'Hot nữ sinh 2k1' siêu song ngữ Anh - Trung, đỗ học bổng du học thạc sĩ trường top đầu Trung Quốc

Sở hữu vẻ ngoài ưa nhìn, Lê Thanh Hà khiến nhiều người ngưỡng mộ trước loạt thành tích ấn tượng, biết thành thạo hai ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Trung, đỗ học bổng du học thạc sĩ trường tp đầu ở Trung Quốc.

Lê Thanh Hà (sinh năm 2001), vừa tốt nghiệp loại Giỏi, ngành Ngôn ngữ Anh, trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội). Vào tháng 9/2023, cô sẽ chọn trường ĐH Trung Sơn (Trung Quốc) là điểm đến tiếp theo trong hành trình học tập của mình.

Thanh Hà cho biết, bản thân xuất phát điểm là dân chuyên Anh, với bảng điểm IELTS 7.0 (tháng 4/2923) và việc bén duyên với ngôn ngữ Trung cũng khá tự nhiên. Lúc đầu, cô bạn thích bài hát 答案 (tạm dịch: Đáp án) và cứ tập tành học thử cho biết, nhưng càng học càng có động lực theo đuổi học tiếng Trung đến tận bây giờ.

Thời gian đầu, Hà tận dụng mối quan hệ với bạn bè người Trung để nhờ họ dạy và chỉnh sửa cách phát âm, rồi cô nàng tự mua sách về tự học. Về sau, Hà đầu tư toàn bộ thời gian, công sức tự học bài bản để nâng cao trình độ. Sau khi đạt mức HSK 3, Hà tiếp tục học lên HSK 4, HSK 5, và trong vòng 2 năm để đạt chứng chỉ HSK 6.

Từ năm thứ ba đại học, Thanh Hà có sự chuẩn bị kỹ cho hành trình du học.

Từ năm thứ ba đại học, Thanh Hà có sự chuẩn bị kỹ cho hành trình du học.

Nữ sinh cho rằng, việc bản thân đạt chứng chỉ tiếng Trung cao như vậy cũng chỉ đảm bảo phần nào về mặt kiến thức ngôn ngữ. Còn việc sử dụng thành thạo tiếng Trung thì người học phải tập trung trau dồi, sử dụng hàng ngày.

Về phương pháp học, Thanh Hà chia sẻ, mỗi bạn sẽ có nền tảng học tập và trải nghiệm khác nhau. Với Thanh Hà, việc nắm chắc kiến thức tiếng Anh giúp cô bạn tìm được mẹo ghi nhớ, liên tưởng khi bắt đầu học tiếng Trung.

Hà nói: “Trong 4 kỹ năng Nghe - Viết - Đọc - Nói, ban đầu, mình cũng như nhiều bạn gặp khúc mắc ở phần viết, ghi nhớ mặt chữ. Mình đã áp dụng việc ghi nhớ chữ Hán thông qua câu chuyện bộ thủ. Chẳng hạn, chữ 妈 (mẹ) sẽ bao gồm 马 (ngựa) và 女 (người con gái, người phụ nữ). Từ đó, mình có thể liên tưởng ghi nhớ từ vựng theo cách vui vui là: Mẹ là người phụ nữ cưỡi ngựa”, Hà giải thích.

Việc lựa chọn học ở Trung Quốc hun đúc trong Hà từ khi bắt đầu đam mê ngôn ngữ. Tuyệt vời hơn, cô bạn mong muốn hiện thực hóa ước mơ đặt chân đến Trung Quốc để trau dồi ngôn ngữ, trải nghiệm văn hóa, đời sống bản địa. “Theo mình tìm hiểu, Trung Quốc có truyền thống hiếu học, họ đầu tư rất nhiều vào giáo dục. Lợi thế về tiếng Trung khiến mình nghĩ ngay đến việc học tại đất nước tỷ dân. Trường học có chất lượng tốt, lại gần Việt Nam, chi phí không quá đắt đỏ. Hơn nữa, khi sang học, mình sẽ không mất nhiều thời gian làm quen vì văn hóa hai nước không quá khác biệt”, Hà chia sẻ.

Hành trình chuẩn bị hồ sơ ứng tuyển du học Trung Quốc, Thanh Hà chuẩn bị khi còn là sinh viên năm thứ ba. Cô bạn tìm hiểu các trường đại học, ngành học, chương trình học, từ đó, Hà đặt ra mục tiêu và làm hồ sơ ứng tuyển phù hợp.

Khi viết luận, Hà viết sơ lược kể về thành tích của mình. Đồng thời, cô bạn tập trung vào việc giải thích lý do theo đuổi ngành học ứng tuyển và định hướng tương lai. Nhờ sự giúp đỡ từ thầy cô và những người bạn, Hà cắt gọn bài luận từ 7.000 chữ còn khoảng 2.000 chữ, hoàn thiện chỉn chu về mặt nội dung, câu cú, ngữ pháp…

Tham gia vòng phỏng vấn, Hà tự tin trình bày khéo léo về bản thân, những dự án cộng đồng và những thành tích học tập mà mình đạt được với ban tuyển sinh. “Hôm đó, mình phỏng vấn 10 câu thì trừ câu giới thiệu bản thân, 9 câu còn lại đều là hỏi về chuyên môn. Mình có tham khảo các bài review phỏng vấn trong các hội nhóm du học Trung Quốc và đọc qua 2 cuốn sách chuyên ngành. Tuy nhiên, mình vẫn hơi choáng với độ khó của câu hỏi. Mình tùy cơ ứng biến trình bày rõ ràng, mạch lạc và mong muốn trau dồi kiến thức khi đậu học bổng vào trường”, Hà cho biết.

Kết quả, quá trình ứng tuyển học bổng, nữ sinh đã nhận được giấy báo đỗ của nhiều trường: ĐH Nam Kinh, ĐH Đông Nam, ĐH Tứ Xuyên, ĐH Thiên Tân… Và hiện tại, cô bạn quyết định theo đuổi giấc mơ vào ĐH Trung Sơn, với học bổng Chính phủ hệ Thạc sĩ.

Thanh Hà chụp ảnh cùng bố trong ngày tốt nghiệp đại học.

Thanh Hà chụp ảnh cùng bố trong ngày tốt nghiệp đại học.

Thanh Hà cảm thấy may mắn khi bố mẹ luôn đồng hành và ủng hộ mọi quyết định. Sự tự tin, tự do làm điều mình thích của Hà cũng được truyền cảm hứng từ phụ huynh. Ngoài việc học tập, nữ sinh 2K1 còn dành thời gian tham gia các hoạt động xã hội: Thành viên dự án Vì cuộc sống tươi đẹp hiến máu, tặng tóc, tặng đồ chơi cho mảnh đời kém may mắn; tình nguyện viên hội thảo du học Ước mơ trong tầm tay tập hợp 52 trường đại học Trung Quốc ở Việt Nam…

Bên cạnh đó, nữ sinh cùng những người bạn thành lập dự án học thuật Trơn tru hội, nhằm truyền đạt những kinh nghiệm xây dựng hồ sơ ứng tuyển vào các trường đại học tốp đầu Trung Quốc.

Còn về lời khuyên cho các bạn trẻ, Thanh Hà chia sẻ, nếu bạn đam mê ngôn ngữ, ước mơ du học Trung Quốc thì hãy mạnh dạn apply hồ sơ. “Dù kết quả thành công hay thất bại, thì chặng đường cố gắng là kỷ niệm đẹp của mỗi người. Đôi khi, việc apply thất bại không phải do bạn chưa đủ giỏi hay chưa đủ nỗ lực, mà thời điểm đó, bạn chỉ thiếu chút may mắn. Nếu bạn vẫn đam mê học ngôn ngữ thì hãy kiên trì theo đuổi ước mơ đến cùng, quả ngọt chờ bạn ở cuối hành trình”, Hà tâm sự.

Bình Nguyễn

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/hot-nu-sinh-2k1-sieu-song-ngu-anh-trung-do-hoc-bong-du-hoc-thac-si-truong-top-dau-trung-quoc-post1557941.tpo