Họp trực tuyến triển khai ứng phó với bão số 6

Chiều nay (25/10), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan chủ trì cuộc họp trực tuyến triển khai ứng phó với bão số 6. Tham dự cuộc họp ở đầu cầu Hà Nội có đại diện một số bộ, ngành, đơn vị liên quan và được kết nối trực tuyến với các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận.

Tại điểm cầu tỉnh Bình Thuận, ông Mai Kiều – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Phó Trưởng ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh chủ trì, cùng sự tham dự của một số sở, ban, ngành liên quan.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Bình Thuận.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Bình Thuận.

Theo báo cáo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, đến 14 giờ chiều ngày 25/10, bão số 6 ở vị trí 17,6N -117,4E, cách đảo Hoàng Sa khoảng 600 km về phía Đông. Cường độ bão mạnh cấp 10, giật trên cấp 13. Đây là cơn bão hoàn lưu rộng. Vùng gió mạnh trên cấp 8, có bán kính khoảng 250 km. Dự kiến vào chiều 26/10 ở khu vực phía Bắc quần đảo Hoàng Sa, cường độ cấp 11 -12, giật cấp 15. Chiều và đêm 27/10 trên khu vực biển từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi chịu ảnh hưởng.

Tại Bình Thuận, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh cho biết, hiện nay các hồ chứa nước đạt xấp xỉ mực nước dâng bình thường, 13 hồ chứa đang điều tiết qua tràn để hạ thấp mực nước, đảm bảo an toàn cho công trình. Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các đồn biên phòng trong tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện chỉ đạo của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh. Đồng thời, thông tin cho các phương tiện hoạt động trên biển biết tin về bão trên hệ thống trực canh của đơn vị, mở đài canh 24/24 để tiếp nhận thông tin, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền, các chủ phương tiện có phương án phòng tránh. Đài Thông tin Duyên hải Phan Thiết trực canh 24/24h; phát tin bão trên tần số trực canh 7906KHz theo quy định để các tàu thuyền tiếp nhận, chủ động theo dõi, không đi vào vùng nguy hiểm của bão.

Tại các địa phương trong tỉnh đã có biện pháp triển khai ứng phó, phòng tránh và kế hoạch sản xuất phù hợp; bảo đảm an toàn tàu thuyền và các hoạt động trên biển. Rà soát các khu dân cư ven biển, vùng trũng, ngập lụt sẵn sàng phương tiện, lực lượng sơ tán khi có lệnh, chuẩn bị tốt theo phương châm "4 tại chỗ" ở cấp xã, ngành để ứng phó với các tình huống, sự cố có thể xảy ra.

Tàu thuyền neo đậu tại Sông Cà Ty (TP. Phan Thiết) chiều tối ngày 25/10.

Tàu thuyền neo đậu tại Sông Cà Ty (TP. Phan Thiết) chiều tối ngày 25/10.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh, đây là cơn bão được dự báo có cường độ mạnh, diễn biến rất phức tạp, hướng di chuyển, cấp độ gió có thể còn thay đổi do tác động của nhiều hình thế thời tiết trên biển. Đề nghị các địa phương, đơn vị liên quan tăng cường cập nhật thông tin, theo dõi sát diễn biến của bão TRAMI. Qua đó, chỉ đạo, hướng dẫn công tác chằng, chống nhà cửa, kho tàng, công sở, trường học, bệnh viện, chặt tỉa cây xanh, các biển quảng cáo, pano.

Hướng di chuyển của bão

Hướng di chuyển của bão

Đồng thời, rà soát phương án, kế hoạch sơ tán dân ra khỏi các vùng nguy hiểm ven biển, cửa sông nguy cơ xảy ra gió mạnh, triều cường gây nguy hiểm; các vùng trũng, ngập lụt, sạt lở. Công ty TNHH MTV KTCT thủy lợi kiểm tra việc vận hành hồ chứa nước an toàn, chủ động điều tiết nước qua tràn, hạ thấp mực nước hồ theo quy trình vận hành hồ chứa; bảo đảm an toàn hồ, đập, kè, công trình thủy lợi. Lực lượng vũ trang và các đơn vị xung kích ứng cứu của tỉnh được phân công chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện, vật tư, lực lượng hỗ trợ các địa phương sơ tán nhân dân, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Cùng với đó, UBND các địa phương, giám đốc các sở, ngành, đơn vị trong tỉnh chuẩn bị sẵn sàng về phương tiện, lực lượng, vật tư theo phương châm 4 tại chỗ để chủ động ứng phó.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan chỉ đạo tại buổi họp trực tuyến.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan chỉ đạo tại buổi họp trực tuyến.

Kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan đề nghị các bộ ngành, địa phương có tinh thần chủ động ứng phó bão; tuyệt đối không được chủ quan, phải nỗ lực cao nhất để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị các địa phương, đơn vị liên quan kêu gọi và hướng dẫn tàu thuyền di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn. Không để người dân ở lại trên lồng bè, chòi canh khi bão đổ bộ. Mặt khác, có phương án đảm bảo an toàn cho du khách và cư dân tại các đảo. Tùy theo diễn biến của bão, các địa phương từ Quảng Ninh đến Phú Yên cần chủ động ban hành lệnh cấm biển và hạn chế các hoạt động tập trung đông người.

Bộ trưởng cũng yêu cầu các địa phương phải kiểm tra và rà soát khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng có nguy cơ ngập lụt, sạt lở, để chủ động di dời và sơ tán người dân đến nơi an toàn. Đồng thời, tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát giao thông tại các ngầm, tràn và khu vực ngập sâu, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không đảm bảo an toàn…

Toàn tỉnh có trên 2.300 tàu cá đang hoạt động trên biển .

Theo kiểm tra, kiểm đếm, tổng hợp báo cáo của Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Bình Thuận, tính đến 9 giờ ngày 25/10: tổng số tàu thuyền toàn tỉnh: 9.669 tàu/49.744 lao động. Tổng số đang hoạt động trên biển là 2.346 tàu/12.268 lao động, trong đó tàu thuyền đánh bắt xa bờ 293 tàu/2.675 lao động (đã được liên lạc, nắm bắt thông tin về bão), khu vực hoạt động ở các vùng biển Trường Sa DK1, Côn Đảo, Phú Quốc. Tàu đánh bắt ven bờ 2.053 tàu/9.593 lao động (đi về trong ngày). Đang neo đậu tại các bến:7.322 tàu/37.476 lao động. Không có tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực, vùng nguy hiểm của bão. Ngoài ra, tàu thuyền các tỉnh bạn đang neo đậu trong tỉnh 64 tàu/360 lao động.Đối với các phương tiện tàu vận tải thủy nội địa 48 phương tiện/252 thuyền viên.Về nuôi trồng thủy sản: Nuôi lồng bè nước ngọt trên sông, hồ 684 lồng/49 hộ; nuôi nước lợ 787 ha/380 hộ; Nuôi lồng bè trên biển 3.081 lồng/129 hộ. Cơ sở sản xuất giống 760 trại/127 cơ sở.

Hiện nay UBND các địa phương đã thông báo cho các chủ bè biết tình hình thời tiết, sóng to, gió mạnh và ảnh hưởng của bão TRAMI để gia cố, chằng buộc an toàn. Để chủ động phòng tránh bão số 6, các địa phương đã rà soát, cập nhật kế hoạch di dời, sơ tán dân khi có bão đổ bộ xảy ra. Theo đó, kế hoạch khi bão đổ bộ trực tiếp, toàn tỉnh có kế hoạch di dời 49.460 khẩu/13.743 hộ, của 7 địa phương. Trong đó huyện Tuy Phong 6.013 khẩu/2.126 hộ; Bắc Bình 11.197 khẩu/2.807 hộ; Tp. Phan Thiết 11.557 khẩu/3.536 hộ; TX. La Gi 3.619 khẩu/846 hộ; Phú Quý 991 khẩu/219 hộ; Hàm Tân 7.838 khẩu/2.161 hộ; Hàm Thuận Nam 6.942 khẩu/1.735 hộ.

KIỀU HẰNG

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/hop-truc-tuyen-trien-khai-ung-pho-voi-bao-so-6-125174.html