Hưng Yên đề xuất quy hoạch 7 cảng cạn
Tỉnh Hưng Yên đang tập trung đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư về trung tâm logistics, cảng cạn.
Ngoài 2 cảng cạn được quy hoạch gồm cảng cạn Yên Mỹ (tổng diện tích đến năm 2030 khoảng 5 - 10ha, khoảng 63.050 - 126.100TEU/năm) và cảng cạn Văn Lâm (tổng diện tích đến năm 2030 khoảng 5ha, công suất khoảng 63.050TEU/năm), tỉnh Hưng Yên đề xuất Bộ Giao thông vận tải bổ sung, điều chỉnh 7 cảng cạn khác vào quy hoạch.
Các dự án cụ thể gồm: Cảng cạn Lý Thường Kiệt (thuộc huyện Yên Mỹ và Khoái Châu) với quy mô 82,6ha (giai đoạn I) đã có nhà đầu tư đề xuất; cảng cạn Lạc Hồng (huyện Văn Lâm) quy mô khoảng 30ha, đang giải phóng mặt bằng để đầu tư xây dựng; cảng cạn Văn Lâm (thuộc thị xã Mỹ Hào và huyện Văn Lâm với quy mô 67,9ha, hiện đã có nhà đầu tư đề xuất dự án, xin tài trợ lập quy hoạch); cảng cạn Kim Động (quy mô khoảng 20ha tại huyện Kim Động, đã có nhà đầu tư đề xuất), cảng cạn thông quan logistics Hưng Phát (quy mô 50ha tại huyện Yên Mỹ); cảng cạn Transimex (quy mô khoảng 9,8ha tại huyện Yên Mỹ) , cảng cạn Ân Thi (quy mô 20ha tại huyện Ân Thi, chưa có nhà đầu tư đề xuất).
Lũy kế đến cuối tháng 6/2021, Hưng Yên đã thu hút được 2.018 dự án đầu tư, trong đó có 1.529 dự án trong nước và 489 dự án FDI, tổng vốn đăng ký khoảng 223.670 tỷ đồng và hơn 5,5 tỷ USD.
Riêng lĩnh vực logistics, có 13 dự án ngoài KCN với tổng vốn đăng ký 944 tỷ đồng, 12 dự án đầu tư lĩnh vực logistics trong các KCN còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 128,5 triệu USD và 514 tỷ đồng, trong đó 4 dự án đã đi vào hoạt động.
Một số dự án đầu tư logistics nổi bậ như Cảng ICD – Hưng Yên (Công ty TNHH Ngọc Phong thực hiện, mục tiêu bốc xếp, vận chuyển, bảo quản lưu giữ hàng hóa, diện tích 25ha, đang đền bù giải phóng mặt bằng); Cụm dự án Hưng Yên Logistics Park (I, II và III) lần lượt do các Công ty TNHH Hưng Yên Logistics Park (I, II và III) thực hiện, tổng quy mô khoảng 27ha tại KCN Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ…
Theo đánh giá của Sở Công thương Hưng Yên, đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, quản lý các ngành ở địa phương cũng như ở các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics còn thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng. Hoạt động xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực này còn hạn chế, hiệu quả chưa cao, chưa tổ chức được nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại nhằm giới thiệu tiềm năng của tỉnh, vận động và kêu gọi đầu tư và địa bàn tỉnh.
Một khó khăn khác là chi phí đường bộ quá cao khi vận chuyển từ cảng Hải Phòng về Hưng Yên. Tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trọng điểm của tỉnh, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chưa có hệ thống kho tàng bến bãi hoặc nếu có thì rất thô sơ, không đồng bộ và thiếu các thiết bị bốc xếp chuyên dụng.
Các doanh nghiệp logistics hiện nay tuy đang phát triển khá nhanh về số lượng, quy mô, chất lượng dịch vụ nhưng chủ yếu vẫn tập trung vào khâu vận chuyển hàng hóa, dịch vụ kho bãi, container và một số dịch vụ hải quan khác, chưa đủ khả năng cung cấp các dịch vụ logistics cấp độ cao như: dịch vụ quản lý nguyên vật liệu đầu vào, dịch vụ phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng, dịch vụ cung cấp thông tin thị trường,...
Bên cạnh đó, các nhà cung cấp dịch vụ vẫn chưa có sự phối hợp chặt chẽ hỗ trợ lẫn nhau trong việc cung cấp thông tin thị trường, thông tin khách hàng do đó hoạt động kinh doanh chưa đạt hiệu quả cao.
Theo quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn được Thủ tướng phê duyệt năm 2011, đến năm 2020 cả nước sẽ hình thành 13 cảng cạn. Trong đó, miền Bắc sẽ hình thành 5 cảng cạn tại các khu vực kinh tế, hành lang kinh tế sau.
Khu vực kinh tế ven biển (giai đoạn đến năm 2020 có quy mô khoảng 20 - 30ha và giai đoạn sau năm 2030 có quy mô trên 60ha; phạm vi phục vụ chủ yếu các tỉnh: Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, phía Tây Hà Nội và Hòa Bình; khả năng thông qua hàng hóa khoảng 630 nghìn TEU/năm, chủ yếu qua cảng Hải Phòng và cảng Hòn Gai.
Hành lang kinh tế Hà Nội - Lào Cai: giai đoạn đến năm 2020 quy mô khoảng 20 - 30ha và giai đoạn sau năm 2030 quy mô trên 70ha; phục vụ chủ yếu các tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang và Hà Giang; khả năng thông qua khoảng 720 nghìn TEU/năm, chủ yếu qua cảng Hải Phòng và cảng Hòn Gai.
Hành lang kinh tế Hà Nội - Lạng Sơn: giai đoạn đến năm 2020 quy mô khoảng 20 - 30ha và giai đoạn sau năm 2030 quy mô trên 50ha; phục vụ chủ yếu các tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Giang và Bắc Ninh; khả năng thông qua khoảng 550.000 TEU/năm, chủ yếu qua cảng Hòn Gai và cảng Hải Phòng;
Khu vực kinh tế Tây Bắc Hà Nội: giai đoạn đến năm 2020 quy mô khoảng 10 - 20ha và giai đoạn sau năm 2030 có quy mô trên 40ha; phạm vi phục vụ chủ yếu gồm các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Phú Thọ, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên và Lai Châu; khả năng thông qua khoảng 380.000 TEU/năm, chủ yếu qua cảng Hải Phòng và cảng Hòn Gai;
Khu vực kinh tế Đông Nam Hà Nội: giai đoạn đến năm 2020 có quy mô khoảng 40 - 50 ha và giai đoạn sau năm 2030 có quy mô trên 100 ha; phục vụ chủ yếu gồm các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Nguyên và Bắc Cạn; khả năng thông qua khoảng 1.300.000 TEU/năm.
Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/hung-yen-de-xuat-quy-hoach-7-cang-can-1629826118709.htm