếu giống nhau. Lần cuối họ không cùng bầu cho một ứng viên là vào năm 1988 - đáng chú ý đó là năm mà California là bang đỏ và Tây Virginia là bang xanh. Trong 8 cuộc bầu cử kể từ năm 1988, lần duy nhất các bang "bức tường xanh" bầu cho một ứng cử viên đảng Cộng hòa là vào năm 2016.

4 bang chiến trường Vành đai Mặt trời là những bang có dân số ngày càng tăng, gồm Arizona và Nevada ở phía Tây và Bắc Carolina và Georgia ở phía Đông. Arizona, Georgia và Bắc Carolina từng là những bang nghiêng về đảng Cộng hòa. Ông Trump đã giành chiến thắng ở Bắc Carolina 2 lần nhưng với tỷ lệ rất sít sao vào năm 2020. Ứng viên đảng Dân chủ cuối cùng giành chiến thắng ở đó là ông Barack Obama vào năm 2008. Ông Biden là ứng viên đảng Dân chủ đầu tiên giành chiến thắng ở Georgia kể từ khi ông Bill Clinton giành chiến thắng năm 1992 và Arizona kể từ ông Clinton giành chiến thắng năm 1996.

11:17

10:37

10:27

Đội ngũ của ông Trump nói giành được "chiến thắng lớn" trong những giờ cuối tranh cử

Người dẫn chương trình podcast nổi tiếng Joe Rogan đã chính thức ủng hộ ông Donald Trump vào đêm trước bầu cử, một động thái mà đội ngũ của ông Trump nhanh chóng coi là chiến thắng lớn trong những giờ cuối cùng của chiến dịch. Chia sẻ trên mạng xã hội X, ông Rogan tuyên bố ông ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump.

Tại một cuộc mít tinh ở Pittsburgh hôm 4/11, ông Trump đã ca ngợi sự ủng hộ của ông Rogan.

"Tôi vừa nhận được tin Joe Rogan ủng hộ tôi, thật tuyệt. Cảm ơn ông, Joe. Ông ấy thường không làm như vậy. Ông ấy có xu hướng tự do hơn một chút so với một số người trong căn phòng này hiện tại", ông Trump nói.

Joe Rogan chính thức ủng hộ ông Donald Trump vào đêm trước bầu cử. Ảnh: USA Today

Joe Rogan chính thức ủng hộ ông Donald Trump vào đêm trước bầu cử. Ảnh: USA Today

Tháng trước, ông Trump đã xuất hiện trên chương trình podcast của ông Rogan, thường được cho là podcast số 1 trên toàn cầu, sau nhiều năm ông Rogan tuyên bố ông sẽ không mời cựu Tổng thống tham gia podcast của mình và những cuộc công kích gần đây từ chính ông Trump.

"Tôi không phải người ủng hộ ông Trump theo bất kỳ cách nào. Tôi đã có cơ hội mời ông ấy tham gia chương trình của mình nhiều hơn một lần. Lần nào tôi cũng nói không. Tôi không muốn giúp ông ta. Tôi không quan tâm đến điều đó", ông Rogan nói trên Lex Fridman Podcast năm 2022. Ông Rogan dường như đã ủng hộ Thượng nghị sĩ Bernie Sanders làm tổng thống vào năm 2020.

Sự ủng hộ của ông Rogan cho cựu Tổng thống Trump được các cố vấn của ông coi là thành tựu to lớn nhất trong chiến lược truyền thông của họ nhằm vào những người đàn ông trẻ tuổi và những cử tri có xu hướng bỏ phiếu thấp bằng cách để ông Trump xuất hiện trên các podcast phục vụ các nhóm cử tri này.

Tuần trước ông Rogan đăng trên mạng xã hội X rằng ông từ chối lời đề nghị từ chiến dịch của Phó Tổng thống Kamala Harris để tiến hành một cuộc phỏng vấn. Chiến dịch của bà Harris không đưa ra bình luận về bài đăng của ông Rogan.

10:22

10:11

Những giờ vận động tranh cử cuối cùng

Cả hai ứng cử viên đều đã tới Pennsylvania trong ngày cuối cùng để kêu gọi cử tri đi bỏ phiếu. Pennsylvania là bang chiếm nhiều phiếu đại cử tri nhất trong số 7 bang chiến địa dự kiến sẽ quyết định kết quả bầu cử. Các cuộc thăm dò cho thấy, cuộc đua tại bang này cũng sít sao nhất so với các bang chiến địa còn lại.

Ông Trump xuất hiện trước đám đông tại Pittsburgh và đưa ra “thông điệp kết thúc” tới cử tri trong những giờ cuối cùng trước Ngày bầu cử. Ông Trump tập trung vào chủ đề kinh tế trong bài phát biểu tại Pittsburgh, nói rằng bà Harris sẽ mang lại “sự khốn khổ” về kinh tế nếu bà được bầu.

Trong khi đó, phát biểu trước cộng đồng người Puerto Rico tại Allentown, bà Harris tự tin sẽ giành chiến thắng và cam kết sẽ trở thành tổng thống của “tất cả người Mỹ”.

09:48

09:30

09:25

Bà Harris phát biểu tại một trong những bang chiến địa quan trọng nhất

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đang phát biểu tại một cuộc mít tinh ở Pittsburgh khi bà tiếp tục chiến dịch tranh cử tại tiểu bang chiến trường quan trọng Pennsylvania.

Điểm dừng chân của bà tại Pittsburgh là điểm dừng chân thứ ba của bà tại tiểu bang này vào đêm trước Ngày bầu cử sau các cuộc mít tinh ở Scranton và Allentown và trước điểm dừng chân cuối cùng của bà tại Philadelphia, nơi bà sẽ có một sự kiện cùng với Oprah Winfrey, Lady Gaga và nhiều người nổi tiếng, nhạc sĩ cũng như các quan chức được bầu khác. Pennsylvania được coi là một trong những bang chiến trường quan trọng nhất trong cuộc bầu cử năm nay.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris. Ảnh: Reuters

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris. Ảnh: Reuters

09:21

Nếu giành được nhiệm kỳ thứ hai, ông Trump sẽ hoàn thành một cú lội ngược dòng ngoạn mục trở lại Nhà Trắng, sau khi thoát khỏi hai nỗ lực ám sát trong năm nay cùng một bản án hình sự ở tòa New York. Bà Harris cũng đứng trước cơ hội trở thành nữ Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ sau 250 năm đất nước này được lãnh đạo bởi nam giới. Đây sẽ là một kỳ tích đáng kinh ngạc sau khi đảng Dân chủ từng có giai đoạn đứng trước bờ vực thất bại vì vấn đề tuổi tác của Tổng thống Joe Biden trong chiến dịch tranh cử của ông.

09:10

Ngày bầu cử Mỹ được ấn định ra sao?

Truyền thống tổ chức bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày thứ Ba đầu tiên của tháng 11 có từ năm 1845. Quyết định này được đưa ra bởi Quốc hội khi Mỹ vẫn chủ yếu là một xã hội nông nghiệp. Bằng cách lên lịch bầu cử sau vụ thu hoạch mùa thu, các nông dân có thể thuận tiện di chuyển đến các điểm bỏ phiếu, thường nằm cách xa nhà của họ. Thời gian và truyền thống này vẫn được duy trì cho đến nay.

Mỹ có khoảng 244 triệu cử tri đủ điều kiện bỏ phiếu năm nay, trong đó hơn 74 triệu người đã đi bỏ phiếu sớm.

Nước Mỹ đã sẵn sàng cho ngày bầu cử. Ảnh: orf

Nước Mỹ đã sẵn sàng cho ngày bầu cử. Ảnh: orf

09:03

Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 hứa hẹn gay cấn đến phút chót

Khả năng chiến thắng của cả hai ứng cử viên vẫn là 50-50, cuộc bầu cử năm nay rất khó đoán định, ngay cả đối với các chuyên gia nghiên cứu về bầu cử Tổng thống Mỹ. Hầu hết các cử tri Mỹ bỏ phiếu cho ứng cử viên đại diện cho đảng của họ, do đó, ở các bang truyền thống hoặc thiên về một đảng nào đó thì kết quả gần như đã được khẳng định trước bầu cử. Chính vì vậy trong bối cảnh ông Trump và bà Harris vẫn bám đuổi sít sao thì kết quả cuộc bầu cử có khả năng sẽ phụ thuộc vào lá phiếu của số ít các cử tri vẫn chưa quyết định, nhất là tại các bang dao động.

08:55

Ba thị trấn ở bang New Hampshire gồm Dixville Notch, Hart's Location và Millsfield là những điểm đầu tiên mở cửa cho người dân đi bỏ phiếu từ 0h ngày 5/11 (12h, giờ Hà Nội).

Phần lớn các điểm bỏ phiếu trên khắp nước Mỹ sẽ mở cửa từ 7h đến 9h ngày 5/11, tùy theo múi giờ khác nhau trên cả nước.Các trạm bỏ phiếu đóng cửa từ 18h00 đến nửa đêm, theo giờ miền Đông.

Kết quả dự kiến sẽ bắt đầu được công bố khi các điểm bỏ phiếu bắt đầu đóng cửa từ khoảng 18h cùng ngày, theo giờ miền Đông (6h ngày 6/11, giờ Hà Nội).

Nhóm PV/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/cap-nhat-diem-bo-phieu-dau-tien-mo-cua-ngay-bau-cu-my-nam-2024-bat-dau-post1133204.vov