Hợp đồng chuyển nhượng đất khai giá thấp hơn thực tế bị xử lý thế nào?

Hỏi: Tôi chuẩn bị làm thủ tục nhận chuyển nhượng đất, chủ đất yêu cầu tôi ghi giá bán trong hợp đồng thấp hơn giá thực tế tôi mua để chịu thuế thấp. Cho tôi hỏi khai giá thấp có vi phạm pháp luật?

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trả lời:

Hai bên thực hiện ký kết hợp đồng chuyển nhượng bất động sản, ghi giá trên hợp đồng thấp hơn giá thực tế chuyển nhượng nhằm mục đích trốn thuế là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, tùy vào tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Những hành vi trốn thuế chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể, Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành vi trốn thuế như sau:

Phạt tiền bằng 01 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế có từ một tình tiết giảm nhẹ trở lên; Phạt tiền bằng 1,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế mà không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ; Phạt tiền bằng 02 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế có 01 tình tiết tăng nặng; Phạt tiền bằng 2,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế có 02 tình tiết tăng nặng; Phạt tiền bằng 03 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế có từ 03 tình tiết tăng nặng trở lên. Ngoài việc bị phạt tiền, người bị xử phạt còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, đó là buộc nộp đủ số tiền thuế trốn vào ngân sách nhà nước.

Về xử lý truy cứu trách nhiệm hình sự của tội trốn thế và cách tính số thuế trốn theo pháp luật. Căn cứ Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015 và khoản 47 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017:

Người nào thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 200 Bộ Luật Hình sự 2015 trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 250, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm: Có tổ chức; Số tiền trốn thuế từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Phạm tội 02 lần trở lên; Tái phạm nguy hiểm. Phạm tội trốn thuế với số tiền 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 4.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Ngoài ra, Bộ Luật Hình sự còn quy định hình thức xử phạt vi phạm của pháp nhân thương mại phạm tội trốn thuế.

Việc các bên chuyển nhượng với hai giá khác nhau có thể dẫn đến tranh chấp, trường hợp này rủi ro thuộc về bên bán như: khi có tranh chấp pháp luật sẽ ghi nhận hợp đồng có công chứng hoặc chứng thực với giá thấp hơn nhiều so với giá thực tế và khi đó bên chuyển nhượng dễ bị mất tiền nếu bên nhận chuyển nhượng chưa trả hoặc chưa trả hết số tiền chênh lệch. Ngoài ra, rủi ro sẽ thuộc về bên nhận chuyển nhượng nếu hợp đồng bị tuyên vô hiệu. Hậu quả pháp lý khi hợp đồng bị tuyên vô hiệu thì các bên có nghĩa vụ hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Khi đó, bên nhận chuyển nhượng chỉ nhận được số tiền trong hợp đồng có công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp chứng minh tồn tại hợp đồng theo giá thực tế.

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/tu-van-phap-luat/hop-dong-chuyen-nhuong-dat-khai-gia-thap-hon-thuc-te-bi-xu-ly-the-nao-155857.html