Hồng Kông 'nóng như lửa'
Giới truyền thông Trung Quốc ngày 10-6 tố cáo 'một số lực lượng nước ngoài' nhất định đang cố gắng gây tổn hại đến nước này bằng cách tạo ra hỗn loạn tại Đặc khu hành chính Hồng Kông.
Giới truyền thông Trung Quốc ngày 10-6 tố cáo “một số lực lượng nước ngoài” nhất định đang cố gắng gây tổn hại đến nước này bằng cách tạo ra hỗn loạn tại Đặc khu hành chính Hồng Kông.
Ngày 10-6, cảnh sát Hồng Kông (Trung Quốc) bao vây bên ngoài tòa nhà của cơ quan lập pháp sau khi cuộc biểu tình ôn hòa đêm 9-6 biến thành cuộc đụng độ giữa hàng trăm ngàn người dân và cảnh sát.
Theo AFP, giao tranh xảy ra khi lực lượng cảnh sát sử dụng dùi cui và hơi cay cố gắng giải tán những người biểu tình khỏi khu vực trụ sở Nghị viện Hồng Kông. Một phóng viên hãng AFP tại hiện trường cho biết, những người biểu tình đã ném chai và sử dụng những vật cản bằng kim loại khi cảnh sát tiến lại gần một nhóm nhỏ tuyên bố sẽ ở lại bên ngoài trụ sở Nghị viện qua đêm.
Hơn 1 triệu người tham gia?
Theo giới truyền thông, đây là cuộc biểu tình lớn nhất kể từ khi Hồng Kông được trao trả lại cho Trung Quốc năm 1997 với hơn 1 triệu người tham gia. Tuy nhiên, lực lượng cảnh sát ước tính số người biểu tình chỉ gần 240.000 người. Họ xuống đường từ chiều 9-6 nhằm phản đối chính quyền sửa đổi “Điều lệ trao đổi tội phạm bỏ trốn” (Luật dẫn độ), theo đó “Điều lệ trao đổi tội phạm bỏ trốn” được áp dụng với các khu vực khác của Trung Quốc (gồm Đài Loan và Đại Lục).
Trong ngày 10-6, làn sóng biểu tình tạm lắng. Tuy nhiên, các nhóm biểu tình ở Hồng Kông tuyên bố sẽ tiếp tục tổ chức biểu tình quy mô lớn hơn vào ngày 12-6 để phản đối dự luật mới gây tranh cãi trên. Phát biểu với báo giới vào ngày 10-6, Jimmy Sham, người đứng đầu liên minh kêu gọi cuộc biểu tình quy mô lớn hôm 9-6, nêu rõ: “Vào ngày 12-6, chúng tôi mong đợi Mặt trận Nhân quyền Dân sự sẽ bắt đầu cuộc biểu tình vào lúc 10 giờ (giờ địa phương).
Tuyên bố này được xem là nhằm đáp trả tuyên bố quyết thông qua dự luật của chính quyền Hồng Kông. Trong cuộc họp báo hôm 10-6 để giải quyết các cuộc biểu tình, Trưởng Đặc khu Hành chính Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga tiếp tục bảo vệ dự luật, nói rằng “các biện pháp bảo vệ bổ sung” đã được thực hiện để bảo vệ quyền con người. Vị nữ lãnh đạo này cũng cam kết thúc đẩy thảo luận dự luật này tại cơ quan lập pháp của Hồng Kông vào ngày 12-6, bất chấp những người biểu tình yêu cầu trì hoãn hoặc loại bỏ dự luật. “Đây là một phần rất quan trọng của luật pháp, giúp duy trì công lý cũng như đảm bảo việc Hồng Kông sẽ thực thi nghĩa vụ quốc tế trong lĩnh vực tội phạm xuyên biên giới và xuyên quốc gia”, bà Lâm nhấn mạnh.
Trung Quốc tố các lực lượng nước ngoài gây hỗn loạn tại Hồng Kông
Các cuộc biểu tình năm 2003 đã nhấn chìm luật an ninh và chứng kiến nhiều quan chức từ chức. Kể từ sau Phong trào ô dù năm 2014 với sự tham gia của khoảng 500.000 người dân, Trưởng Đặc khu Hành chính Lương Chấn Anh đã quyết định không chạy đua nhiệm kỳ thứ 2, và các cuộc biểu tình đã thay đổi sâu sắc phong cách của phe dân chủ tại Quốc hội.
Và theo giới phân tích, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga có thể cùng chung số phận như ông Lương Chấn Anh. Trong khi bà Lâm không có khả năng từ chức, nhiều nhà quan sát cảm thấy, sự phẫn nộ về dự luật trên có thể sẽ khiến Bắc Kinh không muốn bổ nhiệm bà cho nhiệm kỳ thứ 2. Nhưng trong tuyên bố ngày 10-6, Trung Quốc tuyên bố kiên quyết ủng hộ chính quyền Hồng Kông về dự luật trên, đồng thời phản đối sự can thiệp của “các thế lực bên ngoài”.
Giới truyền thông Trung Quốc cũng khẳng định, dự luật trên là vô cùng cần thiết sau khi tố cáo “một số lực lượng nước ngoài” nhất định đang cố gắng gây tổn hại đến nước này bằng cách tạo ra hỗn loạn tại Đặc khu hành chính Hồng Kông. Theo China Daily, một số người biểu tình tại Đặc khu hành chính Hồng Kông đã bị “dắt mũi” về những thay đổi đề xuất trong luật, trong khi đó những người khác đang cố gắng thúc đẩy một chương trình nghị sự chính trị. Tuy nhiên, tờ báo không nêu rõ các lực lượng nước ngoài có thể là những ai.
Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_207615_hong-kong-nong-nhu-lua-.aspx