HTX Nông trại hữu cơ Vân Hồ: Nâng cao giá trị sản phẩm từ quy trình sản xuất xanh, sạch

Thời điểm này, các thành viên Hợp tác xã Nông trại hữu cơ Vân Hồ, bản Pa Cốp, xã Vân Hồ tích cực chăm sóc diện tích cam đường canh trong thời kỳ nuôi quả, hứa hẹn một mùa vụ bội thu. Từ việc phát triển sản xuất theo quy trình xanh, sạch, cam ở đây có vị thơm, ngọt đậm, an toàn, được nhiều người tiêu dùng ưa thích.

Thành viên HTX Nông trại hữu cơ Vân Hồ chăm sóc cây cam đường canh.

Thành viên HTX Nông trại hữu cơ Vân Hồ chăm sóc cây cam đường canh.

Sau nhiều năm lăn lộn với nghề nông, sản xuất manh mún, thị trường tiêu thụ không ổn định đã khiến anh Vũ Hùng Cường ấp ủ ý tưởng thành lập HTX với mong muốn làm “bà đỡ” cho các hộ nông dân để liên kết phát triển thành sản xuất hàng hóa tập trung. Ban đầu, 7 thành viên có chung suy nghĩ, sở thích đã tự nguyện tụ hợp, tháng 1 năm 2018, HTX Nông trại hữu cơ Vân Hồ chính thức được thành lập, đi vào hoạt động do anh Cường làm giám đốc. Sau gần 2 năm hoạt động, hiện HTX có 10 thành viên, với ngành nghề chính là trồng, kinh doanh sản phẩm cây ăn quả có múi, các thành viên tham gia trồng 16 ha cam đường canh, 5 ha cây bưởi ruby và cam Vinh. Trao đổi với chúng tôi, anh Vũ Hùng Cường, Giám đốc HTX cho biết: Xác định chất lượng sản phẩm, niềm tin của người tiêu dùng là yếu tố quyết định đến sự phát triển bền vững của HTX, do vậy, trong quy trình chăm sóc cây trồng, nhất là với cây cam đường canh, các thành viên luôn coi trọng sản xuất sạch, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học. Chế phẩm HTX dùng để phun cho toàn bộ diện tích cây cam đường canh, cam Vinh được nhập từ Nhật, là dạng nấm sinh học. Cùng với đó, định kỳ cho cây cam “ăn” đậu tương, ngô nghiền nhỏ ủ chung với nấm phân giải hữu cơ.

Để liên kết phát triển sản xuất lớn, HTX đã đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đầu tư lắp đặt hệ thống tưới phun mưa; chăm sóc, thu hoạch đúng quy trình. Đặc biệt, các thành viên trong HTX đều triển khai quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và nguyên tắc “bốn đúng”, với những yêu cầu nghiêm ngặt trong sử dụng chế phẩm sinh học, phân bón, cải tạo đất. Điển hình, trong quá trình chăm sóc cây trồng, các thành viên HTX đã thống nhất đẩy mạnh cơ giới hóa, trang bị đầy đủ các loại phương tiện, dụng cụ bảo hộ lao động; ghi nhật ký cây trồng, cách sử dụng các loại phân bón hữu cơ, nấm sinh học theo đúng quy trình, liều lượng và được kiểm tra định kỳ.

Chúng tôi về tìm hiểu quy trình sản xuất xanh, sạch của HTX đúng dịp đoàn cán bộ và nông dân của xã Mường Men (Vân Hồ) đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm chăm sóc, phát triển cây cam đường canh. Theo Giám đốc HTX và các chủ vườn chia sẻ về kỹ thuật: Để vườn cam đạt hiệu quả cao, cần chủ động nguồn nước tưới cũng như việc tiêu thoát nước vào mùa mưa. Vườn cam phải được làm luống, đào rãnh chống úng, khoảng cách giữa các luống đối với cam Vinh 5x5 m, cam đường canh 5x5 m, cây bưởi 8x8 m. Các loại phân bón cho cam thường là phân chuồng, phân gà, mùn mày ngô ủ cùng rơm rạ, xử lý kỹ về nấm, bệnh trước khi đem bón. Chu kỳ bón thường vào tháng 12 sau khi thu hoạch quả và tháng 4 năm sau để thúc quả. Vào mùa mưa, vườn cam xuất hiện nhiều sâu bệnh nên phải thường xuyên theo dõi để phòng bệnh cho cây kịp thời; dùng các bẫy, bả treo trên cành cây để đuổi sâu, bướm, ruồi vàng có hại...

Thành viên HTX Nông trại hữu cơ Vân Hồ chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cây cam đường canh

cho nông dân xã Mường Men.

Sở hữu 8,5 ha trồng cam đường canh, ông Đỗ Quý Hạnh, thành viên HTX Nông trại hữu cơ Vân Hồ, cho biết: Với phương thức sản xuất khoa học, năng suất và chất lượng quả cam được gia tăng đáng kể. Năm 2018, hơn 3 ha cam cho thu hoạch, gia đình tôi thu về hơn 22 tấn cam đường canh, giá bình quân ở mức 35.000 đồng/kg và 9 tấn cam Vinh, có giá 25.000 đồng/kg, trừ chi phí vườn cam cho lợi nhuận trên 900 triệu đồng. Cây cam là giống cây khó tính, mất nhiều công sức chăm sóc, chi phí đầu tư lớn. Vì vậy, cái lợi khi tham gia HTX không chỉ ở kinh tế, tham gia liên kết với HTX, chúng tôi được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch quả theo tiêu chuẩn VietGAP và được đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Không giấu kiến thức, kinh nghiệm và biện pháp kỹ thuật tự mày mò nghiên cứu được làm của riêng, tôi còn thường xuyên mời mọi người đến tham quan vườn, chia sẻ, phổ biến kỹ thuật chăm sóc cây. Đồng thời, tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động thời vụ với 200 nghìn đồng/người/ngày.

Năm nay, dù thời tiết ảnh hưởng đến sản xuất, song HTX dự kiến vẫn thu khoảng trên 40 tấn cam đường canh, 8 tấn cam Vinh, sẵn sàng cung cấp vào hệ thống siêu thị VinEco, Big C và một số chuỗi siêu thị theo đơn đặt hàng. Quyết tâm của HTX trong thời gian tới là tiếp tục phát triển thêm thành viên, triển khai đăng ký thương hiệu cho sản phẩm cam đường canh và đưa toàn bộ diện tích cam của HTX cũng như một số hộ lân cận trồng theo quy trình ViepGAP để giữ uy tín chất lượng sản phẩm trên thị trường.

Mạnh Hùng

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/htx-nong-trai-huu-co-van-ho-nang-cao-gia-tri-san-pham-tu-quy-trinh-san-xuat-xanh-sach-26266