Hơn 50 năm đau đớn vì chứng bệnh 'da rắn'
Khoảng 3 tuần nay, bệnh nhân xuất hiện tình trạng đỏ da, bong vảy nhiều, tổn thương chiếm >90% diện tích cơ thể.
Bệnh viện Hữu Nghị cho biết, vừa tiếp nhận bệnh nhân N.X.Q., 89 tuổi, trong tình trạng đỏ da, bong vảy nhiều, tổn thương chiếm >90% diện tích cơ thể.
Theo đó, bệnh nhân bị bệnh vảy nến hơn 50 năm, đã điều trị nhiều nơi không khỏi. Khoảng 3 tuần nay, tình trạng của ông ngày một nặng khiến bệnh nhân rất khó chịu, ngứa nhiều, mất ngủ, chán nản, kèm theo bệnh lý hẹp mạch vành, suy tim, hẹp tắc động mạch chi dưới.
Đến khám tại Khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Hữu Nghị, bệnh nhân Q. được PGS.TS Lê Hữu Doanh - Giám đốc Bệnh viện Da Liễu Trung ương - Phụ trách Khoa Da Liễu Bệnh viện Hữu Nghị chẩn đoán: Đỏ da toàn thân do vảy nến.
PGS Doanh đã hướng dẫn cách chăm sóc và đưa ra phác điều trị dùng Cyclosporin A, phối hợp thuốc bôi, dưỡng ẩm tại chỗ tăng cường. Sau một tuần điều trị, tổn thương của bệnh nhân Q. đã thuyên giảm nhiều, giảm đỏ da và tình trạng bong vảy, bệnh nhân phấn khởi, lạc quan vui vẻ hơn, ngủ tốt hơn.
Bệnh vảy nến là gì?
Theo Bệnh viện Hữu Nghị, bệnh vảy nến (psoriasis) là một trong những bệnh da thường gặp. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Bệnh biểu hiện bởi những sẩn, mảng đỏ, bong vảy trắng ở trên da… ngứa ngáy, khó chịu, mất thẩm mỹ, đặc biệt khi tổn thương lan rộng người bệnh còn phải chịu đựng tâm lý bị kỳ thị, gặp nhiều phiền toái và giảm chất lượng cuộc sống.
Bệnh vảy nến là một bệnh viêm da mạn tính, không thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng có thể kiểm soát để bệnh ổn định và không bùng phát nếu được thăm khám và điều trị bởi bác sĩ da liễu.
Biểu hiện, triệu chứng của bệnh vảy nến
Bệnh có triệu chứng đặc trưng là xuất hiện các sẩn, mảng đỏ tươi trên da, ranh giới rõ, trên có nhiều vảy trắng dễ bong, phân bố đối xứng, kích thước khác nhau từ vảy nến thể giọt, vảy nến thể đồng tiền, vảy nến thể mảng.
Ngoài các biểu hiện trên da, bệnh vảy nến có thể biểu hiện sưng và đau khớp (viêm khớp) và biểu hiện ở móng như dày sừng dưới móng, tách móng, vàng móng, móng xù xì, rỗ móng…
Nhiều trường hợp bệnh nhân tới khám vì sốt cao, da đỏ toàn thân, hoặc mụn mủ nông dày đặc trên da.
Điều trị bệnh vảy nến thế nào?
Đến nay chưa có phương pháp giúp điều trị khỏi hoàn toàn, nhưng bệnh có thể kiểm soát được. Mục tiêu chính của các phương pháp điều trị là kiểm soát tình trạng bệnh, duy trì bệnh ở mức thấp nhất, ngăn ngừa và hạn chế tối đa các biến chứng của bệnh. Nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
Có rất nhiều phương pháp điều trị bệnh vảy nến. Điều quan trọng nhất là xen kẽ, phối hợp các phương pháp với nhau vì một số thuốc không sử dụng được lâu dài, một số thuốc khi dùng chung cho kết quả cao hơn.
Các bác sĩ Bệnh viện Hữu Nghị cũng khuyến cáo bệnh nhân vảy nến không được tự ý dùng thuốc (đặc biệt là các thuốc đông y, gia truyền, thuốc không rõ thành phần…), tuân thủ theo điều trị của bác sĩ và thường xuyên đến tái khám bác sĩ da liễu để kiểm soát bệnh tốt hơn.
Người bệnh cần có chế độ ăn lành mạnh, cân bằng và đầy đủ dưỡng chất, trong đó nên bổ sung thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, axit béo omega-3, kẽm, acid folic, beta caroten,… hạn chế rượu bia, thực phẩm nhiều tinh bột và đường, món ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, nội tạng động vật, các thức ăn chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp.
Thường xuyên giữ ẩm cho vùng da bị vảy nến là rất quan trọng, bằng cách bôi kem dưỡng ẩm phù hợp nhiều lần, bôi ngay sau khi tắm và bất cứ khi nào cảm thấy khô da đặc biệt mùa đông.
Bên cạnh đó, người bệnh vảy nến nên trang bị hiểu biết của mình về bệnh, để chung sống hòa bình, làm chủ căn bệnh, loại bỏ dần những căng thẳng bởi vì căng thẳng là một trong những yếu tố làm bệnh nặng lên.
Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/hon-50-nam-dau-don-vi-chung-benh-da-ran-d187884.html