Hợp tác chặt chẽ trong đấu tranh phòng, chống tội phạm trên biên giới Việt-Lào

Những năm qua, các đơn vị BĐBP trên tuyến biên giới Việt Nam-Lào đã tăng cường hợp tác trao đổi, chia sẻ thông tin trong công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm với các lực lượng chức năng bảo vệ biên giới của nước bạn Lào. Qua đó, góp phần giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thông thương, phát triển kinh tế, xây dựng biên giới hai nước hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Đại tá Nguyễn Văn Hưng, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BĐBP Sơn La thăm hỏi, trao đổi tình hình với Công an tỉnh Hủa Phăn, Lào. Ảnh: Vì Hiện

Đại tá Nguyễn Văn Hưng, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BĐBP Sơn La thăm hỏi, trao đổi tình hình với Công an tỉnh Hủa Phăn, Lào. Ảnh: Vì Hiện

Khu vực biên giới Việt - Lào có địa hình hiểm trở, nhân dân hai nước sinh sống ở khu vực biên giới chủ yếu là người Mông, mặc dù đã có nhiều cải thiện, nhưng đời sống của đồng bào vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp còn cao, mặt bằng dân trí còn hạn chế. Lợi dụng những vấn đề đó, các thế lực thù địch, cũng như tội phạm ma túy, mua bán người... sử dụng nhiều thủ đoạn thâm độc, nhằm lôi kéo nhân dân tiếp tay cho chúng, gây mất an ninh, trật tự khu vực biên giới nếu không được xử lý tốt. Do đó, để hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, những năm qua, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo Bộ Chỉ huy BĐBP 10 tỉnh trên tuyến biên giới Việt - Lào phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng các tỉnh của bạn có chung đường biên giới thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hai nước tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Lực lượng chức năng hai bên đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp tuyên truyền cho nhân dân trên tuyến biên giới, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên, cán bộ nòng cốt trong các đoàn thể chính trị - xã hội, các già làng, trưởng bản... về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; tác hại của tội phạm ma túy, mua bán người, buôn lậu... đối với cộng đồng; các chính sách, pháp luật của Việt Nam và Lào: luật biên giới, hiệp định và quy chế quản lý biên giới...

Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, các đơn vị BĐBP phối hợp với lực lượng chức năng của Lào thống nhất về quy mô, phương pháp tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm ở các cấp: từ tỉnh, huyện đến xã, thôn (bản) cho đến từng hộ gia đình; tổ chức ký cam kết không vi phạm và tiếp tay cho tội phạm. Đối với các đối tượng cá biệt, hai bên vận dụng tổng hợp các biện pháp tuyên truyền, vận động nhằm chuyển hóa nhận thức và cảm hóa, giúp đỡ, bồi dưỡng để tự họ từ bỏ con đường tội lỗi, trở về với gia đình, cộng đồng. Nhiều người sau này đã trở thành hạt nhân nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Trong tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, hai bên sử dụng các ngôn ngữ tiếng Việt, tiếng Lào, tiếng Mông; kết hợp giữa tuyên truyền miệng với hệ thống thông tin đại chúng và những hoạt động thiết thực giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và pháp luật của mỗi nước.

Đặc biệt, để thực hiện hiệu quả Thỏa thuận hợp tác Biên phòng giữa Bộ Tư lệnh BĐBP, Bộ Quốc phòng Việt Nam và Cục BĐBP, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Lào, ký ngày 16/10/2018 và các văn kiện pháp lý đã ký kết về biên giới giữa Việt Nam và Lào; lực lượng chức năng bảo vệ biên giới Lào và BĐBP Việt Nam đã tăng cường phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới, tổ chức tuần tra song phương nhằm phát hiện, phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi xâm hại, làm thay đổi đường biên giới, hệ thống mốc quốc giới và những hành vi khác vi phạm pháp luật về biên giới quốc gia.

Đặc biệt, hai bên đã phối hợp tổ chức đấu tranh phòng, chống hiệu quả các loại tội phạm, vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới như buôn lậu, gian lận thương mại, mua bán ma túy, mua bán trái phép vũ khí, vật liệu nổ, mua bán người, lừa đảo qua mạng viễn thông, đánh bạc xuyên biên giới, tấn công khủng bố; phản động lợi dụng dân tộc, tôn giáo; sản xuất, buôn bán, vận chuyển, lưu hành tiền giả; xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; cư trú bất hợp pháp và lao động bất hợp pháp. Đồng thời, duy trì trao đổi thông tin, tình hình thường xuyên hoặc đột xuất giữa hai bên về quản lý, bảo vệ biên giới, các vụ việc, sự kiện xảy ra trên biên giới thông qua gặp trực tiếp hoặc qua đường dây nóng.

Từ đầu năm 2024 đến nay, BĐBP Việt Nam đã phối hợp với lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới Lào bắt giữ, xử lý 41 vụ/86 đối tượng xuất, nhập cảnh trái phép; phối hợp tiếp nhận, giải cứu 90 công dân Việt Nam là nạn nhân của tội phạm mua bán người (tăng 58 nạn nhân so với cùng kỳ năm 2023).

Được giao quản lý, bảo vệ 179,628 km đường biên giới trên đất liền đi qua 17 xã, 1 thị trấn thuộc 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông gồm 166 thôn, bản trong đó có 58 thôn, bản giáp biên với 62 vị trí mốc quốc giới 23 vị trí/35 cọc dấu, tiếp giáp với tỉnh Savannakhet và Salavan của nước bạn Lào, nhiều năm qua, BĐBP Quảng Trị đã phối hợp với lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới Lào thực hiện có hiệu quả Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa hai nước; quản lý, bảo vệ vững chắc hệ thống đường biên, cột mốc; phát hiện, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm quy chế quản lý biên giới theo hiệp định đã ký kết.

Đồn Biên phòng Nà Bủng, BĐBP Điện Biên (Việt Nam) và Đại đội Biên phòng 114, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phông Sa Lỳ (Lào) phối hợp tuần tra song phương, kiểm tra cột mốc. Ảnh: Đình Thuần

Đồn Biên phòng Nà Bủng, BĐBP Điện Biên (Việt Nam) và Đại đội Biên phòng 114, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phông Sa Lỳ (Lào) phối hợp tuần tra song phương, kiểm tra cột mốc. Ảnh: Đình Thuần

Đồng thời, hai bên đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân ở khu vực biên giới chấp hành nghiêm các quy định về chủ quyền lãnh thổ; ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép, tiếp nhận và trao trả công dân vi phạm pháp luật tại cửa khẩu và khu vực biên giới. Bên cạnh đó, lực lượng bảo vệ biên giới hai nước còn tích cực tổ chức các chương trình giao lưu, hội đàm định kỳ, phối hợp trao đổi thông tin tình hình qua các buổi tuần tra song phương, thống nhất các biện pháp quản lý các hoạt động gần khu vực biên giới để đảm bảo thực thi pháp luật và giải quyết các vấn đề phát sinh theo đúng hiệp định đã ký kết.

Còn tại Sơn La, thực hiện Thỏa thuận hợp tác Biên phòng giữa Bộ Tư lệnh BĐBP, Bộ Quốc phòng Việt Nam và Cục BĐBP, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Lào, ký ngày 16/10/2018, Bộ Chỉ huy BĐBP Sơn La và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hủa Phăn đã tích cực phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam - Lào; thường xuyên phối hợp trao đổi thông tin, tình hình quản lý, bảo vệ biên giới, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại; ngăn chặn di cư tự do, kết hôn không giá thú; xuất, nhập cảnh trái phép; phối hợp tuần tra bảo vệ hệ thống đường biên, mốc quốc giới.

Trung tá Đỗ Văn Trung, Phó Tham mưu trưởng BĐBP Sơn La cho biết: "Tình hình khu vực biên giới trên địa bàn tỉnh tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp... Vì vậy, các đồn Biên phòng đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, chốt chặn, mật phục để đấu tranh ngăn chặn. Năm 2023 và 2 tháng đầu năm 2024, các đồn Biên phòng đã tổ chức hàng trăm cuộc tuần tra biên giới đơn phương, với hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ và dân quân tham gia; tuần tra biên giới song phương 46 cuộc. Các đơn vị còn chủ trì phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ nhiều vụ việc liên quan đến ma túy, buôn lậu, tệ nạn xã hội".

Mai Anh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/hop-tac-chat-che-trong-dau-tranh-phong-chong-toi-pham-tren-bien-gioi-viet-lao-post482734.html