Hợp tác công tư: Thúc đẩy và nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm sữa Việt

Nhằm tăng cường hợp tác giữa khối công và khối tư trong ngành chăn nuôi, tạo cơ hội trao đổi thông tin, phát triển, đặc biệt là ngành chăn nuôi bò sữa, sáng ngày 24/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Diễn đàn Tầm nhìn và Đối thoại Hợp tác công tư (PPP) ngành hàng Chăn nuôi: 'Thách thức và tiềm năng phát triển chăn nuôi bò sữa và sản phẩm sữa'.

Phát biểu tại Diễn đàn Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, năm 2018, tổng doanh thu toàn ngành sữa đạt 109.000 tỷ đồng (khoảng 4.781 triệu USD). Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 6 châu Á về sản lượng sữa và đứng thứ 4 về năng suất của đàn bò vắt sữa. Nhiều chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất tới tiêu dùng trong chăn nuôi bò sữa đã được hình thành và phát triển hiệu quả. Tỷ lệ liên kết chuỗi trong chăn nuôi bò sữa chiếm gần 100%, cao nhất trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.

Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa cũng là một trong những lĩnh vực có tiềm năng thu hút đầu tư lớn nhất của ngành nông nghiệp. Sữa và các sản phẩm sữa của Việt Nam được người tiêu dùng trong nước và nhiều nước trong khu vực tin dùng, nhất là thị trường Trung Quốc và các nước Trung Đông.

Hợp tác công tư sẽ thúc đẩy ngành chăn nuôi bò sữa và sản phẩm sữa Việt

Hợp tác công tư sẽ thúc đẩy ngành chăn nuôi bò sữa và sản phẩm sữa Việt

Hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, tạo ra những cơ hội cho ngành chăn nuôi tiếp cận công nghệ giống mới, sản phẩm mới, phương thức tổ chức sản xuất và quản lý tiên tiến. Các Hiệp định song phương, đa phương, Hiệp định thương mại tự do có tác động mạnh đến khả năng sản xuất và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi….

Bên cạnh những thuận lợi, ngành chăn nuôi cũng như ngành sữa còn gặp phải những khó khăn và thách thức đang hạn chế tiềm năng phát triển của ngành. Cụ thể, Việt Nam hiện có 10 triệu hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cung ứng một nửa sản lượng thịt tiêu thụ trong cả nước, hàng năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu một lượng thịt, sữa và sản phẩm sữa khá cao để phục vụ tiêu dùng trong nước; năng suất chăn nuôi trong nước có xu hướng giảm, giá thành vẫn còn cao; chăn nuôi với quy mô nhỏ lẻ, phân tán còn chiếm tỷ lệ cao, ảnh hưởng không nhỏ tới việc áp dụng công nghệ tiên tiến trong chăn nuôi và công tác kiểm soát dịch bệnh và an toàn thực phẩm; giá trị xuất khẩu thấp khiến ngành chăn nuôi thiếu đi động lực để phát triển.

Bộ NN&PTNT đang tích cực triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Một trong những giải pháp then chốt đó là đẩy mạnh thu hút đầu tư theo hình thức Đối tác công tư (PPP) với 8 nhóm ngành hàng gồm: cà phê; chè; hồ tiêu; rau quả; gạo; thủy sản; hóa chất nông nghiệp và chăn nuôi.

“Nhận thấy chăn nuôi là một ngành quan trọng trong phát triển nông nghiệp nông thôn Việt Nam, tháng 4/2019, Bộ NN&PTNT đã thành lập thêm Nhóm công tác PPP về Chăn nuôi gồm 4 tiểu nhóm bò sữa, heo, gia cầm, thức ăn chăn nuôi. Nhóm được thành lập với kỳ vọng thúc đẩy thu hút đầu tư vào ngành chăn nuôi, thực hiện tầm nhìn phát triển nông nghiệp bền vững trong đó tập trung vào phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng cường đầu tư vào chế biến sâu để tăng giá trị gia tăng, tính cạnh tranh và an toàn thực phẩm cho ngành chăn nuôi” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ.

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã cùng nhau bàn thảo tình hình ngành chăn nuôi bò sữa và định hướng phát triển đến năm 2030; đánh giá tác động của các hiệp định thương mại đặc biệt là CPTPP và EVFTA đến ngành hàng sữa; dự báo tiềm năng thị trường sữa và sản phẩm sữa trong những năm tới; vai trò của chăn nuôi bò sữa nông hộ trong bối cảnh mới và một số giải pháp phát triển bền vững; chia sẻ kinh nghiệm phát triển các mô hình chuỗi giá trị của ngành hàng bò sữa và sản xuất sữa của các Doanh nghiệp tiêu biểu; đối thoại thách thức phát triển chuỗi chăn nuôi bò sữa - Vai trò của Chính phủ, nông dân, tổ chức xã hội và doanh nghiệp.

Để thúc đẩy ngành chăn nuôi bò sữa và sản phẩm sữa Việt tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức, các chuyên gia cho rằng, cần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành chăn nuôi, và cần chuyển dần chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo quy mô trang trại, công nghiệp, phù hợp với thực tế địa phương. Phát triển chăn nuôi gắn với chế biến đa dạng hóa, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm chăn nuôi, hình thành và phát triển ngành công nghiệp chế biến, đáp ứng nhu cầu thực phẩm và nguyên liệu cho công nghiệp.

Trong 8 tháng đầu năm 2019, sản lượng sữa sản xuất trong nước tiếp tục tăng trưởng khả quan, trong đó sản phẩm sữa tăng trưởng tốt hơn sản phẩm sữa bột. Chỉ số sản xuất của ngành chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2018. Ông Phạm Văn Duy- Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NN&PTNT) nhận định - hiện nay Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sữa lớn thứ 2 thế giới (chỉ sau thị trường Mỹ) với tổng giá trị khoảng 60 tỷ USD (theo Food Navigator) và mức tiêu thụ sản phẩm sữa bình quân đầu người liên tục tăng (năm 2018 đạt 22,5kg/người theo Euromonitor).

Theo Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, nguồn cung sữa nội địa của Trung Quốc hiện chỉ sản xuất đủ đáp ứng 75% nhu cầu sữa trên thị trường nội địa. Trong đó lượng sữa tươi nhập khẩu khoảng 750 nghìn tấn và khoảng 650 nghìn tấn sữa bột. Nghị định thư về xuất khẩu sữa Việt Nam sang sang Trung Quốc đã được các cơ quan nhà nước phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp xuất khẩu sữa hàng đầu của Việt Nam triển khai. Dự kiến sẽ có lô xuất khẩu đầu tiên sang Trung Quốc theo Nghị định thư trong năm nay. Đây sẽ là cơ hội rất thuận lợi đối với các doanh nghiệp ngành sữa Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay, Bộ NN&PTNT cam kết đẩy mạnh các hoạt động đối thoại với các với soanh nghiệp để nắm bắt những vấn đề phát sinh trong thực tiễn thực hiện chính sách, để qua đó tháo gỡ khó khăn và hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là ngành chăn nuôi.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hop-tac-cong-tu-thuc-day-va-nang-cao-nang-luc-canh-tranh-cho-san-pham-sua-viet-125610.html