Hôn nhân cận huyết thống nguy hiểm như thế nào?

Câu chuyện Tịnh thất Bồng Lai liên quan ông Lê Tùng Vân bị tố cáo quan hệ loạn luân với chính em gái ruột, con gái ruột khiến nhiều người đặt ra mối lo ngại về sức khỏe của những đứa trẻ được sinh ra từ mối quan hệ cận huyết.Hôn nhân cận huyết thống là gì?Bệnh nguy hiểm thường gặp do hôn nhân cận huyết thống

Trước khi xảy ra vụ việc Tịnh Thất Bồng Lai, hôn phối cận huyết thống luôn được pháp luật ngăn chặn bởi những hệ lụy về mặt xã hội và sức khỏe cộng đồng.

Thực tế y học đã chứng minh, việc hôn nhân cận huyết thống khiến cho những gen lặn bệnh lý ở người đàn ông và người phụ nữ kết hợp với nhau và gây bệnh cho con. Đứa trẻ sinh ra có thể dị dạng hoặc mắc bệnh di truyền như mù màu, bạch tạng, da vảy cá..., đặc biệt là bệnh máu nguy hiểm.

Dư luận xôn xao vụ Tịnh thất Bồng Lai khi người đứng đầu tịnh thất quan hệ cận huyết, sinh ra em bé cận huyết thống.

Dư luận xôn xao vụ Tịnh thất Bồng Lai khi người đứng đầu tịnh thất quan hệ cận huyết, sinh ra em bé cận huyết thống.

Theo Luật Hôn nhân và Gia đình (2014), hôn nhân cận huyết được hiểu là việc kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời, giữa cha mẹ nuôi với con nuôi, giữa người từng là cha mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.

Trong đó, khoản 18 điều 3 Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam 2014 quy định: “Những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba".

Những người từ đời thứ tư trở đi mới được pháp luật cho phép kết hôn với nhau.

Sơ đồ mô phỏng mối quan hệ hôn nhân cận huyết thống.

Nói về hôn nhân cận huyết, PGS.TS Trần Danh Cường - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương khẳng định, đây là một hệ lụy nguy hiểm, cần phải loại bỏ. Trên thực tế, pháp luật cũng có quy định rõ ràng cấm hành vi hôn nhân cận huyết, loạn luân.

Trong lĩnh vực y học, hôn nhân cận huyết là một nguy cơ để cho các bệnh lý di truyền gen lặn trong các gia đình có khả năng bộc lộ ở những thế hệ sau, nếu những người đó cùng huyết thống.

"Những bệnh di truyền này rất nguy hiểm, có thể là những bệnh liên quan đến trí tuệ con người, huyết học, ung thư... Hôn nhân cận huyết là điều kiêng kỵ, phải loại bỏ, bởi để lại nhiều hệ lụy ở thế hệ trẻ em sinh ra từ cặp vợ chồng cận huyết", PGS Trần Danh Cường khuyến cáo.

Điều nguy hiểm hơn, về mặt hình thái, những em bé này có thể hoàn toàn bình thường, nhưng các bệnh lý chuyển hóa, bệnh lý di truyền có thể tiềm ẩn, hoặc biểu hiện ở thế hệ sau của các em bé này.

Vì thế, ngay lúc đầu, người ta không nhìn ra được sự nguy hại của hôn nhân, loạn luân sinh ra các em bé cận huyết.

Chia sẻ thêm về mối quan hệ hôn nhân cận huyết thống, PGS.TS Bùi Thị Mai An - nguyên Trưởng khoa Huyết thanh học nhóm máu (Viện Huyết học Truyền máu Trung ương) cho biết, theo thống kê, những đứa trẻ được sinh ra từ những ông bố bà mẹ có hôn nhân cận huyết thống có nguy cơ mắc các bệnh máu cao gấp 10 lần so với những trẻ bình thường khác. Điển hình của các bệnh máu này là Thalassemia (tan máu di truyền) và Hemophilia (rối loạn đông máu di truyền).

Nhiều hệ lụy ở thế hệ trẻ em sinh ra từ mối quan hệ cận huyết (Ảnh minh họa)

Nhiều hệ lụy ở thế hệ trẻ em sinh ra từ mối quan hệ cận huyết (Ảnh minh họa)

Cùng ý kiến với 2 chuyên gia trên, TS.BS Bạch Quốc Khánh - Viện trưởng Viện Huyết học, Truyền máu Trung ương cho biết, thói quen hôn nhân cận huyết hoặc chỉ lấy người trong cộng đồng của mình khiến tỷ lệ sinh ra các cháu bé mắc bệnh Thalassemia cao. Nếu hai người mang gen gặp nhau khả năng sinh ra trẻ bị bệnh là 25%.

Bệnh Thalassemia là do tan máu di truyền. Bệnh có hai biểu hiện nổi bật là thiếu máu và ứ sắt trong cơ thể, nên bệnh nhân phải điều trị suốt đời, nếu không được điều trị thường xuyên, đầy đủ, sẽ có nhiều biến chứng làm bệnh nhân chậm phát triển thể trạng, giảm sức học tập, lao động...

Việt Nam hiện có khoảng 13 triệu người, tương đương 13% dân số mang gen bệnh tan máu bẩm sinh. Trong đó, tỷ lệ người dân đồng bào dân tộc miền núi chiếm tỷ lệ khá cao, từ 20- 40%.

Đây là bệnh lý khiến trẻ phải điều trị suốt đời, ảnh hưởng rất nhiều đến thể hình, trí tuệ, sức khỏe của trẻ.

Ngoài những bệnh lý về máu, các chuyên gia cũng khuyến cáo hôn nhân cận huyết thống còn gây ra một số bệnh lý khác như mù màu, bạch tạng, da vảy cá,... Những trẻ em được sinh ra từ mối quan hệ cận huyết thường mắc các dị tật bẩm sinh, chậm phát triển, suy dinh dưỡng, bệnh tật di truyền mở đầu cho cuộc sống tàn phế suốt đời... điều này làm suy giảm chất lượng giống nòi và gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Thúy Ngà

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/hon-nhan-can-huyet-thong-nguy-hiem-nhu-the-nao-d177918.html