HTX Tâm Tín sản xuất hiệu quả, bền vững

Với mục đích liên kết sản xuất, kinh doanh bền vững, tháng 8/2018, một số hộ ở xã Gia Phù (Phù Yên) đã thành lập HTX Tâm Tín, chủ yếu hoạt động khai thác và chế biến cây lâm nghiệp và một số ngành nghề khác.

HTX Tâm Tín, xã Gia Phù (Phù Yên) sản xuất ván bóc.

HTX Tâm Tín, xã Gia Phù (Phù Yên) sản xuất ván bóc.

Ông Cầm Hoài Thanh, Giám đốc HTX chia sẻ: Hiện, HTX có 8 thành viên, HTX đã thực hiện kết nối, đầu tư, xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động địa phương.

Tìm hiểu được biết, thời gian đầu, HTX chủ yếu sản xuất và chế biến lâm sản. Đầu năm nay, HTX đã ký hợp đồng với các hộ dân địa phương để thuê đất và lao động, triển khai trồng rừng sản xuất tại bản Nà Mạc, xã Gia Phù. HTX hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật để người dân trồng và chăm sóc rừng. Hiện, HTX đang liên kết với 56 hộ dân thực hiện chăm sóc khoảng 200 ha rừng sản xuất, chủ yếu là cây gáo vàng, loại cây có chu kỳ kinh doanh ngắn, khả năng tái sinh cao, thu hoạch từ 4-5 lứa một lần trồng. Sau 5 năm trồng, cây gáo vàng cho thu hoạch khoảng 600 m³/ha, trị giá khoảng 600 triệu đồng. Cây gáo vàng được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, cây từ 1-4 năm thì dùng làm nguyên liệu sản xuất than, giấy; cây lâu năm thì sản xuất đồ gỗ nội thất, vật liệu xây dựng. Bên cạnh đó, HTX đang chuẩn bị đưa giống cây tếch lai (giống ghép gen của Canada) vào trồng tại một số xã trên địa bàn huyện để xuất khẩu. Để phục vụ sản xuất, HTX đã mở 16 km đường trục chính vào khu sản xuất tại bản Nà Mạc, xã Gia Phù; đồng thời, xây dựng xưởng chế biến bóc ván ép.

Bên cạnh đó, sau khi nghiên cứu mô hình trồng cây gai xanh để sản xuất sợi dệt vải của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu An Phước (Hà Nội) mang lại hiệu quả kinh tế tại nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh, HTX đã ký hợp đồng với Công ty triển khai trồng 50 ha cây gai xanh tại huyện Phù Yên. Hợp đất, hợp khí hậu, cây gai xanh phát triển rất tốt, sau 2-3 tháng trồng đã cho thu hoạch lứa đầu tiên, từ lứa thứ 2 trở đi cho thu hoạch sau 40 đến 50 ngày. Trung bình, 1 ha cây gai xanh cho thu từ 800-1.000 kg vỏ khô, trị giá 30-40 triệu đồng; mỗi năm thu hoạch được 4-5 lứa. Với ưu điểm chi phí đầu tư thấp, hiệu quả kinh tế cao, thu hoạch nhanh, trồng một lần sẽ thu hoạch trong vòng 10 năm, HTX đã vận động các thành viên, các hộ dân tham gia chuỗi liên kết trồng cây gai xanh. Theo hợp đồng, các hộ dân tham gia chuỗi được Công ty An Phước hỗ trợ giống, chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc; HTX hỗ trợ xe vận chuyển, tới tận vườn thu mua sản phẩm, hiện đã có 16 hộ tại 4 xã trên địa bàn huyện tham gia trồng cây gai xanh.

Việc hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế, tính riêng 6 tháng cuối năm 2018, doanh thu HTX đạt 800 triệu đồng. Từ năm 2019, trung bình HTX thu 100 triệu đồng/tháng; thu nhập của người lao động bình quân 4-6 triệu đồng/người/tháng. Thời gian tới, HTX dự kiến xây dựng nhà xưởng, đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động sơ chế, chế biến cây gai xanh, để cung cấp nguyên liệu cho Công ty An Phước. Bên cạnh đó, tận dụng các phụ phẩm để ủ phân hữu cơ vi sinh; tìm đối tác thu mua lá cây gai xanh, giúp các hộ trồng tận thu lá để tăng thu nhập. HTX cũng đang tích cực phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về tiềm năng, hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng cây gai xanh và trồng rừng sản xuất, vận động thêm nhiều hộ dân tham gia các chuỗi liên kết để mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả sản xuất, mục tiêu từng bước phát triển nông, lâm nghiệp bền vững.

Lê Hạnh (CTV)

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/htx-tam-tin-san-xuat-hieu-qua-ben-vung-26894