Hợp tác du lịch thác Bản Giốc - Đức Thiên, điểm nhấn quan hệ Việt - Trung

Hợp tác du lịch Khu cảnh quan thác Bản Giốc - Đức Thiên là một điểm nhấn trong quan hệ hợp tác biên giới hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Sau một năm thí điểm, nay hai bên quyết định nâng gấp đôi công suất đón khách, với thủ tục đi lại đơn giản, nhanh chóng hơn.

Hôm nay, 15-10, UBND tỉnh Cao Bằng và chính quyền nhân dân khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) đã tổ chức lễ vận hành chính thức Khu cảnh quan thác Bản Giốc - Đức Thiên.

Đây là hoạt động cụ thể triển khai một nội dung Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc mà lãnh đạo hai nước đạt được trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, vừa diễn ra từ ngày 12 đến 14-10.

 Đại diện hai địa phương Việt Nam - Trung Quốc bấm nút tại buổi lễ vận hành chính thức Khu cảnh quan thác Bản Giốc - Đức Thiên.

Đại diện hai địa phương Việt Nam - Trung Quốc bấm nút tại buổi lễ vận hành chính thức Khu cảnh quan thác Bản Giốc - Đức Thiên.

Thác Bản Giốc (Trung Quốc gọi là thác Đức Thiên) là thác biên giới giữa hai nước láng giềng núi liền núi, sông liền sông. Cùng với việc phân định biên giới và cắm mốc, từ rất sớm, lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhiều lần khẳng định mục tiêu hình thành cơ chế hợp tác, phát huy giá trị cảnh quan độc đáo nơi đây.

Dù vậy, phải đến những ngày này năm ngoái, ý tưởng ấy mới được hiện thực hóa. Khu cảnh quan thác Bản Giốc - Đức Thiên được hình thành, mỗi bên góp 200ha với tính chất là khu hợp tác xuyên biên giới Việt Nam - Trung Quốc, bắt đầu vận hành thí điểm từ ngày 15-9-2023. Du khách từ hai nước tự do sang hai bên du lịch, miễn là trong ranh giới 400 ha khu cảnh quan.

 Khu cảnh quan thác Bản Giốc - Đức Thiên nhìn từ trên cao. Ảnh: M.T

Khu cảnh quan thác Bản Giốc - Đức Thiên nhìn từ trên cao. Ảnh: M.T

13.187 lượt khách tự do xuyên biên giới

Phát biểu tại buổi lễ hôm nay, Phó Chủ tịch UBND Cao Bằng Trịnh Trường Huy cho biết mô hình hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc - Đức Thiên là mô hình mới, chưa có tiền lệ. Nhưng khi triển khai đã góp phần thúc đẩy hợp tác du lịch, tăng cường giao lưu hữu nghị giữa nhân dân địa phương hai bên biên giới và nhân dân hai nước Việt - Trung, góp phần quan trọng thúc đẩy quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phát triển và đi vào chiều sâu.

Theo tỉnh Cao Bằng, đến ngày 11-10 vừa qua, Khu cảnh quan thác Bản Giốc - Đức Thiên đã đón 16.092 lượt du khách, trong đó khách từ phía Việt Nam sang khu cảnh quan phía Trung Quốc là 5.190, từ phía bạn sang là 10.902 người.

Thủ tục thông quan được các lực lượng kiểm soát xuất nhập cảnh, hải quan, kiểm dịch phối hợp xử lý linh hoạt, khoa học, văn minh và đúng quy định. Hoạt động đưa đón khách du lịch được các đơn vị lữ hành hai bên phối hợp nhịp nhàng, tuân thủ quy định của pháp luật hai bên.

Đáng chú ý, thủ tục đăng ký đã được đẩy nhanh. Bình thường, khách phải đăng ký trước 1-3 ngày, nhưng từ tháng 12-2023, trên cơ sở các quy định và thống nhất qua hội đàm, các đơn vị lữ hành đã kết nối và tạo thuận lợi cho du khách có hộ chiếu đăng ký, làm thủ tục chỉ trong buổi sáng là được qua đường biên giới tự nhiên trong khu cảnh quan.

Các vướng mắc, hoặc các đề xuất, sáng kiến trong quá trình thí điểm Khu cảnh quan thác Bản Giốc - Đức Thiên thì các cơ quan chức năng của Cao Bằng cũng như khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây đã chủ động trao đổi, hội đàm tháo gỡ, triển khai.

Hai bên đã tổ chức được 3 cuộc hội đàm cấp Văn phòng Thường trực Cao Bằng và Tổ công tác liên ngành Quảng Tây để cùng đánh giá, trao đổi, giải quyết các vấn đề phát sinh, đưa ra những giải pháp để vận hành thí điểm an toàn, hiệu quả.

Tuy nhiên, qua thời gian đầu thí điểm, tỉnh Cao Bằng đánh giá hạ tầng du lịch của địa phương vẫn còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng của khu du lịch quốc tế. Lượng du khách hai bên tham quan khu cảnh quan còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng của khu cảnh quan. Để tháo gỡ, tỉnh đề nghị Chính phủ sớm xem xét, phê duyệt đề án cơ chế chính sách đặc thù cho Khu cảnh quan thác Bản Giốc.

 Du khách Việt Nam làm thủ tục xuất cảnh sang tham quan Khu cảnh quan phía Trung Quốc.

Du khách Việt Nam làm thủ tục xuất cảnh sang tham quan Khu cảnh quan phía Trung Quốc.

Tăng gấp đôi hạn mức tiếp nhận du khách

Trong 1 năm thí điểm vừa qua, Việt - Trung thống nhất mỗi bên chỉ tổ chức tiếp đón qua biên giới trong Khu cảnh quan tối đa 10 đoàn khách/ngày trong 3 tháng đầu, sau đó nâng lên tối đa 500 người/ngày.

Nay chuyển sang khai thác chính thức, đôi bên quyết định nâng quy mô tiếp đón lên 1.000 khách/ngày. Tất cả đều tổ chức theo đoàn, mỗi đoàn 20 người. Thời gian thăm quan của mỗi đoàn ở phía bên kia tối đa 6 tiếng. Thời gian mở cửa lối qua lại biên giới của du khách từ 8 giờ sáng đến 14 giờ chiều (theo giờ Hà Nội).

Du khách qua biên giới phải đeo thẻ du lịch, tuân thủ quy định của pháp luật và phong tục tập quán của địa phương, chịu sự giám sát và quản lý của cơ quan hữu quan.

Vẫn như giai đoạn thí điểm, thời gian tới Khu cảnh quan thác Bản Giốc - Đức Thiên chỉ đón tiếp công dân Việt Nam, Trung Quốc, chưa mở cửa cho khách quốc tế.

Về chi phí, phía Trung Quốc tiếp tục miễn phí khách vào cửa, nhưng thu phí các dịch vụ trong Khu cảnh quan bên đất bạn. Còn Việt Nam thu vé vào cửa của du khách Trung Quốc với mức giá 70.000 đồng. Ngoài ra, khách phải mua bảo hiểm du lịch theo đơn vị tổ chức tour.

Từ kết quả một năm thí điểm, đôi bên Cao Bằng, Quảng Tây thống nhất đơn vị vận hành Khu cảnh quan của hai bên có thể kết hợp nhu cầu thị trường và tình hình thực tế để triển khai các dịch vụ, sản phẩm du lịch, và trao đổi, thông báo cho nhau để giới thiệu với khách.

Việt - Trung hoàn toàn có thể mở các tour du lịch đỏ

Ông Nguyễn Vinh Quang, người đã 46 năm làm công tác ngoại giao và nghiên cứu về Trung Quốc, hiện là Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt – Trung. Ông cho biết vấn đề hợp tác và bảo vệ tài nguyên du lịch thác Bản Giốc đã được Chính phủ hai nước cụ thể hóa bằng Hiệp định, có hiệu lực từ năm 2016.

Ông Nguyễn Vinh Quang trao đổi với phóng viên PLO về quan hệ Việt - Trung

Tuy nhiên, quá trình triển khai, nguồn lực phía Việt Nam còn hạn chế, nên đến năm ngoái mới hình thành được Khu cảnh quan. Vậy nên, để phát huy hơn nữa giá trị đặc sắc của thác Bản Giốc, ngoài nguồn lực đầu tư, Cao Bằng cũng như các cơ quan Trung ương, và các doanh nghiệp cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, không chỉ thác Bản Giốc mà cả các giá trị du lịch của địa phương như công viên địa chất non nước Cao Bằng.

Đáng chú ý, cả Cao Bằng (Việt Nam) và khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc) còn có nhiều di tích lịch sử gắn với cách mạng Việt Nam, với hình ảnh các vị lãnh đạo tiền bối Việt – Trung.

Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hồi tháng 8 vừa qua đã bắt đầu với hoạt động ở các di tích lịch sử cách mạng ấy. Đây là một gợi ý về hướng hợp tác du lịch giữa hai nước, hai địa phương có chung biên giới, không chỉ gói gọn trong Khu cảnh quan thác Bản Giốc – Đức Thiên, mà thành tour du lịch đỏ trong tương lai.

MINH TRÚC - NGHĨA NHÂN

Nguồn PLO: https://plo.vn/hop-tac-du-lich-thac-ban-gioc-duc-thien-diem-nhan-quan-he-viet-trung-post813528.html