Hợp đồng điện tử có hàng loạt ưu điểm, vì sao nhiều doanh nghiệp vẫn khó ứng dụng?

Mặc dù hợp đồng điện tử giúp các doanh nghiệp và xã hội tiết kiệm chi phí, giải quyết vấn đề chuyển đổi số toàn diện của doanh nghiệp nhưng vẫn còn nhiều rào cản, vướng mắc.

Ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), chia sẻ ứng dụng hợp đồng điện tử giúp các doanh nghiệp và xã hội tiết kiệm chi phí, giải quyết vấn đề chuyển đổi số toàn diện của doanh nghiệp. Ước tính, việc ứng dụng hợp đồng điện tử toàn diện sẽ giúp đất nước tiết kiệm 50.000 - 70.000 tỉ đồng/năm, bao gồm chi phí in ấn, chuyển phát, bảo quản hồ sơ.

Tuy vậy, trao đổi với VietTimes, ông Lê Đức Anh cũng cho biết, vướng mắc trong thúc đẩy hợp đồng điện tử, đẩy nhanh chuyển đổi số của doanh nghiệp là bên thứ ba và nhiều đơn vị yêu cầu phải gửi lại bản giấy mặc dù đã nhận được hợp đồng điện tử. Ông bày tỏ mong muốn các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hiểu rõ về bản chất của hợp đồng điện tử và nhận thức rõ việc chuyển đổi hoàn toàn sang môi trường điện tử.

"Bên thứ ba" và các tổ chức yêu cầu bổ sung hợp đồng bản giấy được ông Lê Đức Anh nhắc tới chính là cơ quan thuế, ngân hàng, các tổ chức tài chính và cơ quan giải quyết tranh chấp thực hiện các nghiệp vụ liên quan.

 Ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương).

Ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương).

Hiện nay, việc thiếu các hướng dẫn chi tiết đã khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại về rủi ro pháp lý, đặc biệt trong các lĩnh vực thuế, ngân hàng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Chỉ khi hành lang pháp lý được đồng bộ và môi trường pháp lý rõ ràng, doanh nghiệp mới có thể khai thác tối đa tiềm năng của hợp đồng điện tử trong thương mại và các lĩnh vực khác của nền kinh tế.

Theo bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, hợp đồng là hình thức thể hiện cơ bản của các mối quan hệ dân sự và thương mại, là khởi đầu của các quy trình giao dịch trong đời sống xã hội và hoạt động kinh tế. Do vậy, giao kết hợp đồng trên môi trường điện tử cũng là một trong những vấn đề mấu chốt của quy định pháp luật về giao dịch điện tử.

 Bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương

Bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương

Hợp đồng điện tử khi được ứng dụng hiệu quả, sẽ tạo ra sự bùng nổ về giao dịch đa kênh, giúp người bán hàng, nhà cung cấp, nhà sản xuất, người tiêu dùng gắn kết với nhau nhanh chóng trong một mạng lưới dữ liệu hiệu quả. Đồng thời, giúp minh bạch hóa thị trường, nền kinh tế, tránh thất thu thuế khi mọi giao dịch đều có tính minh bạch, có khả năng xử lý, giải quyết khiếu nại kịp thời, đảm bảo các yếu tố về bằng chứng, chứng cứ để giúp nâng cao hiệu quả của lực lượng trọng tài, các cơ quan giải quyết tranh chấp, tòa án.

Đặc biệt, ứng dụng hợp đồng điện tử rộng rãi cũng giúp các cơ quan nhà nước quản lý thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống lừa đảo, trốn thuế; quản lý hàng giả, hàng nhái trong lưu thông hiệu quả.

Mặc dù triển vọng của hợp đồng điện tử là rõ ràng, quá trình triển khai vẫn gặp không ít rào cản. Bà Oanh chỉ ra hợp đồng giao dịch thường chứa những thông tin quan trọng, nhạy cảm như: Dữ liệu cá nhân, vấn đề tài chính, hoặc thỏa thuận kinh doanh nên cũng chứa đựng nhiều rủi ro. Khi lộ lọt các thông tin này, bên giao kết hợp đồng có thể phải đối mặt với rất nhiều hậu quả nghiêm trọng như lừa đảo gian lận hợp đồng hay tổn thất tài chính hoặc uy tín.

Do đó, để gỡ khó cho các doanh nghiệp, tăng tốc chuyển đổi số, cần đẩy mạnh hơn nữa các chính sách liên quan đến hợp đồng điện tử để giải quyết những khó khăn thực tế, đặc biệt là các vấn đề như chi phí cao, thủ tục phức tạp, và sự chấp nhận hạn chế từ các bên thứ ba (cơ quan thuế, ngân hàng…). Từ đó, hợp đồng điện tử trở thành công cụ giao dịch phổ biến, giúp tối ưu hóa quy trình kinh doanh, thúc đẩy sự minh bạch, an toàn trong các giao dịch, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo sự phát triển bền vững trong môi trường kinh tế số.

Theo số liệu thống kê của Bộ Công thương, đến hết tháng 8/2024, có 490.471 hợp đồng điện tử của các doanh nghiệp được 11 tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử (gọi tắt là CeCA) chứng thực; 48.533 doanh nghiệp đã sử dụng dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử do các tổ chức này cung cấp.

Anh Lê

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/hop-dong-dien-tu-co-hang-loat-uu-diem-vi-sao-nhieu-doanh-nghiep-van-kho-ung-dung-post179284.html