HTX khó vượt 'rào cản' đầu tư vào nông nghiệp hiện đại

Việc người dân, HTX muốn phát triển nông nghiệp hiện đại, quy mô lớn còn nhiều vướng mắc nên xảy ra tình trạng e dè, ngại ngần. Điều này khiến cho mục tiêu phát triển kinh tế tập thể, HTX cũng như phát triển nông nghiệp chưa đạt được như kỳ vọng.

Để góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới vào năm 2050 theo định hướng của Chính phủ, các HTX cần phải đổi mới nhiều mặt từ nhân lực, công nghệ, quản lý, phương thức tiếp cận thị trường, tư duy…

Khó khăn khách quan

Nhiều HTX nắm được điều đó nhưng trong quá trình đầu tư không phải lúc nào cũng thuận lợi. Ông Sơn Văn Luận, Chủ tịch HĐQT HTX Thanh Ngọc (Vĩnh Long), cho biết dù khoai lang đã chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc nhưng người dân, thành viên HTX chưa được hưởng lợi nhiều. Bởi sau một thời gian rớt giá, khó tiêu thụ, người dân đã chuyển đổi sang nhiều loại cây trồng khác khiến diện tích khoai lang bị thu hẹp.

Chính vì vậy mà có thể trong ngắn hạn sẽ xảy ra tình trạng thiếu khoai lang số lượng lớn để xuất khẩu. Việc thu hút người dân quay trở lại đầu tư cho cây khoai lang cũng sẽ gặp khó khăn vì nhiều hộ đã chuyển đổi sang trồng cây ăn quả lâu năm.

Có cơ hội đầu ra rõ ràng nhưng HTX Thanh Ngọc lại gặp khó khăn về việc thu hút người dân quay trở lại đầu tư cho cây khoai lang nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ xuất khẩu. Điều này cũng giống với nhiều HTX trồng tiêu, trồng cà phê.

Đáng chú ý, đã có một số HTX nông nghiệp muốn đầu tư máy bay không người lái (drone) để làm dịch vụ phun thuốc cho cây trồng, đáp ứng sản xuất quy mô lớn. Nhưng thay vì lo lắng về chi phí đầu tư có thể lên đến 500 triệu đồng/máy, nhiều HTX lại gặp khó khăn về cơ chế.

Nếu mua flycam, chủ đầu tư không gặp quá nhiều khó khăn và yêu cầu khi đưa vào vận hành nhưng khi mua máy bay không người lái, HTX phải làm thủ tục đăng ký như đăng ký phương tiện và khu vực bay, mục đích sử dụng giống như đăng ký giấy phép hành nghề (nếu dùng cho ruộng nhà thì không phải đăng ký). Điều quan trọng là nhiều HTX chưa hiểu hết về quy trình đăng ký và những vấn đề cấm liên quan. Vì vậy, để được cấp chứng nhận cho máy bay không người lái cũng không hề nhanh chóng.

Ngoài ra, khi mua máy bay không người lái về làm dịch vụ phun thuốc, HTX cũng phải thực hiện đóng thuế. Trong khi nếu như trước đây, giá làm dịch vụ này vào khoảng 200.000 đồng/ha thì nay do tính cạnh tranh, nhiều người đầu tư phương tiện này, nên giá dịch vụ ở một số vùng thuộc Đồng bằng sông Cửu Long chỉ còn 130.000-150.000 đồng/ha. Và người dân chủ yếu “nợ đến cuối vụ thu hoạch mới có tiền trả”.

Diện tích khoai lang được quy hoạch ở Long An đang bị thu hẹp vì người dân chuyển sang trồng rau màu và cây ăn quả.

Diện tích khoai lang được quy hoạch ở Long An đang bị thu hẹp vì người dân chuyển sang trồng rau màu và cây ăn quả.

Đó là chưa kể, nếu drone chẳng may gặp sự cố, phải sửa mỗi lần hết mấy chục triệu, khi thay bộ phận quan trọng cũng sẽ phải xin đính chính bay.

Từ thực tế trên có thể thấy, dù xác định được những ưu điểm, sự cần thiết khi đầu tư vào phát triển nông nghiệp hiện đại nhưng không ít khó khăn khách quan đang kìm hãm sự đầu tư, phát triển của HTX. Trong khi nông nghiệp vốn là lĩnh vực được đánh giá là có rủi ro cao nên lợi nhuận thấp và thậm chí có thể âm. Chính vì vậy mới có so sánh rằng nếu cùng có 500 triệu đồng, nhiều người đã lựa chọn đầu tư vào ngành nghề khác thay vì đầu tư vào làm nông nghiệp.

Cần sửa đổi, bổ sung chính sách

Trên thực tế, nông nghiệp vẫn là một hướng đi chính xác của nhiều người, nhiều nông dân và nhiều HTX, doanh nghiệp. Vì trong tương lai, nông nghiệp sẽ phát triển và có thể giúp nhiều người dân, HTX làm giàu được nếu biết ứng dụng khoa học công nghệ và kỹ thuật. Đây cũng là một lợi thế sẵn có của Việt Nam nếu biết nắm bắt.

Nếu thực hiện so sánh thu nhập của người dân nông thôn ở một số vùng, miền có thể thấy thu nhập của thành viên HTX không hề thấp và có chiều hướng gia tăng. Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, doanh thu bình quân của HTX năm 2022 đạt 3.592 triệu đồng, tăng 35% so với 2021). Thu nhập bình quân lao động thường xuyên trong HTX là 56 triệu đồng/người/năm (tăng khoảng 4 triệu đồng - khoảng 8% so với năm 2021). Trong khi đó, thu nhập bình quân ở khu vực nông thôn năm 2022 chỉ là 3,86 triệu đồng/tháng/người, tương đương 46 triệu đồng/người/năm.

Đó là chưa kể vẫn có những HTX tổ chức sản xuất, tiêu thụ, đầu tư theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, quy mô lớn như HTX bưởi da xanh (Bến Tre), HTX Thanh Bình (Đồng Nai), HTX sinh vật cảnh Sài Gòn (TP HCM)… có giá trị sản xuất lên đến hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Vậy, làm sao để thu hút HTX đầu tư vào nông nghiệp, từ đó tiếp tục nâng cao thu nhập cho thành viên, nông dân? Và các chính sách hỗ trợ HTX cần ra sao để phù hợp với đa số HTX quy mô nhỏ như hiện nay?

Theo các chuyên gia, để khuyến khích HTX và cả doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, cần giảm bớt các khâu trung gian, thủ tục hành chính rườm rà để các chính sách phát triển nông nghiệp và kinh tế tập thể đến được trực tiếp với các HTX. Ngay như mô hình hội quán, tổ hợp tác hiện đang mang lại hiệu quả không nhỏ cho người dân và là một hình thức liên kết hợp tác hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, tiến tới phát triển thành các HTX nhưng hiện chưa có chính sách riêng, cụ thể hỗ trợ cho các mô hình này. Các hoạt động hỗ trợ phần lớn mới chỉ được lồng ghép trong thực hiện nhiệm vụ của sở, ngành và địa phương.

Ông Phạm Ngọc Thạch, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Sunfood Đà Lạt (Lâm Đồng), cho biết hiện nay chưa có chính sách, cơ chế riêng hỗ trợ các HTX nông nghiệp chuyển đổi số. Điều này dẫn đến HTX còn chậm đầu tư, dẫn đến việc chuyển đổi số trên sản phẩm chủ lực của nhiều địa phương còn chưa nhiều, chưa phong phú, chất lượng, mẫu mã cạnh tranh chưa cao, chưa có nhiều sản phẩm đột phá mang giá trị gia tăng và bền vững.

Bên cạnh đó, nhiều chính sách, quy định của Nhà nước còn chưa xem xét đến các vấn đề liên quan của các HTX, chưa có hướng dẫn, quy định cụ thể, gây lực cản cho HTX trong phát triển.

Cụ thể như Luật Điện lực năm 2004 (khoản 1, Điều 63) quy định thời hạn thanh toán đối với điện năng được doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi do hai bên mua, bán điện thỏa thuận nhưng tối đa không quá 120 ngày kể từ ngày nhận được giấy báo thanh toán tiền điện.

Vậy nhưng, nhiều địa phương vẫn cho HTX là đối tượng thuộc phạm vị quy định nêu trên. Trong khi, HTX thu tiền nước tưới của người dân thường vào cuối mỗi vụ thu hoạch nên thanh toán chi phí tiền điện hàng tháng cho đơn vị điện lực gặp nhiều khó khăn.

Huyền Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/htx-kho-vuot-rao-can-dau-tu-vao-nong-nghiep-hien-dai-1092766.html