Hỗn loạn thị trường xăng dầu trước kỳ điều chỉnh giá

Nhiều cửa hàng xăng dầu ở khắp cả nước, đặc biệt là khu vực phía Nam treo biển hết hàng, trong khi Bộ Công Thương khẳng định nguồn cung được đáp ứng đủ, thiếu hụt chỉ xảy ra cục bộ, Bộ Tài chính lại cho rằng cần rà soát lại nguồn hàng khi sản lượng nhập khẩu trong quý III giảm tới 40%.

Đêm 9/10, 80 xe bồn tương ứng khoảng 2 triệu lít xăng được bổ sung cho các cây xăng bán lẻ của Petrolimex tại TP.HCM, tuy vậy tình hình cung ứng xăng dầu ngày 10/10 diễn ra trên địa bàn này cũng như khu vực phía Nam vẫn rất căng thẳng.

Cây xăng hết hàng, đóng cửa

Trưa ngày 10/10, UBND TP.HCM đã gửi kiến nghị tới Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để tìm giải pháp khắc phục tình trạng trên. Theo đó, UBND TP.HCM chỉ ra có tình trạng các thương nhân phân phối không chủ động nhập hàng để kinh doanh (vì thua lỗ) nên có thời điểm thiếu nguồn hàng cung cấp cho hệ thống phân phối; đồng thời cùng với một số lý do khách quan (ảnh hưởng của bão, quá trình vận chuyển xăng dầu có gián đoạn…) dẫn đến tình trạng thiếu hàng cục bộ.

Nhiều cửa hàng xăng dầu ở phía Nam treo biển "hết xăng".

Nhiều cửa hàng xăng dầu ở phía Nam treo biển "hết xăng".

UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Tài chính rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cả cơ sở mặt hàng xăng dầu như mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức…

Phản ánh tới VnBusiness cùng ngày, ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc cho hay, 2/6 cửa hàng của doanh nghiệp (DN) này ở Trà Vinh đã phải đóng cửa do hết nguồn hàng. Ở những cửa hàng còn lại, do khách hàng đến đổ xăng quá đông nên nhân viên bán hàng bị quá tải, có nhân viên kiệt sức bị xỉu…

Cùng với đó, báo cáo từ UBND tỉnh Kiên Giang cho thấy, hiện hoạt động kinh doanh đang gặp khó khăn về nguồn cung ứng xăng dầu. Theo đó, các thương nhân phân phối xăng dầu phụ thuộc vào các thương nhân đầu mối nhưng các thương nhân đầu mối chỉ cung cấp nhỏ giọt, cầm chừng, thậm chí hết hàng, chờ vận chuyển hàng… Hiện, các thương nhân phân phối xăng dầu chỉ có khả năng đảm bảo cung ứng trong hệ thống theo tiến độ từ 2-3 ngày. Trong khi các DN đầu mối đang bán với mức chiết khấu âm, từ 1.000 - 2.500 đồng/lít, đồng thời thương nhân phân phối kinh doanh lỗ do phải chịu thêm các khoản chi phí vận chuyển, chi phí quản lý. Vì vậy, khả năng không đảm bảo duy trì cung ứng xăng dầu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Để đảm bảo hoạt động kinh doanh, UBND tỉnh Kiên Giang kiến nghị liên Bộ Công Thương - Tài chính xem xét điều hành giá linh hoạt, theo đúng chu kỳ, kể cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật, ngày lễ, Tết, không làm tăng độ trễ của thị trường trong lúc đang biến động. Đồng thời, chỉ đạo các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối có phương án đảm bảo nguồn cung xăng dầu, không để đứt gãy nguồn cung hoặc thiếu hụt cục bộ trong hệ thống phân phối.

Bộ Công Thương thừa nhận trong những ngày gần đây có hiện tượng một số DN kinh doanh bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh, tập trung tại một số tỉnh, thành phố như Cần Thơ, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk… Tuy vậy, Bộ Công Thương cho rằng nguồn cung cơ bản được đáp ứng, nguyên nhân chủ yếu đến từ chi phí kinh doanh xăng dầu tăng mạnh.

Sau nhiền lần kiến nghị với Bộ Tài chính, Liên Bộ mới đạt được quan điểm đồng thuận về việc sẽ điều chỉnh tăng mức chi phí vận chuyển xăng dầu từ nhà máy về cảng và mức premium trong nước trong giá cơ sở mặt hàng xăng dầu vào kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11/10/2022, từ đó giúp các DN tăng mức chiết khấu trong hệ thống phân phối xăng dầu.

Ai chịu trách nhiệm nếu thiếu xăng?

Mặc dù đồng thuận, Bộ Tài chính vẫn nêu quan điểm trái ngược với Bộ Công Thương về nguyên nhân dẫn tới những bất ổn trên thị trường xăng dầu thời gian gần đây. Cụ thể, trong bối cảnh hiện nay, khi giá xăng dầu thế giới có xu hướng biến động giảm liên tục với biên độ rộng, khó dự báo (giá xăng dầu trong nước giảm trong 9 kỳ điều hành liên tiếp từ kỳ điều hành ngày 1/7/2022 đến nay) có thể dẫn tới tâm lý e ngại khi nhập khẩu xăng dầu.

Bộ Tài chính dẫn số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan quý III/2022 (đến 20/9/2022) cho thấy, sản lượng nhập khẩu giảm khoảng 40% đối với xăng, giảm khoảng 35% đối với dầu DO so với quý II/2022; trong đó chỉ có 19/33 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện nhập khẩu. Có thương nhân đầu mối thường nhập khẩu với số lượng lớn nhưng không thực hiện nhập khẩu vào quý III/20222 như CTCP thương mại đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu, CTCP xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa.

Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương đánh giá làm rõ nguyên nhân khó khăn về nguồn hàng như phản ánh; đồng thời rà soát, đánh giá hệ thống phân phối kinh doanh xăng dầu, hệ thống trung gian để có giải pháp phù hợp và tiết kiệm chi phí; chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước trong mọi tình huống.

"Bộ Công Thương cho rằng việc chưa điều chỉnh premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng dẫn đến việc phân bổ mức chiết khấu trong hệ thống kinh doanh bị hạn chế, nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu không có chiết khấu để bảo đảm bù đắp chi phí và duy trì hoạt động kinh doanh, bảo đảm cung ứng xăng dầu liên tục cho thị trường là chưa đủ cơ sở và chưa đúng diễn biến thực tế thị trường hiện nay”, Bộ Tài chính nêu quan điểm.

Trong khi Bộ Công Thương và Bộ Tài chính vẫn có quan điểm khác nhau trong việc tìm ra nguyên nhân của tình trạng thiếu xăng dầu, thì một thực tế rõ ràng là thị trường xăng dầu đang có vấn đề, người tiêu dùng không thể mua xăng.

Tại Phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 10/10, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu vấn đề người dân phản ánh điều hành Quỹ Bình ổn giá xăng dầu và quy định chiết khấu hiện chưa phù hợp. Một số cửa hàng xăng dầu nói cứ kinh doanh là lỗ, nên phải đóng cửa. Và việc các cửa hàng xăng dầu đóng cửa gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân. Có cửa hàng xăng dầu chỉ bán cho người dân 50.000 đồng tiền xăng.

Theo đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị báo cáo ý kiến cử tri của Mặt trận Tổ quốc cần đề cập đến những vấn đề bất cập của giá xăng dầu.

Ông Hoàng Anh Tuấn

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương)

Các DN phản ánh những vấn đề liên quan đến quản lý như Nghị định 83, Nghị định 95, vấn đề điều hành giá, chiết khấu, điều kiện mở cửa hàng xăng dầu. Là đơn vị tham mưu chính sách, trách nhiệm của Vụ Thị trường trong nước là phải đi đến tận nơi thực tế để nhìn vấn đề. Nếu thực tiễn gặp khó khăn thì cơ quan quản lý phải tiếp thu để điều chỉnh cho đúng với thực tiễn mới phát sinh. Càng hội nhập sâu thì thực tiễn càng thay đổi nhanh so với chính sách.

Bà Nguyễn Thị Bích Hường

Chủ tịch Chi hội xăng dầu (Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam)

Thời gian vừa qua, việc áp dụng mức chiết khấu bằng 0 là không bình đẳng với các DN nhỏ và vừa. Các DN bán lẻ ở cuối chuỗi, không có quyền đưa ra định mức chiết khấu nên chịu thiệt hại lớn nhất. Tôi đề nghị các DN đầu mối, thương nhân phân phối... phải chia sẻ định mức cho DN bán lẻ. Ở góc độ các cơ quan quản lý, khi liên Bộ Tài chính - Công Thương đưa ra mức bán lẻ phải đảm bảo chi phí lưu thông, tránh hạ giá để lấy thành tích nhưng DN phải gánh lỗ. Nếu những vấn đề này không giải quyết được thì sẽ để lại nhiều hệ lụy.

Ông Trần Bảo Sơn

Công ty xăng dầu Trung Sơn

Hiện có quá nhiều khâu trung gian trong phân phối xăng dầu dẫn đến tăng chi phí cho DN và người dùng phải gánh chịu. Do đó, nên rút ngắn thời gian điều chỉnh giữa các kỳ tối thiểu 3 ngày, kể cả ngày nghỉ thay vì 10 ngày/lần như hiện nay. Các Bộ, ngành cần sớm sửa đổi các quy định không còn phù hợp tại 2 Nghị định đang áp dụng cho hoạt động kinh doanh xăng dầu là Nghị định 83 và Nghị định 95. Việc ban hành các quy định cần bám sát thực tiễn để tránh làm khó cho DN.

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/hon-loan-thi-truong-xang-dau-truoc-ky-dieu-chinh-gia-1088514.html