Hơn 6 triệu trẻ em mắc COVID-19 tại Mỹ từ đầu năm 2022 đến nay

Các em nhỏ đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 khi trở lại trường học tại Riverview, bang Florida (Mỹ), ngày 10/8/2021. Ảnh: AP/TTXVN

Theo báo cáo cập nhật từ Viện Nhi khoa (AAP) và Hiệp hội Bệnh viện nhi của Mỹ, nước này đã ghi nhận hơn 6 triệu trẻ em mắc COVID-19 kể từ đầu năm 2022 đến nay. Riêng bốn tuần gần đầy, số ca mắc mới ở trẻ em xấp xỉ 287.000 ca.

Trong báo cáo công bố ngày 18/7, AAP nêu rõ số ca bệnh nhi mắc COVID-19 tại Mỹ tăng cao hơn so với cách đây một năm.

Do vậy, hiệp hội chuyên khoa này nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết hiện nay là cần thu thập thêm dữ liệu về độ tuổi cụ thể nhằm đánh giá nguy cơ gây bệnh và những tác động tiềm tàng về lâu dài mà các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây ra đối với trẻ em, từ đó giúp các nhà nghiên cứu có thể tìm ra những biện pháp hạn chế các tác động đối với thể chất, tâm lý và khả năng giao tiếp xã hội của thế hệ trẻ nhỏ cũng như thanh thiếu niên.

Cũng theo thống kê của giới chức y tế Mỹ, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nước này đã ghi nhận hơn 13,9 triệu trẻ em dương tính với virus SARS-CoV-2.

Liên quan tới tình hình dịch bệnh ở Mỹ, trang Boston Globe ngày 17/7 đăng bài viết nhận định việc dòng phụ BA.5 của biến thể Omicron đang lây lan nhanh trên khắp cả nước cho thấy cơ sở hạ tầng y tế công tại đây vẫn còn nhiều lỗ hổng.

Theo bài báo, so với nhiều quốc gia khác, công tác tiêm mũi tăng cường vắc xin ngừa COVID-19 tại Mỹ vẫn ở mức hạn chế. Mới chỉ có khoảng 1/3 dân số nước này đã được tiêm ít nhất một mũi tăng cường.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ đang chậm trễ trong việc ban hành các hướng dẫn phòng ngừa biến thể BA.5, trong đó có khuyến nghị đeo khẩu trang và các bang hiện chỉ tuân thủ các quy định đã lỗi thời.

Trong khi đó, Quốc hội nước này tiếp tục từ chối đề xuất của Nhà Trắng về việc phê duyệt các khoản ngân sách cần để tiếp tục thực hiện các nghiên cứu quan trọng về COVID-19. Báo Boston Globe cho rằng chính quyền của Tổng thống Joe Biden cần nhìn nhận một cách sâu sắc về hàng loạt sự việc gần đây, không chỉ bởi những sự việc đó cho thấy nước Mỹ chưa sẵn sàng kiểm soát các dịch bệnh trong dài hạn mà còn bởi chúng phản ánh những hạn chế của Washington trong việc ứng phó dịch với COVID-19 những tháng tới và những năm tới.

Tại Hàn Quốc, theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (KDCA) của Hàn Quốc, đã có thêm 73.582 ca mắc COVID-19, trong đó chỉ có 351 ca bệnh nhập cảnh, nâng tổng số ca mắc trên cả nước lên 18.861.593 ca.

Số ca mắc mới trong ngày 18/7 tăng vọt so với mức 26.299 ca ghi nhận một ngày trước đó. Ngoài ra, với thêm 12 ca không qua khỏi, tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại nước này hiện lên tới 24.765 ca.
Hàn Quốc đang ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 tăng mạnh kể từ cuối tháng 6 vừa qua trong bối cảnh dòng phụ BA.5 của biến thể Omicron đang lây lanh nhanh trong kỳ nghỉ Hè. Số ca mắc mới đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 10.000 ca trong ngày 29/6 và duy trì ở khoảng này trong vòng 3 tuần trước khi vượt mốc 20.000 ca hôm 9/7. Chỉ 4 ngày sau (13/7), con số này đã vọt lên hơn 40.000 ca.

Liên quan tình hình dịch bệnh, ngày 19/7, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết Trung Quốc ghi nhận 699 ca mắc mới COVID-19 hôm 18/7, trong đó có 199 ca lây nhiễm cộng đồng và 500 ca không triệu chứng. Theo NHC, trong tổng số 199 ca lây nhiễm cộng đồng, có 134 ca tại tỉnh Quảng Tây, 32 ca tại tỉnh Cam Túc. 500 ca bệnh không triệu chứng được ghi nhận tại 14 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Ngày 19/7, New Zealand thông báo lần đầu tiên phát hiện 2 ca nhiễm dòng phụ BA.2.75 của biến thể Omicron trong cộng đồng tại nước này. Bộ Y tế New Zealand nêu rõ cả hai ca bệnh trên đều có liên quan tới các ca COVID-19 nhập cảnh được xác định trước đó và họ đang được cách ly tại nhà.

Với 2 bệnh nói trên, tổng số ca nhiễm biến thể phụ BA.2.75 tại quốc gia này hiện tăng lên thành 6 ca và tất cả đều có liên quan tới các chuyến đi nước ngoài gần đây. Về tình hình dịch COVID-19 tại New Zealand, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 10.772 ca mắc mới trong cộng đồng, 348 ca bệnh nhập cảnh và 21 ca tử vong. Kể từ khi đại dịch bùng phát vào đầu năm 2020 đến nay, quốc gia châu Đại Dương này ghi nhận tổng cộng 1.508.837 ca mắc COVID-19.

Tại khu vực Nam Mỹ, ngày 18/7, Bộ trưởng Y tế Bolivia, ông Jeyson Auza cho biết nước này đã ghi nhận thêm nhiều ca mắc dòng phụ BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron. Phát biểu họp báo, Bộ trưởng Auza nêu rõ hai dòng phụ BA.1 và BA.2 bắt đầu hoành hành tại Bolivia hồi giữa tháng 5 năm nay.

Tuy nhiên, trong 2 tuần trở lại đây, Viện nghiên cứu Y tế quốc gia của nước này đã xác định được nhiều mẫu bệnh phẩm nhiễm BA.4 và BA.5. Hai dòng phụ mới này của biến thể Omicron là nguyên nhân khiến số ca mắc mới COVID-19 liên tục tăng 60% trong một vài tuần qua. Bộ trưởng Auza cho biết thêm rằng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã liệt BA.4 và BA.5 vào danh mục các biến thể đáng lo ngại (VOC) và khả năng lây lan cao hơn.

Theo báo cáo của Bộ Y tế Boliva, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát đến ngày 17/7 vừa qua, nước này đã ghi nhận tổng cộng 969.652 ca mắc COVID-19 và 21.982 ca tử vong. Trong khi đó, khoảng 67% dân số đã được tiêm ít nhất một mũi vắc xin ngừa COVID và hơn 55% đã tiêm đủ hai mũi.

Trong diễn biến khác, Công ty dược phẩm Moderna (Mỹ) cuối ngày 18/7 cho biết Cơ quan quản lý dược phẩm Úc (TGA) đã phê duyệt tạm thời sử dụng vắc xin Spikevax ngừa COVID-19 của hãng này để tiêm phòng cho trẻ từ 6 tháng-5 tuổi.

Theo Moderna, quyết định của TGA được đưa ra đối với nhóm tuổi trên tương tự quyết định trong tuần qua của nhà chức trách Argentina và Canada. Trong một tuyên bố riêng, TGA nêu rõ cho đến nay cơ quan này đã phê duyệt tạm thời sử dụng Spikevax tiêm phòng cho người từ 6 tuổi trở lên, cũng như sử dụng vắc xin này để tiêm mũi tăng cường cho người trên 18 tuổi.

Các quyết định của TGA được đưa ra trong bối cảnh Úc đang nỗ lực ứng phó với một đợt bùng phát dịch COVID-19 lớn do các dòng phụ BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron gây ra. Tại một số bang, số ca mắc COVID-19 nhập viện đã tăng lên các mốc cao chưa từng có.

Giới chức sở tại dự báo quốc gia châu Đại Dương này sẽ ghi nhận thêm hàng triệu ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2. Nhà chức trách tại một số bang như Victoria, New South Wales, Western Úc... khuyến cáo người dân, các nhân viên công sở, học sinh và sinh viên nên đeo khẩu trang khi các trường học mở cửa trở lại trong bối cảnh số ca lây nhiễm cộng đồng đang gia tăng.

Cùng ngày, trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát mạnh do các biến thể phụ BA.4 và BA.5 gây ra, Viện Y tế và Phúc lợi Phần Lan (THL) đã khuyến nghị tiêm mũi thứ 4 vắc xin ngừa COVID-19 cho thêm các nhóm tuổi sau: những người từ 60-79 tuổi không thuộc nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh, những người từ 18-69 thuộc nhóm nguy cơ cao.

THL kêu gọi các địa phương tại quốc gia châu Âu này bắt đầu triển khai tiêm phòng mũi thứ 4 cho các nhóm tuổi này sớm nhất trong tháng 7 hoặc đầu tháng 8 tới. Tuy nhiên, THL cũng khuyến nghị không tiêm mũi thứ 4 đối với những thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi và các nhân viên y tế, nhân viên xã hội vẫn đang có kháng thể phòng bệnh hiệu quả.

Cơ quan này nhấn mạnh các khuyến nghị trên được đưa ra dựa theo hướng dẫn tiêm phòng của Cơ quan Dược phẩm châu Âu cũng như Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Âu đối với những người từ 60 tuổi trở lên và những người thuộc các nhóm nguy cơ tổn thương do COVID-19.

H.T (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/280954/hon-6-trieu-tre-em-mac-covid-19-tai-my-tu-dau-nam-2022-den-nay.html