Hungary có thể chuyển sang sử dụng dầu không phải của Nga vào năm 2026

Tập đoàn dầu mỏ Hungary MOL kỳ vọng các nhà máy lọc dầu của mình có thể xử lý cả dầu thô của Nga và nước ngoài vào cuối năm 2026, chậm hơn một năm so với kế hoạch vì một số dự án điều chỉnh đã bị trì hoãn, Giám đốc điều hành cấp cao của MOL cho biết.

Một trạm xăng của công ty dầu mỏ Hungary MOL Group ở Esztergom, Hungary

Một trạm xăng của công ty dầu mỏ Hungary MOL Group ở Esztergom, Hungary

Sau cuộc xung đột ở Ukraine vào năm 2022, Liên minh châu Âu đã cấm các quốc gia thành viên nhập khẩu dầu của Nga, nhưng miễn trừ cho Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc để họ có thể tìm tuyến đường và nguồn cung cấp thay thế.

Nhưng một số người trong khối, gần đây nhất là Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, cho biết Hungary vẫn chưa làm đủ để cai nghiện dầu khí của Nga.

MOL, công ty có hai nhà máy lọc dầu tại Slovakia và Hungary được cung cấp dầu thô từ Nga thông qua tuyến đường ống Druzhba ở phía nam, đã đầu tư vào công nghệ cần thiết để đa dạng hóa nguồn cung khỏi dầu Urals, nhưng tiến độ chậm hơn dự kiến.

Viktor Sverla, phó Chủ tịch phụ trách chiến lược và phát triển bền vững của MOL, trả lời Reuters hôm thứ Năm 10/10 rằng MOL hiện có thể lọc tới 30%-40% dầu thô không phải của Nga tại các nhà máy lọc dầu ở Slovakia và Hungary.

Ông Sverla cho biết: "Chúng tôi đang tiến hành các khoản đầu tư để có thể tăng con số này lên 100% vào cuối năm 2026".

Chủ tịch điều hành của MOL, Zsolt Hernadi, đã trả lời Reuters vào tháng 4 năm 2023 rằng MOL sẽ có thể lựa chọn giữa dầu thô của Nga hoặc không phải của Nga cho các nhà máy lọc dầu của mình vào cuối năm 2025 hoặc đầu năm 2026.

Ông Sverla cho biết sở dĩ kế hoạch này của họ bị chậm trễ, là do những phức tạp không lường trước được trong việc thực hiện 24 dự án theo kế hoạch, để nâng cấp các nhà máy lọc dầu và nhu cầu đầu tư nhiều hơn vào hậu cần cho năng lực lưu trữ và pha trộn.

Ông nói thêm rằng MOL có thể hoàn thành các dự án này trong hai năm tới với số tiền 500 triệu đô la, mức thấp nhất trong phạm vi đầu tư 500 triệu đô la - 700 triệu đô la mà công ty đã đưa ra vào năm 2023.

Hợp đồng đường ống Adriatic

Ông Sverla cũng cho biết MOL đang đàm phán với công ty điều hành đường ống dẫn dầu Janaf của Croatia về một hợp đồng dài hạn, để vận chuyển dầu thô qua đường ống Adriatic, nhưng ông từ chối bình luận về khối lượng dự kiến hoặc giải thích thêm về phí vận chuyển - mà MOL chỉ trích là quá cao.

"Chúng tôi không thực sự hài lòng với mức phí vận chuyển hiện tại, chúng tôi tin có thể giảm mức phí này trong tương lai, nhưng vấn đề quan trọng hơn đối với chúng tôi là chúng tôi phải có hợp đồng dài hạn", ông nói.

"Tuy nhiên, đường ống Druzhba rất quan trọng đối với chúng tôi và mục tiêu của chúng tôi là có nguồn cung dầu thô đa dạng dựa trên cả dầu của Nga và nước ngoài."

Khi được hỏi liệu MOL đã chuẩn bị cho việc miễn trừ mà Liên minh châu Âu cấp cho Slovakia để xuất khẩu nhiên liệu được sản xuất từ dầu của Nga sẽ hết hạn vào ngày 5 tháng 12 hay chưa, ông Sverla cho biết MOL có thể tăng thị phần dầu thô không phải của Nga tại nhà máy lọc dầu ở Slovakia lên 50% nếu cần.

Yến Anh

Reuters

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/hungary-co-the-chuyen-sang-su-dung-dau-khong-phai-cua-nga-vao-nam-2026-718925.html