Hợp đồng xây dựng: Sự thay đổi tạo nên khác biệt

Từ ngày 01/4/2021, việc sửa đổi, bổ sung các quy định về hợp đồng xây dựng đã mang lại những sự thay đổi đáng chú ý, khác biệt so với trước đây.

Dự án Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 công suất 1200 MW (được thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC) (Ảnh: Internet).

Dự án Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 công suất 1200 MW (được thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC) (Ảnh: Internet).

Thủ tướng Chính phủ vừa kí ban hành Nghị định số 50/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng tạo bước tiến mới trong thực tiễn đối với hành lang pháp lý đầu tư xây dựng.

Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng:

Khoản 1, Điều 1 sửa đổi, bổ sung Khoản 2, Điều 1 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP:

“Nghị định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc xác lập và quản lý thực hiện hợp đồng xây dựng thuộc các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công và hợp đồng xây dựng giữa doanh nghiệp dự án PPP với các nhà thầu xây dựng thực hiện các gói thầu thuộc dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (gọi tắt là dự án PPP).

Các tổ chức, cá nhân tham khảo các quy định tại Nghị định này để xác lập và quản lý hợp đồng xây dựng đối với các dự án sử dụng vốn khác”.

Đưa phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng theo đúng tinh thần các các Luật Đầu tư công, Luật đầu tư, Luật Xây dựng sửa đổi… bằng cách chuyển hóa các thuật ngữ truyền thống trước đây sang các thuật ngữ mới như: “Vốn đầu tư công, vốn Nhà nước ngoài đầu tư công”; “dự án PPP”; “đối tác công tư”... Từ đó, cho thấy hệ quy chiếu để xác định phạm vi áp dụng sẽ là “nguồn vốn” sử dụng của các dự án đầu tư xây dựng. Việc điều chỉnh này cùng với các quy định mới tại Nghị định số 15/2021/NĐ-CP về quản lý dự án; Nghị định số 10/2021/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và Nghị định số 06/2021/NĐ-CP quản lý chất lượng thi công xây dựng sẽ tạo nên khung pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ đối với các dự án đầu tư xây dưng sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công.

Hợp đồng EPC được giải nút thắt

Khoản 2, Điều 1 sửa đổi, bổ sung một số điểm của Khoản 1 và Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP đã khái niệm lại và đưa ra định nghĩa có tính định lượng lại về loại “Hợp đồng cung cấp thiết bị công nghệ” thành “Hợp đồng mua sắm vật tư, thiết bị” và có những quy định “mở” dành cho hợp đồng EPC. Từ đó, sẽ khái niệm lại các loại hợp đồng EP (Hợp đồng thiết kế và mua sắm vật tư, thiết bị), hợp đồng PC (Hợp đồng mua sắm vật tư, thiết bị và thi công xây dựng công trình), Hợp đồng thiết kế – mua sắm vật tư, thiết bị – thi công xây dựng công trình (EPC).

Riêng đối với hợp đồng EPC, Nghị định số 50/2021/NĐ-CP mở hơn, trao quyền chủ động hơn khi quy định thêm một số vấn đề mà lâu nay, các Chủ đầu tư dự án phải làm văn bản gửi Bộ Xây dựng để xin hướng dẫn áp dụng:

Hợp đồng EPC được ưu tiên áp dụng đối với dự án phức tạp, có yêu cầu kỹ thuật, công nghệ cao và phải tuân thủ chặt chẽ tính đồng bộ, thống nhất từ khâu thiết kế đến khâu cung cấp thiết bị, thi công, đào tạo chuyển giao công nghệ;

Trước khi quyết định áp dụng loại hợp đồng EPC, người quyết định đầu tư có trách nhiệm tổ chức đánh giá các yêu cầu về kỹ thuật, công nghệ, rút ngắn thời gian thực hiện của dự án, tính đồng bộ từ khâu thiết kế, cung cấp thiết bị, thi công xây dựng công trình đến khâu đào tạo vận hành, chuyển giao công trình để đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của dự án được phê duyệt và đảm bảo tính khả thi của việc áp dụng hợp đồng EPC so với các loại hợp đồng khác.

Cũng chính quy định mới này cho hợp đồng EPC nên các quy định về nguyên tắc ký kết hợp đồng xây dựng, quản lý thực hiện hợp đồng xây dựng, nghĩa vụ của bên giao thầu/bên nhận thầu EPC đã được điều chỉnh thay đổi đồng bộ nhắm tới trong tương lai gần sẽ tăng cường thực hiện các loại hợp đồng này.

Xuất hiện loại hợp đồng xây dựng mới

Nghị định số 50/2021/NĐ-CP đưa thêm khái niệm về loại “Hợp đồng xây dựng đơn giản, quy mô nhỏ”. Đây là hợp đồng xây dựng để thực hiện các gói thầu và có giá trị không vượt quá hạn mức của gói thầu quy mô nhỏ theo quy định của pháp luật về đấu thầu (ví dụ: gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa có giá trị gói thầu không quá 10 tỷ đồng; gói thầu xây lắp, hỗn hợp có giá trị gói thầu không quá 20 tỷ đồng,...), đồng thời nội dung công việc thuộc phạm vi của hợp đồng có tính chất kỹ thuật đơn giản, dễ thực hiện.

Trên tinh thần công việc đơn giản, quy mô nhỏ đã giảm bớt các thủ tục không cần thiết, quy định mở về việc tạm ứng, cụ thể: Việc tạm ứng hoặc không tạm ứng do bên giao thầu và bên nhận thầu xem xét, thống nhất theo đề nghị của bên nhận thầu; Chủ đầu tư xem xét, quyết định việc thực hiện bảo lãnh tạm ứng hợp đồng đảm bảo phù hợp với tính chất công việc của hợp đồng.

Đây là một điểm rất mới, giao quyền chủ động cho các bên khi thực hiện hợp đồng này và chắc chắn sẽ được Bộ Xây dựng quy định cụ thể về biểu mẫu, nội dung trong các Thông tư hướng dẫn sắp tới.

Cụ thể 2 loại hợp đồng đã được Luật quy định.

Điều 140 Luật Xây dựng 2014 trước đây đã quy định có 2 loại “Hợp đồng theo chi phí cộng phí” và “Hợp đồng xây dựng khác” nhưng đã bị “bỏ quên” không đề cập đến trong Nghị định số 37/2015/NĐ-CP. Chính vì vậy Nghị định số 50/2021/NĐ-CP đã khắc phục được thiếu sót này, đưa vào phân loại và tạo tiền đề pháp lý quy định giá hợp đồng xây dựng và các điều kiện áp dụng trong các Thông tư hướng dẫn sau này.

Dự án Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp phát điện Nam Sơn (Ảnh: Internet).

Dự án Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp phát điện Nam Sơn (Ảnh: Internet).

Quan điểm hoàn toàn khác biệt về điều chỉnh hợp đồng

Khoản 11, Điều 1 Nghị định số 50/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Khoản 2, Điều 35 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP có quy định đáng chú ý: “... Trường hợp khi Nhà nước thay đổi chính sách ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện hợp đồng xây dựng, thì việc điều chỉnh hợp đồng chỉ được áp dụng cho phần công việc bị ảnh hưởng của sự thay đổi chính sách đó và việc điều chỉnh thực hiện theo quy định của cơ quan ban hành, hướng dẫn thực hiện chính sách”. Quy định này đang quá rộng, có thể can thiệp vào bất cứ loại hợp đồng nào nếu không có phạm vi và ranh giới rõ ràng. Chắc chắn, Thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng sẽ chi tiết, cụ thể về việc điều chỉnh này để tránh sự tranh cãi và vướng mắc trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, cùng với quy định phương pháp điều chỉnh giá các loại hợp đồng, đặc biệt là hợp đồng đơn giá điều chỉnh dẫn đến công tác quyết toán hợp đồng cũng như quyết toán dự án hoàn thành sẽ gặp rất nhiều tình huống vướng mắc, khó phân định, gây tranh cãi và mất nhiều thời gian so với các quy định cũ.

Thay đổi quy định về hợp đồng xây dựng dẫn đến thay đổi nhiều quan điểm cũ trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư trước đây. Sắp tới, các thông tư được cơ quan có thẩm quyền ban hành sẽ hướng dẫn, cụ thể nhiều điểm mới để tạo nên hành lang pháp lý đầu tư xây dựng hoàn chỉnh.

Hà Khánh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/hop-dong-xay-dung-su-thay-doi-tao-nen-khac-biet-302864.html