Hơn 142 triệu USD giúp TP Hà Tĩnh xây dựng đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu
Dự án hạ tầng ưu tiên và phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Hà Tĩnh dự kiến có tổng mức đầu tư hơn 142 triệu USD, triển khai từ năm 2024 - 2029.
Sáng 30/3, đoàn công tác Văn phòng Chính phủ, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) làm việc với TP Hà Tĩnh và đi kiểm tra thực địa một số địa điểm thuộc Dự án hạ tầng ưu tiên và phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Hà Tĩnh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh tiếp và đi cùng đoàn. Cùng đi có đại diện lãnh đạo các Sở, ngành liên quan và lãnh đạo TP Hà Tĩnh.
Theo báo cáo của UBND TP Hà Tĩnh, qua soát xét, đánh giá chung, với vai trò chức năng là đô thị trung tâm tỉnh lỵ, trung tâm vùng của đô thị loại II thì địa phương đang đối mặt nhiều thách thức tác động đến sự phát triển trong 5 - 10 năm tới như: quy mô đô thị hạn chế so với các đô thị của vùng khu vực Bắc Trung bộ; hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, chưa đáp ứng tốc độ phát triển đô thị; sự kết nối của trung tâm đô thị đến khu vực phụ cận và các huyện, tỉnh vẫn còn hạn chế; hệ thống thoát nước chưa hoàn chỉnh dẫn đến tình trạng ngập lụt xẩy ra thường xuyên…
Trên cơ sở các ý kiến của Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính và các bộ có liên quan, đề xuất dự án xây dựng đô thị TP Hà Tĩnh đã được hoàn thiện với tên gọi là: “Dự án hạ tầng ưu tiên và phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu TP Hà Tĩnh”.
Dự án nhằm mục tiêu hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng tích hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu của thành phố Hà Tĩnh và vùng phụ cận bằng các giải pháp giảm thiểu ngập lụt, phát triển giao thông liên kết vùng và các hỗ trợ kỹ thuật nhằm nâng cao đời sống người dân, phát triển đô thị bền vững, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội toàn diện.
Dự án gồm 4 hợp phần chính:
Hợp phần 1: Xây dựng hệ thống kênh và cống thoát nước hoàn chỉnh cho thành phố Hà Tĩnh hiện hữu
Hợp phần 2: Mở rộng khả năng dự trữ và tiêu thoát nước cho thành phố Hà Tĩnh và vùng phụ cận phía Tây và Tây Nam.
Hợp phần 3: Phát triển hệ thống đường giao thông kết nối khu vực thích ứng với biến đổi khí hậu
Hợp phần 4: Hỗ trợ kỹ thuật và tăng cường năng lực (sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại của ADB).
Dự kiến tổng mức đầu tư của dự án là hơn 142 triệu USD. Trong đó nguồn vốn vay ODA của ADB là hơn 100 triệu USD (chiếm 70,61%); còn lại là nguồn đối ứng từ ngân sách tỉnh.
Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ rà soát, hoàn thiện dự án trình các bộ, ngành liên quan thẩm định, tổng hợp để tiến tới trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dự kiến các hạng mục dự án sẽ được triển khai thi công, xây dựng từ năm 2024 - 2029.
Tại buổi làm việc, đoàn công tác cũng đề nghị TP Hà Tĩnh và các sở, ngành cung cấp thêm các tài liệu liên quan. Các đại biểu tập trung thảo luận một số nội dung liên quan đến tầm quan trọng của dự án đối với địa phương; phương thức quản lý, điều hành dự án…
Hà Tĩnh có bước xuất phát thấp, nhiều khó khăn, song cũng có nhiều cơ hội để mở rộng không gian, quy mô đô thị cùng với phát triển dịch vụ, thương mại. Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã có chủ trương xây dựng thành phố hoàn thiện về hạ tầng, sớm trở thành trung của vùng. Thành phố đã phối hợp và có sự chuẩn bị kỹ càng để xây dựng, hoàn thiện dự án và mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các bộ, ngành. Đặc biệt là trong việc hướng dẫn các quy trình, thủ tục liên quan đến hạn mức vay lại.
Ông Dương Tất Thắng - Bí thư Thành ủy Hà Tĩnh
Sau buổi làm việc, đoàn công tác đã đi kiểm tra thực địa một số địa điểm thuộc Dự án hạ tầng ưu tiên và phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Hà Tĩnh, gồm: Hồ Đập Bợt (xã Thạch Quý), cầu Nủi (phường Đại Nài), cầu Đông (phường Thạch Linh), cống Đập Hầu (xã Thạch Trung); các tuyến đường giao thông đề xuất xây dựng tại các xã Thạch Trung, Đồng Môn.
Đoàn cũng tham gia trồng cây xanh tại công trình hồ điều hòa xã Thạch Trung.