Hơn 1.300 tỉ đồng nợ xấu được xử lý theo Nghị quyết số 42/2017/QH14

Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết 42) và tờ trình về việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42, tỉnh Quảng Trị đã xử lý nợ xấu với tổng số tiền hơn 1.300 tỉ đồng. Cũng như các địa phương khác, tỉnh đang gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện Nghị quyết 42 vì nhiều nguyên nhân.

 Nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến việc xử lý nợ xấu, trong đó có thiên tai, dịch bệnh - Ảnh: TL

Nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến việc xử lý nợ xấu, trong đó có thiên tai, dịch bệnh - Ảnh: TL

Trong số hơn 1.300 tỉ đồng xử lý nợ xấu, số tiền thu được từ việc đôn đốc khách hàng trả nợ là hơn 442 tỉ đồng, bán phát mại tài sản đảm bảo để thu hồi nợ là hơn 27 tỉ đồng, sử dụng từ nguồn dự phòng rủi ro hơn 840 tỉ đồng.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, nợ xấu chủ yếu tập trung vào các đối tượng như các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thi công xây lắp công trình, kinh doanh xăng dầu, mua bán vật liệu xây dựng, một số khách hàng vay vốn đóng tàu đánh bắt xa bờ theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, các khách hàng cá nhân vay phục vụ đời sống.

UBND tỉnh cũng chỉ ra những nguyên nhân ảnh hưởng đến việc xử lý nợ xấu, trong đó có việc thiên tai, dịch bệnh thường xuyên xảy ra ảnh hưởng đến thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng. Nợ xấu của các khoản cho vay theo Nghị định 67/2014 NĐ-CP về phát triển thủy sản có xu hướng tăng lên, nguyên nhân do giá nhiên liệu tăng, ngư trường đánh bắt khó khăn, ngân hàng thương mại không quản lý được dòng tiền của các chủ tàu vay vốn.

Đặc biệt, quá trình tổ chức thi hành án các vụ việc liên quan đến tổ chức tín dụng, người phải thi hành án thường có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất và nhà ở gắn liền trên đất nhưng không tự nguyện thi hành, cơ quan thi hành án dân sự phải cưỡng chế kê biên xử lý tài sản, giao tài sản cho người trúng đấu giá. Hoặc có trường hợp khi thế chấp vay vốn thì chỉ thế chấp quyền sử dụng đất nhưng trên đất có tài sản chưa được đăng ký quyền sở hữu theo quy định của pháp luật, do đó rất khó khăn trong giai đoạn thi hành án, xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ. Việc giải quyết thủ tục rút gọn trong việc xử lý tài sản theo Nghị quyết 42 chưa được ngành tòa án hướng dẫn nên khó khăn trong việc xử lý phát mại tài sản thế chấp.

Theo quy định tại Nghị quyết số 42, số tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ trả nợ của tổ chức tín dụng trước khi thực hiện nghĩa vụ không có bảo đảm của bên bảo đảm (như được bảo đảm nghĩa vụ thuế, án phí...) Tuy nhiên, vấn đề này hiện nay ngành tài chính chưa có hướng dẫn cụ thể.

Trước thực trạng khó khăn trên, UBND tỉnh đề nghị Ngân hàng Nhà nước kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho kéo dài thời gian áp dụng Nghị quyết 42, đồng thời có giải pháp hữu hiệu để chỉ đạo các địa phương thu hồi nợ vay phát triển thủy sản theo Nghị định 67.

Thanh Trúc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=82&modid=445&itemid=168020&title=-hon-1300-ti-dong-no-xau-duoc-xu-ly-theo-nghi-quyet-so-422017qh14