Hơn 39,5 triệu người trên thế giới mắc COVID-19

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ 45 sáng 17/10, trên thế giới có tổng cộng 39.573.043 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 1.109.070 ca tử vong. Số ca bình phục là 29.653.434 ca.

Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19, với 8.288.278 ca mắc và 223.644 ca tử vong.

Ngày 16/10, Mỹ và Mexico nhất trí tiếp tục kéo dài thêm 1 tháng lệnh hạn chế qua đường biên giới chung nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Xếp thứ 2 là Ấn Độ với 7.430.635 ca mắc và 113.032 ca tử vong.

Theo số liệu của Bộ Y tế Ấn Độ công bố ngày 16/10, tỉ lệ tử vong do COVID-19 tại quốc gia Nam Á hiện là 1,52%, thấp nhất kể từ khi nước này bắt đầu áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc hôm 22/3. Kể từ ngày 4/10 đến nay, Ấn Độ đều ghi nhận mức tử vong dưới 1.000 ca/ngày và tỉ lệ tử vong do dịch bệnh tại nước này là 81 người/1 triệu dân. Hôm 16/10, nước này cũng duy trì xu hướng số trường hợp phục hồi nhiều hơn số trường hợp mới nhiễm với các số liệu tương ứng lần lượt trong 24 giờ qua là 70.338 và 63.371. Tổng số ca phục hồi đến nay cao gấp 8 lần số ca hiện dương tính.

Xếp sau Ấn Độ là Brazil với 5.201.570 ca mắc và 153.229 ca tử vong, tiếp đến là Nga với 1.369.313 ca mắc và 23.723 ca tử vong, Tây Ban Nha với 982.723 ca mắc và 33.775 ca tử vong.

Tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp ở châu Âu khi hơn 50% các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), cùng với Anh, đã phải dán nhãn màu đỏ trên bản đồ cảnh báo mới của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC).

Theo ECDC, có tới 17 trong số 31 nước mà cơ quan này theo dõi, có số ca mắc trung bình trong 14 ngày qua là trên 50 ca/100.000 dân mỗi ngày. Nhiều nước châu Âu thông báo ghi nhận số ca nhiễm lên mức cao nhất trong 1 ngày trong đó có Thụy Sĩ, Ukrane và Croatia và Litva

Trong 24 giờ qua, Thụy Sĩ đã ghi nhận thêm 2.600 ca mắc COVID-19 - mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát. Hiện tổng số bệnh nhân COVID-19 tại quốc gia 8,5 triệu dân này hiện là 71.140 người, trong đó 1.817 người đã tử vong, tương đương với tỉ lệ 832 ca mắc và 21 ca không qua khỏi trên 100.000 dân. Dự kiến, Chính phủ Thụy Sĩ sẽ họp xem xét vấn đề áp đặt các biện pháp hạn chế mới để kiểm soát dịch bệnh hay không.

Ukraine cũng thông báo có thêm 5.992 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2, đưa tổng số ca mắc lên tới 287.231 ca, trong đó có 5.394 ca tử vong. Kể từ đầu tháng này, hầu hết ngày nào Ukraine cũng ghi nhận số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 trung bình trên 5.000 ca. Trước tình trạng số ca lây nhiễm đang gia tăng mạnh, chính phủ nước này đang lên kế hoạch gia hạn các biện pháp phong tỏa cho tới cuối năm nay.

Trong khi đó, Croatia lần đầu tiên ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày vượt ngưỡng 1.000 ca. Cụ thể đã có thêm 1.313 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua tại quốc gia Đông Nam Âu này, nâng tổng số ca mắc tại đây lên 23.665 ca, trong đó có 345 ca tử vong.

Litva cũng ghi nhận thêm 255 ca mắc COVID-19, đưa tổng số ca mắc tại quốc gia Đông Bắc châu Âu lên 6.760 ca, bao gồm cả 110 ca tử vong và 2.983 ca được chữa khỏi bệnh. Đây là số ca mắc mới trong ngày cao nhất tại Litva kể từ khi nước này xác nhận ca mắc đầu tiên cuối tháng 2 năm nay. Đó là chưa kể nhiều nước khác vẫn ghi nhận số ca mắc mới tăng cao như Tây Ban Nha là 13.300 ca mắc và 140 trường hợp tử vong, còn Ba Lan là 7.705 ca mắc và 132 người tử vong.

Điện Kremlin đã bày tỏ lo ngại về tình trạng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Nga, song cho rằng tình hình vẫn trong tầm kiểm soát. Trong 24 giờ qua, Nga đã ghi nhận thêm 15.150 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại toàn bộ 85 chủ thể liên bang. Cũng trong 24 giờ qua, đã có thêm 232 ca tử vong, Như vậy tổng số ca mắc và tử vong do COVID-19 tại Nga lần lượt là 1.369.313 ca và 23.723 ca.

Đáng quan ngại, nhiều quan chức cấp cao châu Âu tự cách ly. Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin cho biết bà quyết định rời Hội nghị thượng đỉnh EU kéo dài 2 ngày tại Brussels (Bỉ) để tự cách ly sau khi tham dự một cuộc họp trong tuần này với một nghị sĩ Phần Lan mới đây có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Thủ tướng Ba Lan cũng không tham dự hội nghị do đang tự cách ly ở Vácsava và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng rời khỏi cuộc họp ngay sau khi khai mạc hôm 15/10 do một nhân viên của bà có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Tại Đức, Chủ tịch Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) Lothar Wieler đã đề nghị phong tỏa đối với các điểm nóng của dịch bệnh và Chính phủ Đức coi đề xuất này là một biện pháp khả thi trong cuộc chiến chống dịch. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có kế hoạch triển khai cụ thể. Ông cảnh báo nếu không thắt chặt các hạn chế, số ca mắc COVID-19 có thể lên tới 10.000 ca/ngày.

Còn tại Bỉ, Chính phủ nước này ngày 16/10 đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của Ủy ban chuyên trách về COVID-19, bao gồm các thành viên nội các Bỉ và đại diện chính phủ của các vùng trên toàn nước Bỉ. Sau hơn 4 giờ tranh luận căng thẳng, Ủy ban COVID-19 của Bỉ đã ban hành một loạt biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt kể từ ngày 19/10. Theo đó, mỗi cá nhân chỉ được phép tiếp xúc gần với một người ngoài thành viên trong gia đình của mình.

Ngoài ra, mỗi 2 tuần, mỗi gia đình chỉ được phép mời tối đa 4 người tới nhà riêng, nhưng phải tuân thủ các quy định về phòng dịch (khoảng cách an toàn 1,5m và phải đeo khẩu trang). Làm việc từ xa sẽ là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các lĩnh vực có thể thực hiện được. Các trường đại học của Bỉ sẽ chủ yếu phải tiến hành giảng dạy trực tuyến. Các quán bar, nhà hàng, quán cà phê sẽ phải đóng cửa trong vòng một tháng.

Chính phủ Bỉ cũng sẽ thiết lập lệnh giới nghiêm từ 12 giờ đêm tới 5 giờ sáng. Các chợ và cửa hàng thực phẩm vẫn được mở cửa nhưng phải tuân thủ các quy định về phòng dịch đã được ban bố trước đó. Chợ Noel cũng như các sự kiện tụ tập đông người sẽ không được phép tổ chức trong bối cảnh hiện nay. Đại dịch COVID-19 tại Bỉ đã khiến 191.959 người mắc bệnh, trong đó có 10.327 ca tử vong. Đây là mức tỉ lệ tử vong trên đầu người cao nhất thế giới.

Trong khi đó, Bộ Y tế Ý ngày 16/10 cho biết, trong 24 giờ qua, Ý ghi nhận thêm 10.010 ca mắc COVID-19, mức cao nhất kể từ đầu dịch. Số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng 55 ca, đưa tổng số ca tử vong ở Ý lên 36.427 ca trong số 391.611 ca mắc bệnh. Ý hiện là quốc gia có số ca tử vong do COVID-19 cao thứ 2 ở châu Âu, sau Anh.

Tại khu vực Đông Nam Á, Bộ Y tế Thái Lan ngày 16/10 tuyên bố sẽ triển khai Mô hình Phô mai Thụy Sĩ (Swiss cheese) nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19. Cụ thể, mô hình này sử dụng những lát phô mai để hình dung cách phối hợp các biện pháp can thiệp nhằm phòng tránh dịch COVID-19.

Mỗi biện pháp phòng tránh, bao gồm giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, rửa tay và khử trùng, được mô tả là một rào cản không hoàn chỉnh trước sự lây truyền virus do mỗi biện pháp đều tồn tại những khiếm khuyết giống như những lỗ hổng trên miếng phô mai.

Tuy nhiên, khi những biện pháp phòng tránh này được phối hợp với nhau giống như những lát phô mai được xếp chồng lên nhau thì một số lỗ hổng trên miếng phô mai sẽ bị che lấp, theo đó sự lây truyền virus cũng sẽ giảm đi hoặc thậm chí bị ngăn chặn.

Thái Lan cùng ngày ghi nhận thêm 4 ca mắc COVID-19, tất cả đều là những trường hợp nhập cảnh từ Nigeria, Anh, Ethiopia và Singapore. Tổng số ca COVID-19 ở quốc gia Đông Nam Á này hiện là 3.669 người, trong đó có 59 người tử vong.

Liên quan tới cuộc chiến chống dịch COVID-19, Bộ Y tế Nga ngày 16/10 đã đăng ký giá bán tối đa một số loại thuốc mới điều trị COVID-19. Theo đó, một gói thuốc Avifavir (do công ty TNHH Kromis sản xuất) với liều lượng 200mg và có số lượng 10 viên có giá 1.000 ruble (12,84 USD); hộp 40 viên giá 4.000 ruble và hộp 50 viên có giá 5.000 ruble.

Trong khi đó giá bán thuốc Areplivira (công ty TNHH Promomed Rus sản xuất) với liều lượng 200mg hộp 40 viên có giá 4.000 ruble; hộp 100 viên giá 10.000 ruble. Đối với thuốc Ilsira (công ty cổ phần Biocad sản xuất) với liều lượng 180 mg/ml, giá được chỉ định là 47.531 ruble. Bộ Y tế Nga nêu rõ giá bán tối đa đã đăng ký thuốc điều trị COVID-19 chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT), chênh lệch giữa giá bán buôn và bán lẻ.

Ngày 16/10, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết các lãnh đạo EU đánh giá tình hình dịch tễ học hiện nay tại châu Âu là chưa từng có, gây quan ngại rất nghiêm trọng và cần sự phối hợp ở cấp độ khu vực. Phát biểu họp báo sau khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh EU, ông Michel cho biết Hội đồng châu Âu đánh giá cao những tiến bộ đạt được cho đến nay về phối hợp tổng thể ở cấp độ EU chống đại dịch COVID‑19.

Các lãnh đạo EU kêu gọi Hội đồng châu Âu, Ủy ban châu Âu và các quốc gia thành viên tiếp tục nỗ lực phối hợp tổng thể dựa trên nền tảng khoa học tốt nhất hiện có, đặc biệt là về các quy định kiểm dịch, truy tìm tiếp xúc xuyên biên giới, chiến lược xét nghiệm, đánh giá các phương pháp thử nghiệm, công nhận kết quả xét nghiệm lẫn nhau và hạn chế tạm thời đối với việc đi lại không cần thiết vào EU.

Hội đồng châu Âu bày tỏ hoan nghênh các nỗ lực ở cấp EU về phát triển và phân phối vắcxin phòng bệnh COVID-19, đồng thời tái khẳng định sự cần thiết phải có một quy trình cấp phép và giám sát chặt chẽ, củng cố năng lực tiêm chủng trên toàn EU và tiếp cận vắcxin một cách công bằng, hợp lý. Hội đồng châu Âu cũng khuyến khích đẩy mạnh hợp tác trên cấp độ toàn cầu.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/247750/hon-39-5-trieu-nguoi-tren-the-gioi-mac-covid-19.html