Hợp tác khoa học hướng tới chấm dứt dịch bệnh tại Việt Nam

Trong 2 ngày 15-16/11/2023, tại Hải Phòng, Cục Phòng, chống HIV/AIDS phối hợp với ANRS-MIE và ĐH Y dược Hải Phòng tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề 'Hướng tới chấm dứt dịch bệnh tại Việt Nam'.

Là một trong những đơn vị nghiên cứu và tài trợ nghiên cứu lớn nhất thế giới trong lĩnh vực y tế công cộng, hàng năm Cơ quan Nghiên cứu HIV/AIDS, Viêm gan siêu vi và các bệnh truyền nhiễm mới nổi của Cộng hòa Pháp (ANRS-MIE) tài trợ hàng triệu đô cho các nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm mới nổi trên khắp thế giới. Các bài báo khoa học từ các nghiên cứu được ANRS-MIE tài trợ có hệ số tác động (Impact Factor) cao hàng đầu thế giới.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, hợp tác khoa học trong các lĩnh vực nghiên cứu và phòng chống HIV/AIDS giữa Bộ Y tế nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với ANRS-MIE đã được ký kết từ đầu năm 2000. Thông qua chương trình hợp tác khoa học này, nhiều nghiên cứu đã được triển khai tại Việt Nam.

Tiêu biểu nhất trong hợp tác này là đã thiết lập một điểm nghiên cứu về HIV/AIDS ở khu vực Đông Nam Á. Điểm nghiên cứu đã được triển khai từ năm 2001 đến nay với mục tiêu xây dựng một điểm hợp tác nghiên cứu khoa học với ANRS tại khu vực Đông Nam Á (Việt Nam và Campuchia), tạo cơ sở để phát triển toàn diện, lâu dài quan hệ hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực nghiên cứu về virus viêm gan, HIV/AIDS và các bệnh liên quan.

PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế.

PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế.

Hợp tác giữa Bộ Y tế Việt Nam và Cơ quan nghiên cứu quốc gia về các bệnh truyền nhiễm mới nổi của Pháp (ANRS-MIE) được xem là điểm sáng trong mối quan hệ hợp tác giữa hai nước. ANRS-MIE giữ vai trò quan trọng cho sự hiện diện khoa học của Pháp ở Việt Nam, bằng chứng là cam kết lâu năm tại Việt Nam củaGiáo sư Françoise Barré Sinoussi, người được giải Nobel y học năm 2008. Bà cũng giữ vai trò là điều phối viên phía Pháp cho các điểm nghiên cứu của ANRS tại Việt Nam trong gần 20 năm. Hiện nay ANRS-MIE đứng thứ hai trên thế giới về các xuất bản khoa học về HIV/AIDS, viêm gan và các bệnh truyền nhiễm mới nổi.

ANRS-MIEđã triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, đa dạng trong các lĩnh vực như:

-Về nghiên cứu cơ bản: Dịch tễ học phân tử nhiễm HIV; xác định đặc tính sinh học và lâm sàng nhiễm HIV trên nhóm người nghiện chích ma túy; thực trạng hậu COVID-19 ở các bệnh nhân COVID-19 thể nhẹ, vừa và nặng; mô hình can thiệp chống lại dịch COVID-19.

- Nghiên cứu sinh học - lâm sàng: Hoàn thiện các kỹ thuật chẩn đoán, chăm sóc và điều trị các bệnh về phổi trên bệnh nhân nhiễm HIV tại Việt Nam; hiệu quả và dung nạp của phác đồ điều trị với thuốc kháng retrovirus; tính kháng thuốc ARV trên thai phụ; tính kháng thuốc trên bệnh nhân mới nhiễm chưa điều trị ARV; đáp ứng virus học và tần xuất có đột biến kháng thuốc trên bệnh nhân đang điều trị với phác đồ bậc 1 trong chương trình quốc gia tại các nước khu vực Đông Nam Á và Sub-Saharan Africa.

- Nghiên cứu khoa học xã hội: Hành vi tình dục và yếu tố nguy cơ tại Việt Nam; các yếu tố xã hội và sự tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế cho trẻ em sống với HIV tại Việt Nam; đánh giá can thiệp dựa vào cộng đồng đối với tầm soát Lao, can thiệp tâm thần ở các bệnh nhân nghiện chích ma túy ở Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cũng cho biết, kết quả của hợp tác này đã đóng góp nhiều cho Việt Nam như: Chuyển giao kỹ thuật cho Việt Nam, ứng dụng kịp thời phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, chăm sóc và điều trị bệnh nhân; nâng cao trình độ của cán bộ và đào tạo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xét nghiệm phân tử, nhiều tiến sỹ, thạc sỹ được đào tạo tại Pháp; cung cấp trang thiết bị nghiên cứu; góp phần đưa hoạt động nghiên cứu khoa học của Việt Nam hội nhập với quốc tế; nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị bệnh nhân nhiễm HIV và các bệnh truyền nhiễm liên quan cũng như các bệnh truyền nhiễm mới nổi tại Việt Nam.

Ông Olivier Brochet - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam.

Ông Olivier Brochet - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam.

Ông Olivier Brochet - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam cho biết, hợp tác y tế là một trong những trụ cột trong quan hệ hợp tác song phương giữa Pháp và Việt Nam. Pháp đã có cam kết mạnh mẽ đầu tư vào các dự án mang tính đoàn kết, cụ thể đối với Quỹ Toàn cầu về phòng bệnh Lao, sốt rét trong giai đoạn 2023-2025…

Dựa trên bề dày của mối quan hệ hợp tác khoa học giữa hai nước cũng như chất lượng của mối quan hệ hợp tác đó và tầm nhìn chiến lược trong thời gian tới, chúng ta sẽ phát triển quan hệ hợp tác khoa học giữa hai nước. Hội thảo là nguồn cảm ứng để phái đại sứ quán Pháp đưa ra một chương trình hợp tác nhiều tham vọng hơn nữa phục vụ cho những nhu cầu của Việt Nam cũng như của Pháp về hoạt động y tế…, ông Olivier Brochet cho biết.

Hội thảo đã cập nhật tiến độ, chia sẻ những kết quả mới nhất của các nghiên cứu đang triển khai tại Việt Nam và quốc tế về HIV/AIDS, virus viêm gan, các bệnh truyền nhiễm mới nổi… và định hướng nghiên cứu về các lĩnh vực này trong thời gian tới.

Kế hoạch hợp tác trong thời gian tới giữa ANRS – MIE và Việt Nam

- ANRS – MIE sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong quá trình xây dựng và phê duyệt các đề xuất viện trợ do Quỹ Toàn cầu tài trợ và huy động thêm nguồn ngân sách cấp cho Việt Nam từ phía Cộng hòa Pháp, Đan Mạch và các nước Châu Âu.

- Mở rộng các hoạt động hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, đào tạo cán bộ khoa học, xây dựng cơ sở vật chất, chuyển giao công nghệ kỹ thuật. Tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật và chọn Việt Nam là một trong các điểm nghiên cứu toàn cầu trong lĩnh vực y tế nói chung và theo dõi tình trạng mô hình dịch bệnh nói riêng.

- Hỗ trợ triển khai các đề tài nghiên cứu trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS, Viêm gan B, C và đồng nhiễm Lao/HIV, bệnh truyền nhiễm mới nổi:

+ Dịch tễ học phân tử HIV, HBV, HCV tại Việt Nam

+ Đánh giá và theo dõi kháng thuốc HIV; xây dựng ngân hàng dữ liệu về xét nghiệm HIV kháng thuốc

+ Triển khai các nghiên cứu, can thiệp dựa trên bằng chứng khoa học để nâng cao hiệu quả hoạt động dự phòng, chăm sóc và điều trị (ví dụ tuân thủ và duy trì sử dụng HIV PrEP, ARV…

+ Triển khai các mô hình nghiên cứu, can thiệp dự phòng, chăm sóc các bệnh đồng diễn và nguy cơ lây nhiễm HIV, gồm rối loạn sử dụng chất, sức khỏe tâm thần, bạo lực bạn tình.

+ Hỗ trợ triển khai các mô hình can thiệp cho người sử dụng và nghiện ma túy tổng hợp. Đánh giá hiệu quả mô hình làm cơ sở triển khai mở rộng.

+ Hỗ trợ triển khai các nghiên cứu liên quan đến bệnh truyền nhiễm mới nổi

- Xây dựng các chính sách, năng lực hệ thống để đáp ứng thực mục tiêu chấm dịch HIV/AIDS vào năm 2030.

- Hỗ trợ Việt Nam trong việc đàm phán về giá thành thuốc điều trị viêm gan C cũng như sinh phẩm xét nghiệm tải lượng HIV.

- Tư vấn cho Việt Nam xây dựng các kế hoạch hành động cấp quốc gia về mở rộng các can thiệp dự phòng và điều trị toàn diện của từng giai đoạn để hướng đến chấm dứt dịch AIDS vào 2030.

- Hỗ trợ kỹ thuật trong việc xây dựng kế hoạch và thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS.

Mời độc giả xem thêm video:

Bạn hỏi - Chuyên gia trả lời: Tất tần tật về HIV/AIDS.

Thu Hương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hop-tac-khoa-hoc-huong-toi-cham-dut-dich-benh-tai-viet-nam-169231115143145429.htm