Hơn 1 tuần bạo loạn của nước Mỹ

Nước Mỹ lại trải qua đêm thứ 8 không ngủ do phải căng mình đối phó dòng người biểu tình phản đối nạn phân biệt chủng tộc lan rộng từ sau cái chết của một công dân Mỹ gốc Phi George Floyd. Tuy nhiên, làn sóng bạo lực đã có dấu hiệu giảm.

Nước Mỹ lại trải qua đêm thứ 8 không ngủ do phải căng mình đối phó dòng người biểu tình phản đối nạn phân biệt chủng tộc lan rộng từ sau cái chết của một công dân Mỹ gốc Phi George Floyd. Tuy nhiên, làn sóng bạo lực đã có dấu hiệu giảm.

Cảnh sát San Francisco (bang California, Mỹ) điều tra vụ người biểu tình phá hoại một cửa hàng địa phương. Ảnh: AP

Cảnh sát San Francisco (bang California, Mỹ) điều tra vụ người biểu tình phá hoại một cửa hàng địa phương. Ảnh: AP

Có dấu hiệu dịu lại

Các cuộc biểu tình phản đối cái chết của công dân da màu George Floyd đã nổ ra và kéo dài từ cuối tuần qua tại Mỹ. Đến nay biểu tình đã lan ra ít nhất 140 thành phố. Trong nhiều đêm, nhiều khu vực biểu tình đã trở thành nơi bạo loạn, xảy ra tình trạng hôi của và đập phá, theo Reuters. Nhiều con phố mua sắm của New York đã trở thành nạn nhân của nạn hôi của.

Biểu tình ở New York, Washington, Minneapolis và nhiều thành phố, thị trấn khác trên khắp nước Mỹ có dấu hiệu dịu lại trong đêm 2-6 (ngày 3-6, giờ Việt Nam). Các cuộc biểu tình phần lớn là diễn ra ôn hòa. Trên các đường phố, không còn nhiều cảnh bạo lực, hôi của và chạm trán với cảnh sát so với những ngày trước. Dù vậy, theo AP, có những báo cáo rải rác về việc cướp bóc ở New York chỉ sau một đêm, và tính đến sáng 3-6, đã có hơn 9.000 vụ bắt giữ trên toàn quốc kể từ khi tình trạng bất ổn xảy ra. Cách Nhà Trắng một dãy nhà, hàng ngàn người biểu tình vẫn tụ tập sau một cuộc đàn áp 1 ngày trước đó khi các sĩ quan đi bộ và cưỡi ngựa hung hăng đuổi những người biểu tình ôn hòa ra khỏi Công viên Lafayette, dọn đường cho Tổng thống Donald Trump đến nhà thờ gần đó.

Giới quan sát cho rằng, có thể do nhiều thành phố ở Mỹ tăng cường giới nghiêm vào ban đêm, tình trạng bạo loạn phần nào giảm đi.

Vẫn thắt chặt an ninh

Trong khi đó, an ninh vẫn được thắt chặt khắp mọi nơi. Đồi Capitol từ chiều 2-6 (giờ địa phương) đã tăng cường an ninh đáng kể, bao gồm một hàng rào dã chiến được dựng lên với nhiều cảnh sát bảo vệ nhằm ngăn người biểu tình quá khích tiến sát vào Nhà Trắng. Một lực lượng chống bạo động được trang bị súng bắn hơi cay cũng đã vào vị trí sẵn sàng.

Lầu Năm Góc cũng điều động khoảng 1.600 lính lục quân đến khu vực thủ đô Washington sau nhiều đêm biểu tình bạo lực tại thành phố. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Jonathan Rath Hoffman cho biết, binh sĩ đang ở trong “tình trạng báo động cao độ” nhưng vẫn chưa ở mức hỗ trợ cho các hoạt động của chính quyền dân sự. Khoảng 2 tiếng trước khi bắt đầu giờ giới nghiêm ở Washington (19 giờ), các xe quân sự đã tiến vào thủ đô. Sự xuất hiện của xe quân sự, máy bay trực thăng... khiến nhiều người cho rằng sẽ có thêm nhiều quân lính đến thủ đô trong các ngày tới, chuẩn bị một cuộc khống chế toàn diện, theo New York Times.

Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã nhắc đến ý tưởng kiểm soát sở cảnh sát Washington - một trong những thành phố của Mỹ bị nhấn chìm nghiêm trọng bởi các cuộc biểu tình xuất phát từ cái chết của George Floyd ở thành phố Minneapolis. Muriel Bowser, Thị trưởng Washington, nói với các phóng viên: “Tôi nghĩ các bạn đã nghe tổng thống hôm qua nói ông ấy muốn có một màn phô trương vũ lực ở thủ đô và chúng tôi biết rằng họ đã xem xét rất nhiều cách để làm điều đó”.

KHẢ ANH

Những cuộc biểu tình bạo loạn chấn động nước Mỹ

Năm 1965: Từ 11 đến 17-8, các vụ đụng độ sắc tộc tại khu phố Watts, Los Angeles diễn ra nhằm phản đối vụ việc cảnh sát kiểm tra danh tính 2 người đàn ông da màu trong ô-tô, khiến 34 người thiệt mạng.

Năm 1967: Từ 12 đến 27-7, đụng độ sắc tộc diễn ra tại Newark, bang New Jersey sau vụ việc 2 sĩ quan cảnh sát da trắng bắt giữ và đánh đập một tài xế taxi da màu vì lỗi vi phạm giao thông nhỏ đã khiến 26 người chết và 1.500 người bị thương. Làn sóng bạo loạn liên quan tới phản đối phân biệt chủng tộc đã diễn ra ở Detroit, bang Michigan khiến 43 người chết và hơn 2.000 người bị thương, và lan rộng ra ở bang Illinois, Bắc Carolina, Tennessee và Maryland.

Năm 1968: Từ 4 đến 11-4, sau vụ ám sát mục sư người Mỹ gốc Phi Martin Luther King (ngày 4-4), một làn sóng bạo lực bùng phát ở 125 thành phố trên nước Mỹ khiến ít nhất 46 người chết và 26.000 người bị thương. Sau đó, chính quyền của Tổng thống Mỹ Lyndon B.Johnson đã phải điều Sư đoàn dù 82 đến để dập tắt bạo loạn.

Năm 1980: Tháng 12-1979, một người da đen bị 4 sĩ quan cảnh sát da trắng đánh đến chết ở Tampa, Florida vì lỗi vượt đèn đỏ. 4 sĩ quan này sau đó được tha bổng và vụ việc này đã làm bùng phát một làn sóng bạo lực phản đối ở Miami, bang Florida, khiến 18 người chết và hơn 300 người bị thương.

Năm 1992: Từ 30-4 đến 1-5, bạo loạn nổ ra ở Los Angeles để phản đối phân biệt chủng tộc sau sự việc 4 sĩ quan cảnh sát da trắng đánh đập một người da đen tên Rodney King làm 59 người chết và 2.300 người bị thương.

Năm 2016: Ngày 13-8, các cuộc biểu tình của khoảng 200 người tại thành phố Milwaukee, thuộc bang Wisconsin, miền Bắc nước Mỹ, nhằm phản đối vụ một nam thanh niên 23 tuổi bị cảnh sát bắn chết trước đó cùng ngày, đã biến thành bạo loạn sau khi xảy ra xung đột giữa những người biểu tình và lực lượng thực thi pháp luật.

Năm 2017: Tháng 8, cuộc tuần hành ở thành phố Charlottesville, bang Virginia, Mỹ, của hàng ngàn người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan da trắng cùng các nhóm ủng hộ cánh hữu ở Mỹ nhanh chóng biến thành bạo lực do vấp phải sự phản đối từ những nhóm ủng hộ quyền lợi cho người da đen và chống phân biệt chủng tộc.

Năm 2019: Tháng 7, để phản đối việc cảnh sát bắn chết hai người da màu, hàng ngàn người đã tập trung trên đường phố Dallas, bang Texas để biểu tình. Nhiều người đã đưa ra biểu ngữ mang đầy tính thông điệp: “Tôn trọng quyền được sống hay mong chờ sự phản kháng”.

T.N

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_225878_hon-1-tuan-bao-loan-cua-nuoc-my.aspx