Huấn luyện chuột đánh hơi sừng tê giác và vảy tê tê buôn lậu
Chuột có thể là vũ khí mới nhất được triển khai trong cuộc chiến chống nạn buôn bán động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng, theo một nghiên cứu về loài gặm nhấm được huấn luyện để đánh hơi vảy tê tê, sừng tê giác, ngà voi và gỗ cứng.
Theo trang The Guardian (Anh), các nhà nghiên cứu đã huấn luyện 8 con chuột túi khổng lồ châu Phi để đánh hơi hàng lậu, ngay cả khi số hàng này được giấu cùng đậu phộng, lá cây, tóc giả và bột giặt.
Các nhà khoa học tại Apopo, tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Tanzania do Bỉ thành lập, đã nghiên cứu những con chuột này. Họ cho biết loài gặm nhấm này cũng đánh hơi được cả mìn và bệnh lao.
Được đặt theo tên của các nhà bảo tồn, trong đó có David Attenborough, những con chuột này ban đầu sẽ được thưởng một viên thức ăn nếu chúng “đánh hơi” trong 3 giây mẫu vảy tê tê, gỗ, sừng tê giác hoặc ngà voi.
Trong cuộc mô phỏng, những con chuột mặc áo màu đỏ, được gắn một chiếc máy cảnh báo ở phía trước. Chúng có thể sử dụng chân trước để cảnh báo người huấn luyện khi phát hiện hàng cấm và chuột sẽ nhận được phần thưởng là thức ăn.
Theo nghiên cứu Apopo công bố trên Tạp chí Frontiers in Conservation Science, những con chuột này có thể phát hiện một cách chính xác tê tê, gỗ và sừng tê giác dù sau 8 tháng không ngửi mùi. Các nhà nghiên cứu cho biết điều này cho thấy chuột có thể nhớ mùi lâu như chó đánh hơi.
Song các nhà nghiên cứu nói rằng kết quả “đánh hơi” ngà voi có thể không chính xác, bởi ngà voi thường được lưu trữ cùng sừng tê giác và những con chuột chỉ được huấn luyện đánh hơi sừng tê giác.
Năm 2023, chuột cũng được đưa vào thử nghiệm trong một mô phỏng thực tế tại cảng Dar es Salaam, thủ đô thương mại của Tanzania. Apopo cho biết những con chuột này đã tìm thấy 85% mẫu động vật hoang dã bất hợp pháp, ngay cả thông qua các lỗ thông hơi trong các container vận chuyển.
Năm 2023, Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế Interpol cho biết, thị trường sản phẩm động vật hoang dã bất hợp pháp có giá trị lên tới 20 tỷ USD mỗi năm.