Hợp đồng ngắn cho lộ trình dài

Vòng chung kết (VCK) U.19 châu Á 2016, thầy trò Huấn luyện viên (HLV) Hoàng Anh Tuấn chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng cho trận bán kết gặp U.19 Nhật Bản. Nhưng vào trận, các cầu thủ trẻ Việt Nam cũng như ban huấn luyện đội nhà đều rối trí vì bạn tung ra 'thê độ 2'.

Trận đó U.19 Việt Nam thua 0-3 tâm phục khẩu phục, thêm một lần được tận mắt kiểm chứng sức mạnh của bóng đá trẻ Nhật Bản. Cầu thủ trẻ xứ hoa anh đào dự giải châu Á năm đó đều có trình độ chơi bóng vượt trội so với phần còn lại. Lúc đó, máy tính đã dự đoán chưa đến 0,5% cầu thủ lứa U.19 Nhật Bản vô địch châu Á 2016 có cơ hội khoác áo đội tuyển quốc gia xứ phù tang sau này. Máy tính cũng đưa ra kết quả thống kê: Tỷ lệ để một cầu thủ khoác áo U.21 Nhật Bản trở thành tuyển thủ quốc gia chưa quá 1%. Đến đội tuyển Olympic Nhật Bản dự Asian Games 2018 cũng không có cầu thủ nào được gọi vào đội tuyển quốc gia.

Thông thường với bóng đá châu Á, cầu thủ xuất sắc các lứa U.17, U.19, U.21, Olympic sẽ có cơ hội lớn khoác áo đội tuyển quốc gia. Nhưng bóng đá Nhật Bản thì khác. Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản (JFA) nuôi một lúc tới nửa tá các đội U.21, U.23. Các đội này được cử đi dự nhiều giải trẻ ở khắp thế giới để rèn bản lĩnh trận mạc, kinh nghiệm. Còn để được gọi vào đội tuyển quốc gia, thì HLV trưởng hoặc Hội đồng HLV quốc gia sẽ chấm quân từ các câu lạc bộ (CLB) trong và ngoài nước. Mô hình này của JFA là sự sao chép từ thành công của các nền bóng đá mạnh ở Nam Mỹ và châu Âu. Tựu trung lại, bóng đá Nhật Bản có sự rạch ròi giữa việc đào tạo trẻ và phát triển đỉnh cao.

 Chuyên gia Yusuke Adachi (bên trái) được cho là có sự am hiểu văn hóa Việt.Ảnh: VFF.

Chuyên gia Yusuke Adachi (bên trái) được cho là có sự am hiểu văn hóa Việt.Ảnh: VFF.

Khi Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) thay thế Giám đốc kỹ thuật Jurgen Gede (người Đức) bằng việc ký hợp đồng với chuyên gia người Nhật Bản Yusuke Adachi, những người đứng đầu VFF hẳn muốn đề ra một lộ trình phát triển đào tạo bóng đá trẻ cho nước nhà cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Lãnh đạo VFF đã mơ trong tương lai bóng đá nước nhà có một lúc 2-3 đội tuyển Olympic để tung quân đi dự các giải trẻ khắp thế giới. Nhưng lộ trình này không thể chỉ là 10 năm, 20 năm, bởi với người Nhật, tầm nhìn cho một kế hoạch thường không dưới 30 năm.

Ông Yusuke Adachi chưa hẳn là chuyên gia danh tiếng nhưng từng là giảng viên Elite của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC); từng giảng dạy tại khóa đào tạo HLV bóng đá chuyên nghiệp do AFC tổ chức tại Việt Nam vào năm 2017.

Chuyên gia Yusuke Adachi được cho là đáp ứng đủ tiêu chí của VFF để đảm nhiệm vị trí giám đốc kỹ thuật. Theo Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh, những tiêu chí đó là: Định hướng, xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng các đội tuyển trẻ. Tham gia vào công tác hỗ trợ nâng cao chất lượng đào tạo bóng đá trẻ của các CLB, đặc biệt là công tác đào tạo lực lượng HLV bóng đá trẻ. Vừa có kinh nghiệm trong phát triển bóng đá trẻ vừa có trình độ giảng viên HLV bóng đá của FIFA hoặc AFC... Hai bên cũng đã ký hợp đồng 2,5 năm, với mức lương 20.000USD/tháng dành cho chuyên gia người Nhật này, bắt đầu từ ngày 1-7 tới.

Vấn đề đặt ra ở đây là, để tạo ra một nền bóng đá có bản sắc, tư duy chơi bóng cho tới những vấn đề chuyên môn đồng nhất ở cấp độ trẻ rõ ràng rất khó để hoàn thành với hợp đồng có thời hạn ngắn trong vài năm. VFF dù ký với ông Yusuke Adachi nhưng đã không dám mạo hiểm bắt tay dài hơi. Có thể VFF muốn kiểm chứng năng lực của vị chuyên gia này đến hết năm 2022, sau đó mới tính tiếp. Chưa kể, nếu trong quãng thời gian trên, lại xảy ra va chạm giữa giám đốc kỹ thuật và HLV trưởng đội tuyển quốc gia, thì VFF sẽ bị đặt vào thế khó. Tất nhiên xác suất để xảy ra những va chạm hay bất đồng kiểu này là không cao, nhưng với cá tính của chuyên gia Yusuke Adachi hay HLV Park Hang-seo, thì chẳng ai nói trước được điều gì.

MINH NHI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/hop-dong-ngan-cho-lo-trinh-dai-623795