Họp báo thường kỳ Bộ Công Thương: Động lực tăng trưởng từ thị trường nội địa

Những tháng cuối năm 2024, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phát triển mạnh thương mại nội địa để khai thác có hiệu quả thị trường trong nước.

Thông tin về tình hình thị trường trong nước tại Họp báo thường kỳ Bộ Công Thương diễn ra vào chiều 23/10, ông Bùi Huy Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính cho biết, trong tháng 9, thị trường hàng hóa tại các tỉnh miền Bắc do chịu ảnh hưởng lớn của cơn bão số 3 (bão Yagi) nên nhu cầu tăng cao, tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đồ khô. Bão và hoàn lưu bão gây mưa lớn, lũ lụt ngập úng làm thiệt hại nhiều diện tích trồng rau, hoa màu nên giá rau tại một số tỉnh phía Bắc có thời điểm tăng cao cục bộ.

Ông Bùi Huy Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính phát biểu tại Họp báo. Ảnh: Cấn Dũng

Ông Bùi Huy Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính phát biểu tại Họp báo. Ảnh: Cấn Dũng

Trong giai đoạn các tỉnh phía Bắc bị bão, lũ, theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, về cơ bản nguồn cung hàng hóa đã được Sở Công Thương các địa phương chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối, tiểu thương kinh doanh tại các chợ có phương án bảo đảm duy trì thường xuyên cho thị trường.

Đối với các khu vực chưa bị ngập lụt, chia cắt, tình hình cung ứng hàng hóa luôn được bảo đảm, giá hàng hóa tại các hệ thống phân phối hiện đại được giữ ổn định; tại các chợ truyền thống, giá một số loại rau, củ, thịt lợn, mỳ có tăng nhưng không đột biến, nguồn cung được bổ sung thường xuyên từ việc điều phối của các doanh nghiệp từ phía Nam và từ nhập khẩu của Trung Quốc nên hầu như không có hiện tượng thiếu hàng, tăng giá bất hợp lý.

Đối với các khu vực bị ngập, lụt, chia cắt, Sở Công Thương và các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đã phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn, cung ứng các mặt hàng như nhu yếu phẩm như mỳ, lương khô, bánh mỳ, bánh trưng, nước uống đóng chai... đến cho người dân. Đối với các mặt hàng thiết yếu khác, nguồn cung và nhu cầu không có biến động lớn, thị trường nhìn chung bình ổn, một số mặt hàng nhóm nhiên liệu, năng lượng, giá trong nước biến động theo giá thế giới.

Toàn cảnh họp báo chiều ngày 23/10/2024. Ảnh: Cấn Dũng

Toàn cảnh họp báo chiều ngày 23/10/2024. Ảnh: Cấn Dũng

Ông Bùi Huy Sơn cho biết, tháng 9 cũng là thời điểm bắt đầu vào năm học mới nên nhu cầu đối với các mặt hàng đồ dùng học tập tăng. Bên cạnh đó, nhu cầu các mặt hàng bánh trung thu, hoa, quả cũng tăng trong dịp Tết Trung Thu. "Trên thị trường, nguồn cung các hàng hóa dồi dào, đa dạng nên giá không tăng bất thường" - ông Sơn khẳng định.

Lãnh đạo Vụ Kế hoạch - Tài chính đánh giá, nhìn chung, trong tháng 9/2024, nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước phục hồi cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng của ngành thương mại dịch vụ. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9/2024 ước tính tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất kể từ đầu năm đến nay.

Một số địa phương (chủ yếu là các địa phương trọng điểm về du lịch) có doanh thu bán lẻ hàng hóa trong 9 tháng cao so với cùng kỳ năm trước như: Quảng Ninh tăng 10,4%; Hải Phòng tăng 9,3%; Cần Thơ tăng 7,7%; Đà Nẵng tăng 7,4%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 7,2%; Hà Nội tăng 7,0%.

Họp Báo thường kỳ Bộ Công Thương thu hút sự quan tâm của đông đảo các cơ quan báo chí. Ảnh: Cấn Dũng

Họp Báo thường kỳ Bộ Công Thương thu hút sự quan tâm của đông đảo các cơ quan báo chí. Ảnh: Cấn Dũng

Để hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm 2024 của ngành Công Thương, trong đó có nhiệm vụ của thị trường trong nước, lãnh đạo Vụ Kế hoạch - Tài chính thông tin: Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phát triển mạnh thương mại nội địa để khai thác có hiệu quả thị trường trong nước. Cùng đó, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, nhất là trong các dịp cao điểm lễ, Tết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

Tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành trong việc tham mưu điều hành giá các mặt hàng do nhà nước quản lý giá, trong đó có mặt hàng xăng dầu nhằm bảo đảm cung ứng xăng dầu trên thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát chung theo mục tiêu của Chính phủ.

Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử để khai thác hiệu quả hơn sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế; tăng cường hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, cạnh tranh không bình đẳng. Triển khai Luật Cạnh tranh, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng... nhằm bảo đảm môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho doanh nghiệp, quyền lợi của người tiêu dùng.

Nhóm PV

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hop-bao-thuong-ky-bo-cong-thuong-dong-luc-tang-truong-tu-thi-truong-noi-dia-354255.html