HTX lúa chuyên canh Long An vẫn vướng vốn để xây dựng vùng lúa phát thải thấp

Với vị trí chiến lược trong Đề án 1 triệu ha lúa phát thải thấp, Long An đang gặp nhiều thách thức khi các HTX và người nông dân còn loay hoay trong vòng xoáy vốn vay và công nghệ. Sự đồng hành và hỗ trợ từ chính sách là điều cần thiết, mang lại niềm hy vọng cho một nền nông nghiệp xanh và bền vững trên cánh đồng lớn.

Chiều 6/11, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam dẫn đầu đoàn công tác đến xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An, khảo sát hoạt động tín dụng và thảo luận cơ chế hỗ trợ các hợp tác xã thực hiện Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030". Đề án này không chỉ kỳ vọng tạo ra vùng sản xuất lúa phát thải thấp, mà còn hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.

HTX là trung tâm sản xuất nhưng vẫn khó tiếp cận nguồn vốn

Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh rằng Đề án đặt trọng tâm vào việc thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân và thành viên hợp tác xã. Trước đây, nông dân chủ yếu tự tổ chức canh tác, tự bán và mua sản phẩm từ những vụ lúa 2-3 mùa. Tuy nhiên, khi tham gia Đề án, người dân và thành viên hợp tác xã cần sản xuất theo quy trình và tổ chức chặt chẽ, với HTX đóng vai trò trung tâm, làm cầu nối cho nông dân hợp tác với các doanh nghiệp.

Để hỗ trợ các hợp tác xã tham gia hiệu quả vào Đề án, Bộ NN&PTNT đang hoàn thiện quy trình canh tác lúa bền vững và xây dựng hệ thống đo lường giảm phát thải. Những quy trình này rất quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả của Đề án, đồng thời giảm thiểu phát thải – một yếu tố mà cộng đồng quốc tế hiện rất quan tâm. Song song đó, các sản phẩm của HTX và doanh nghiệp trong Đề án cũng cần đáp ứng các tiêu chuẩn xanh để dễ dàng tiếp cận thị trường quốc tế.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng HTX là trung tâm để sản xuất và tiếp cận nguồn vốn.

Qua thực hiện thí điểm quy trình sản xuất lúa bền vững tại một số địa phương, kết quả đã chứng minh tính hiệu quả đáng kể với năng suất lúa tăng từ 20-30%, chi phí sản xuất giảm từ 20-30%, và khí thải giảm được 6 tấn CO₂ trên mỗi héc-ta.

Hiện nay, các hợp tác xã (HTX) tham gia Đề án chủ yếu tận dụng nguồn lực có sẵn từ thành viên và nguồn vốn huy động từ địa phương. Dù Bộ NN&PTNT đang xây dựng cơ chế giải ngân vốn vay cho các mô hình sản xuất theo Đề án, quá trình này dự kiến phải đến năm 2026 mới hoàn thành.

Đơn cử tại HTX nông nghiệp Gò Gòn (Vĩnh Long), dù có 120 hộ thành viên với diện tích 464 ha và đã đạt chứng nhận VietGAP cho trên 380 ha, HTX vẫn đối mặt với khó khăn lớn về tài chính và hạ tầng. Vì không có tài sản thế chấp, HTX rất khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng để đầu tư cho máy móc và vật tư sản xuất.

Trước thực trạng này, HTX kiến nghị các cơ quan chuyên môn, Ngân hàng Nhà nước và chính quyền địa phương hỗ trợ vay vốn thông qua các hình thức như thế chấp hợp đồng liên kết, giúp HTX đầu tư máy móc và nguyên vật liệu theo quy trình sản xuất của Bộ NN&PTNT.

Theo Bí thư Huyện ủy Tân Hưng Trương Hải Đăng, mô hình “3 giảm 3 tăng” tại địa phương đã cải thiện năng suất hơn 500 kg/ha và nâng cao chất lượng lúa. Huyện đặt kế hoạch đến năm 2025 sẽ triển khai 4 mô hình với diện tích 100 ha, hướng đến mục tiêu đăng ký 31.310 ha sản xuất bền vững vào năm 2030. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả, huyện mong nhận được hỗ trợ vốn nhằm đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất như trạm bơm điện, giao thông nội đồng, và đê bao, đảm bảo khả năng bơm rút nước linh hoạt trong vùng sản xuất.

Hóa giải khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, Đề án nhận được sự quan tâm đặc biệt từ Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và các tổ chức quốc tế, với mục tiêu nâng cao thu nhập cho nông dân và thành viên hợp tác xã (HTX) thông qua việc tham gia các mô hình sản xuất dưới sự dẫn dắt của HTX.

Theo đó, Thứ trưởng Trần Thanh Nam yêu cầu huyện Tân Hưng tiếp tục mở rộng diện tích các mô hình điểm từ 25 ha lên 50-60 ha, tạo điều kiện thuận lợi trong việc điều tiết nguồn nước, ký kết hợp đồng và gia tăng hiệu quả chuỗi giá trị. Đồng thời, huyện cần xem xét việc hợp nhất các HTX để tối ưu hóa việc sử dụng máy móc và cơ sở hạ tầng, nâng cao hiệu quả sản xuất chung.

Đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ NNPTNT dẫn đầu thăm và làm việc tại HTX Gò Gòn ở huyện Tân Hưng, Long An.

Đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ NNPTNT dẫn đầu thăm và làm việc tại HTX Gò Gòn ở huyện Tân Hưng, Long An.

Với HTX Nông nghiệp Gò Gòn, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị Ban Giám đốc HTX cần phải năng động và có năng lực điều hành, bởi đây là yếu tố quan trọng giúp các chính sách của Nhà nước được triển khai một cách hiệu quả và phù hợp, từ đó giúp giải quyết khó khăn cho người nông dân.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, HTX cần xây dựng kế hoạch sản xuất rõ ràng và có kế toán để đảm bảo tính minh bạch trong quá trình sản xuất và kinh doanh, từ đó tạo dựng niềm tin và thu hút sự hợp tác từ người dân cũng như các doanh nghiệp.

Một yếu tố quan trọng khác là HTX cần phát triển vùng nguyên liệu lớn để có thể ứng dụng công nghệ và thiết lập mối liên kết với doanh nghiệp. Khi có vùng nguyên liệu lớn và sản xuất theo quy trình chuẩn, HTX sẽ dễ dàng thu hút doanh nghiệp và có quyền chủ động trong việc đấu giá, lựa chọn doanh nghiệp có giá hợp lý. Để đạt được điều này, việc có sự đồng thuận của toàn bộ cộng đồng và thành viên trong HTX là yếu tố tiên quyết.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng nhấn mạnh, Nhà nước sẽ coi HTX là trung tâm để triển khai giải ngân nguồn vốn, nhưng điều kiện cần thiết là phải có hợp đồng liên kết giữa HTX và doanh nghiệp, để ngân hàng có thể giải ngân cho cả hai bên.

Để thực hiện cơ giới hóa, sự tham gia của chính quyền địa phương là rất quan trọng. Chính quyền cần xác định rõ HTX nào có đủ năng lực để triển khai cơ giới hóa trước, từ đó tập trung đầu tư và hỗ trợ. Điều này sẽ tránh tình trạng đầu tư phân tán, gây lãng phí khi máy móc không được sử dụng hết công suất. Việc đầu tư máy móc cần được tính toán kỹ lưỡng và phù hợp với nhu cầu thực tế, vì sản xuất vẫn phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên. Nếu không có sự tính toán cẩn thận, hiệu quả của nguồn vốn sẽ khó đạt được.

Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Hoàng Minh Ngọc cho rằng, việc làm sao để nguồn vốn đến tay người dân và HTX một cách nhanh chóng là một thách thức cần giải quyết.

Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Hoàng Minh Ngọc cho rằng, việc làm sao để nguồn vốn đến tay người dân và HTX một cách nhanh chóng là một thách thức cần giải quyết.

Về vấn đề vốn, theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Thị Ngọc Lan, để hỗ trợ HTX vay vốn, trước tiên HTX phải cung cấp thông tin rõ ràng về số lượng thành viên và diện tích canh tác. Chẳng hạn, HTX Gò Gòn có diện tích 464 ha, nhưng nếu HTX có thể liên kết với các tổ hợp tác để mở rộng sự tham gia của các thành viên bên ngoài, thì HTX phải chứng minh rõ ràng số thành viên chính thức và diện tích sản xuất của họ. Với lượng thành viên đó, nếu diện tích sản xuất lớn, HTX có thể nhận được hỗ trợ vốn đầu tư máy móc hợp lý.

Ngoài ra, việc các HTX liên kết với nhau để tạo thành quy mô lớn cũng là yếu tố quan trọng, giúp việc tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng trở nên dễ dàng hơn.

Về liên kết chuỗi, hiện nay có hai dạng chính: một là doanh nghiệp cung cấp đầu vào ký hợp đồng với HTX, đồng thời doanh nghiệp đó cũng ký hợp đồng với HTX về đầu ra. Liên kết này giúp việc kiểm tra của ngân hàng và các cơ quan chức năng trở nên thuận tiện hơn, vì chỉ cần kiểm tra một doanh nghiệp thay vì nhiều doanh nghiệp cùng lúc. Vì vậy, ưu tiên sẽ dành cho doanh nghiệp vừa cung ứng đầu vào vừa ký kết đầu ra. Trong khi đó, nếu chỉ có doanh nghiệp ký kết đầu vào, với nhiều doanh nghiệp ký kết đầu ra, sẽ tạo ra khó khăn cho các ngân hàng trong việc hỗ trợ tín dụng.

Một vấn đề hiện nay mà các HTX quan tâm là làm thế nào để xây dựng niềm tin để ngân hàng có thể cho vay vốn. Bên cạnh tư cách pháp nhân của HTX, yêu cầu về hợp đồng liên kết cũng là yếu tố quan trọng. Tuy nhiên, thực tế tại các HTX hiện nay là diện tích sản xuất liên kết vẫn còn nhỏ lẻ và việc tiêu thụ sản phẩm còn chậm, điều này khiến ngân hàng lo ngại. Thêm vào đó, việc cơ giới hóa sản xuất chưa được triển khai thuận lợi, gây khó khăn trong việc sản xuất và khiến ngân hàng e ngại khi cho vay vốn.

Trước tình hình này, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Hoàng Minh Ngọc cho rằng, việc làm sao để nguồn vốn đến tay người dân và HTX một cách nhanh chóng là một thách thức cần giải quyết.

Một thuận lợi hiện nay là Bộ NN&PTNT và chính quyền địa phương đã thực hiện việc sàng lọc và lựa chọn các HTX điển hình tham gia Đề án. Thực tế, ngân hàng đã từng cho vay các dự án nông nghiệp với số vốn lên tới nghìn tỷ đồng, nhưng vấn đề không chỉ nằm ở việc cho vay mà còn ở việc giám sát quá trình thực hiện các dự án này.

Do đó, đối với các HTX quy mô lớn, có hàng trăm thành viên, cần đảm bảo sự minh bạch trong thu chi. Nếu các thành viên đồng lòng và có sự phối hợp chặt chẽ, việc tiếp cận vốn sẽ trở nên thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, chỉ khi phát triển chuỗi liên kết với các điều kiện cụ thể, các đơn vị tham gia thực hiện đồng hành với trách nhiệm, mới có thể mang lại hiệu quả lâu dài.

Huyền Trần

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/htx-lua-chuyen-canh-long-an-van-vuong-von-de-xay-dung-vung-lua-phat-thai-thap-1103507.html