HỌP BÁO CÔNG BỐ CÁC LUẬT ĐƯỢC QUỐC HỘI KHÓA XV THÔNG QUA TẠI KỲ HỌP THỨ 7

Sáng 22/7, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 6 luật vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Toàn cảnh họp báo

Toàn cảnh họp báo

Chủ trì họp báo có các đồng chí: Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Phạm Hoài Nam; Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Lê Quốc Hùng; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long; Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến.

Trước khi vào nội dung họp báo, các đại biểu dự họp báo tại Văn phòng Chủ tịch nước đã dành một phút mặc niệm để tỏ lòng tiếc thương và tưởng nhớ cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Về nội dung cuộc họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà đã công bố Lệnh của Chủ tịch nước về công bố các Luật: Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Luật Lưu trữ; Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Thông tin về Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết Luật gồm 07 Chương, 86 Điều; việc xây dựng luật nhằm hoàn thiện các cơ chế, chính sách đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Phạm Hoài Nam

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Phạm Hoài Nam

Luật tập trung vào các nội dung như nguồn vốn đầu tư, nghiên cứu phát triển vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, công nghệ lưỡng dụng; triển khai các dự án đầu tư, nghiên cứu phát triển sản phẩm mũi nhọn. Luật cũng huy động các thành phần kinh tế, doanh nghiệp ngoài lực lượng vũ trang nhân dân có tiềm lực về tài chính, khoa học công nghệ tham gia đầu tư phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và thực hiện nhiệm vụ động viên công nghiệp, tham gia sản xuất, sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng vũ trang nhân dân; đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế.

Đối với Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Theo Thứ trưởng, việc xây dựng luật nhằm tạo cơ sở pháp lý về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, đồng thời, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, góp phần bảo đảm tốt quyền con người, quyền công dân theo quy định.

Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Lê Quốc Hùng

Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Lê Quốc Hùng

Để triển khai thi hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, từ nay đến tháng 1/2025, Chính phủ cần ban hành 8 Nghị định; Thủ tướng Chính phủ cần ban hành 1 Quyết định; các bộ cần ban hành 36 Thông tư quy định chi tiết.

Cho biết về một số điểm mới của Luật Tổ chức tòa án nhân dân số 34/2024/Q15, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến cho biết, Luật lần này có quy định về thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt. Theo đó, để bảo đảm tính chuyên môn hóa và sự chuyên sâu trong hoạt động xét xử vụ việc sở hữu trí tuệ, phá sản; bảo đảm tính độc lập của Thẩm phán, Hội thẩm khi xét xử các vụ án hành chính, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 bổ sung quy định về việc thành lập các Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt Hành chính, Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt Sở hữu trí tuệ, Tòa án nhân dân chuyên biệt Phá sản với nhiệm vụ, quyền hạn.

Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến

Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến

Cụ thể, Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt Hành chính sơ thẩm vụ án hành chính đối với khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh trở lên, trừ các vụ án hành chính về sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật Tố tụng hành chính; khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc của người đứng đầu cơ quan, tổ chức từ cấp tỉnh trở lên theo quy định của Luật Tố tụng hành chính (Khoản 1 Điều 62). Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt Sở hữu trí tuệ sơ thẩm vụ việc về sở hữu trí tuệ theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự; sơ thẩm vụ án hành chính về sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật Tố tụng hành chính (Khoản 2 Điều 62).Tòa án nhân dân chuyên biệt Phá sản giải quyết vụ việc phá sản thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân theo quy định của luật (Khoản 3 Điều 62).

Về Luật Lưu trữ số 33/2024/QH15, đại diện cơ quan soạn thảo cho biết, Luật được xây dựng tập trung làm rõ 04 chính sách lớn gồm: thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ thuộc Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam; quản lý tài liệu lưu trữ điện tử đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và phát triển Chính phủ điện tử; quản lý tài liệu lưu trữ tư; quản lý hoạt động dịch vụ lưu trữ. Các chính sách trên được quy định thống nhất, xuyên suốt trong toàn bộ Luật Lưu trữ năm 2024.

Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng

Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng

Luật Lưu trữ năm 2024 bổ sung tài liệu lưu trữ tư vào thành phần Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam để bảo đảm Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam bao gồm toàn bộ tài liệu lưu trữ của nước Việt Nam; bổ sung các quy định về thẩm quyền quản lý tài liệu Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam theo hướng phân định rõ thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ giữa Phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam và Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam; giữa cơ quan lưu trữ của Nhà nước ở trung ương và ở địa phương; phân cấp thẩm quyền quản lý tài liệu, cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ các ngành quốc phòng, công an, Bộ Ngoại giao. Các quy định này sẽ tạo hành lang pháp lý thống nhất quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; phân cấp và phân định rõ thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ, cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ giữa các cơ quan quản lý, giữa lưu trữ hiện hành và lưu trữ lịch sử; phân công các ngành quốc phòng, công an, ngoại giao có trách nhiệm quản lý khối tài liệu lưu trữ đặc thù.

Cũng tại họp báo, đại diện lãnh đạo các Bộ là cơ quan chủ trì soạn thảo đã trao đổi, làm rõ một số vấn đề các phóng viên quan tâm liên quan đến những nội dung của các luật vừa được ban hành.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà phát biểu

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà phát biểu

Phát biểu kết thúc họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường thông tin, tuyên truyền về các luật trên để các cơ quan và người dân hiểu và thực hiện, giúp các luật được Quốc hội thông qua sớm đi vào cuộc sống.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Quang cảnh họp báo

Quang cảnh họp báo

Các đại biểu chủ trì họp báo

Các đại biểu chủ trì họp báo

Đại diện các Bộ, ngành tham dự họp báo

Đại diện các Bộ, ngành tham dự họp báo

Đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí tham dự họp báo

Đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí tham dự họp báo

Tại họp báo, các phóng viên đặt câu hỏi về một số điểm mới của các luật được Quốc hội thông qua.

Tại họp báo, các phóng viên đặt câu hỏi về một số điểm mới của các luật được Quốc hội thông qua.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Phạm Hoài Nam phát biểu

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Phạm Hoài Nam phát biểu

Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Lê Quốc Hùng trả lời câu hỏi của các phóng viên./.

Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Lê Quốc Hùng trả lời câu hỏi của các phóng viên./.

Hồ Hương - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=88149