Hợp tác xã Thủy cầm Ia Peng hỗ trợ thành viên cung ứng sản phẩm chăn nuôi sạch
Tuy mới thành lập nhưng Hợp tác xã (HTX) Thủy cầm Ia Peng (huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) đã tích cực hỗ trợ thành viên trong quá trình chăn nuôi cũng như cung ứng cho thị trường sản phẩm sạch, chất lượng.
Với lợi thế nguồn nước sẵn có từ công trình thủy lợi Ayun Hạ, nhiều hộ dân xã Ia Peng đã chăn nuôi vịt đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tháng 9-2020, HTX Thủy cầm Ia Peng được thành lập với 7 thành viên, vốn điều lệ ban đầu hơn 1 tỷ đồng. Hợp tác xã hiện có đàn vịt hơn 40.000 con. Với 2 máy ấp trứng công suất 13.000 quả và 5.000 quả/lần, bình quân mỗi ngày, HTX cung cấp ra thị trường 18.000 quả trứng và trên 2.000 con vịt giống.
Ông Đào Minh Châu-Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Thủy cầm Ia Peng-cho biết: Các thành viên HTX góp vốn đầu tư mua máy ấp trứng và máy nghiền cám nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất cũng như chủ động con giống, nguồn thức ăn cho đàn vật nuôi. Hợp tác xã yêu cầu thành viên cam kết không sử dụng chất kích thích sinh trưởng, hóa chất, kháng sinh mà tự chế biến các loại thức ăn hữu cơ như: bắp, lúa, khoai lang… phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đàn vịt.
“Chăn nuôi sạch, cung cấp sản phẩm sạch đang là hướng đi mà các thành viên HTX lựa chọn nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Sản phẩm trứng vịt của HTX đã đăng ký tham gia chương trình OCOP. Đây sẽ là cơ hội lớn để mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo thương hiệu cho sản phẩm”-ông Châu khẳng định.
Ông Đỗ Hồng Sơn-Chủ tịch UBND xã Ia Peng: Toàn xã có 4 HTX đang hoạt động. Sự ra đời của HTX Thủy cầm Ia Peng đã khẳng định vai trò quan trọng của kinh tế tập thể trong việc khơi dậy nguồn lực của người dân, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới vào cuối năm 2020.
Hiện tại, gia đình ông Châu đang nuôi hơn 26.000 con vịt, trong đó có 14.000 con vịt đẻ. Bình quân mỗi ngày, ông thu hoạch hơn 11.500 quả trứng. Đối với vịt đẻ và vịt thịt, ông áp dụng hình thức chạy đồng quanh năm. Hết mùa thu hoạch lúa ở địa phương, ông chở vịt đi ăn tại các cánh đồng ở tỉnh Ninh Thuận, Bình Định...
Bằng cách này, ông đã giảm được 3/4 chi phí thức ăn so với phương thức nuôi nhốt. Trong khi đó, chất lượng thịt vịt tăng lên đáng kể. Đối với đàn vịt đẻ nuôi chạy đồng, tỷ lệ đẻ trứng nhiều và lâu hơn, trứng vịt cũng to hơn, được người tiêu dùng ưa chuộng. Với giá bán bình quân 2.300 đồng/quả trứng và 80.000 đồng/kg vịt thịt, sau khi trừ chi phí, mỗi năm, gia đình ông Châu thu nhập 700-800 triệu đồng. Ông cũng tạo việc làm thường xuyên cho 18 lao động địa phương với mức lương 7,5 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, ông Châu còn tận dụng nguồn nước dồi dào để đào ao thả cá kết hợp nuôi vịt. Về nguồn gốc của mô hình này, ông chia sẻ: Trước đây, ông chỉ đào ao nuôi cá đơn thuần nên tốn nhiều chi phí thức ăn mà đàn cá lại chậm lớn. Sau một vụ cho người quen thả vịt nhờ, ông nhận thấy nhờ nguồn thức ăn từ vịt thải ra, cá trong hồ lớn nhanh rõ rệt và vụ cá ấy ông bội thu. Từ đó, ông bắt đầu triển khai mô hình kết hợp cá-vịt. Hiện nay, mô hình của ông Châu được các thành viên HTX áp dụng và đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Tương tự, gia đình ông Trần Văn Thuấn (thôn Thanh Bình) đang nuôi 3.000 con vịt thịt và 2.000 con vịt đẻ. Theo ông Thuấn, việc tham gia HTX Thủy cầm Ia Peng giúp ông có thêm nhiều kinh nghiệm bổ ích. Định kỳ hàng tháng, các thành viên HTX họp mặt chia sẻ kinh nghiệm phòng-chống dịch bệnh cũng như chăm sóc đàn vịt. Những thành viên khó khăn về vốn, con giống đều được hỗ trợ kịp thời. Các thành viên cũng hỗ trợ nhau về thông tin thị trường, đầu mối tiêu thụ sản phẩm, giúp tạo đầu ra ổn định, yên tâm sản xuất.
“Tham gia HTX, tôi được anh em hướng dẫn làm đệm lót sinh học, đảm bảo môi trường chuồng trại sạch sẽ để hạn chế dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Khi muốn nuôi gối đàn, anh em dồn trứng cho mình ấp đủ lứa vịt con. Sau đó, mình trả dần. Nhờ vậy, gia đình tôi chủ động được con giống khỏe, không mang mầm bệnh với giá hợp lý”-ông Thuấn chia sẻ.