Hương bài - 'cây giảm nghèo' của Thái Thủy

Xã Thái Thủy, huyện Lệ Thủy lâu nay vẫn thường được biết đến là địa phương có những cánh rừng trồng xanh mướt, có giá trị kinh tế. Nhưng ít ai biết rằng, vài năm trở lại đây, người dân nơi đây đã phải băng rừng, vượt suối lặn lội vào những cánh rừng ở tỉnh Quảng Trị để tìm lại giống cây hương bài đưa về trồng ở vườn nhà, xen giữa vườn rừng...

Cây hương bài đã và đang trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của xã và nghề làm hương truyền thống đương mai một bắt đầu dần được khôi phục…

“Cây xóa đói, giảm nghèo”…

Vợ chồng ông Phan Viết Thỏa và bà Lương Thị Huề (thôn Thanh Sơn, xã Thái Thủy) "bén duyên" với mảnh đất Thái Thủy từ những năm 80 của thế kỷ trước. Ở mảnh đất khô cằn này, gia đình ông, bà không chỉ tập trung phát triển chăn nuôi, mà còn mạnh dạn trồng cây hương bài.

Chia sẻ về giống cây hương bài, bà Huề cho biết: “Trước đây, cây hương bài mọc tự nhiên ở vùng rừng, nhưng dần cạn kiệt bởi nạn khai thác bừa bãi và trồng rừng kinh tế. Trong khi cây hương bài tự nhiên ngày càng cạn kiệt thì không mấy ai nghĩ đến việc đưa cây này về trồng tại vườn nhà để có thêm thu nhập. Năm 2017, vợ chồng tôi phải lặn lội vượt hơn chục cây số vào đến vùng rừng Quảng Trị tìm cây hương bài để trồng xen trong vườn nhà…”.

Cũng theo bà Huề, ngoài nuôi trâu, lợn và nuôi ong lấy mật, gia đình bà còn sở hữu khoảng 5.000m2 diện tích trồng cây hương bài xen với cây sim. Mặc dù chưa đến kỳ thu hoạch, nhưng theo tính toán, mỗi sào (500m2-PV), cây hương bài cho thu hoạch khoảng hơn 1 tấn nguyên liệu dùng để làm hương. Hiện tại, trên thị trường, mỗi kg hương bài có giá dao động từ 5.000-12.000đồng. Đây sẽ là khoản thu nhập đáng kể đối với gia đình.

Cây hương bài phát triển tốt trên đất Thái Thủy.

Cây hương bài phát triển tốt trên đất Thái Thủy.

Gặp chúng tôi sau buổi đi quay mật ong thuê trong xã về, chị Nguyễn Thị Hương (thôn Nam Thái, xã Thái Thủy) cho biết: “Là cây trồng phù hợp với những nơi đất khô cằn, cây hương bài đã và đang mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân ở xã Thái Thủy và gia đình tôi. Hầu hết người dân trong xã đều trồng cây hương bài và gọi vui là cây “xóa đói, giảm nghèo”. Hương bài là giống cây không cần nhiều công chăm sóc, dễ sống nên chúng tôi có nguồn thu nhập ổn định…”.

Cũng theo chị Hương, gia đình chị chủ yếu làm nông nghiệp, hơn mười năm trước, hàng năm, cứ mỗi dịp Tết là gia đình phải lên rừng để đào cây hương bài về bán lại cho thương lái để kiếm thêm thu nhập. Từ năm 2018, gia đình bắt đầu đưa cây hương bài về trồng tại nhà.

Ban đầu, chị chỉ định trồng thử nhưng khi thấy cây hương bài phát triển nhanh, tươi tốt, năng suất ổn định, cho thu nhập cao hơn trồng rừng nên chị đã mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích. Đến nay, gia đình chị Hương đã có gần 2 sào cây hương bài, vụ thu hoạch vừa qua, chị thu được hơn 1 tấn hương bài/sào.

Ông Lê Thuận Văn, Chủ tịch UBND xã Thái Thủy cho biết, Thái Thủy có diện tích đất rừng lớn, kinh tế của các hộ dân chủ yếu dựa vào thu nhập từ trồng rừng. Những năm qua, lãnh đạo địa phương luôn trăn trở làm gì để người dân tăng thêm thu nhập. Và, hướng đi mới đã mở, đó là trồng cây hương bài để cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở làm hương nhằm thay thế các loại cây trồng kém hiệu quả trên diện tích đất vườn đồi. Địa phương đang khuyến khích bà con nông dân mở rộng diện tích trồng cây hương bài.

Nỗ lực khôi phục nghề làm hương truyền thống…

Dẫn chúng chúng tôi đi tham quan các mô hình trồng cây hương bài ở địa phương, ông Nguyễn Thành Chuân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thái Thủy cho biết: “Thái Thủy trước đây nổi tiếng với nghề làm hương truyền thống, mỗi năm, cứ dịp giáp Tết, người dân kéo nhau lên rừng để đào cây hương bài về làm hương tại gia đình, bán lại cho thương lái khắp nơi trong huyện và các tỉnh lân cận.

Nhưng, khoảng hơn chục năm trở lại đây, nghề làm hương truyền thống ở Thái Thủy đã mai một do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc khan hiếm nguồn nguyên liệu…”.

Cũng theo ông Chuân, cây hương bài được dùng làm nguyên liệu để chế biến hương (hương được làm từ cây hương bài có mùi thơm rất đặc trưng). Tại địa phương, từ một vài hộ gia đình trồng tập trung cây hương bài, đến nay, hầu hết các hộ gia đình đều trồng nhưng còn nhỏ lẻ, manh mún, xen canh. Xã Thái Thủy hiện có khoảng hơn 100 hộ gia đình trồng cây hương bài với tổng diện tích khoảng 10ha.

Chị Nguyễn Thị Vượng (thôn Minh Tiến, xã Thái Thủy) là chủ cơ sở thu mua nguyên liệu cây hương bài và cũng là một trong những người còn giữ được nghề làm hương truyền thống ở Thái Thủy.

Chị Nguyễn Thị Vượng là một trong những người còn giữ nghề làm hương truyền thống của địa phương.

Chị Nguyễn Thị Vượng là một trong những người còn giữ nghề làm hương truyền thống của địa phương.

Chị Vượng "bén duyên" với nghề làm hương từ những năm 90 của thế kỷ trước. Cũng vì mưu sinh mà chị giữ nghề, níu kéo nghề để kiếm thêm thu nhập. Bây giờ, theo xu thế của thị trường, nghề làm hương ở Thái Thủy đã mai một dần. Nhiều người, nhiều nhà không giữ nghề. Nhưng chị Vượng vẫn quyết tâm gắn bó với nghề.

Việc khôi phục nghề làm hương truyền thống ở Thái Thủy đã và đang được người dân thực hiện vài năm trở lại đây, khi phong trào trồng cây hương bài phát triển mạnh. Với lợi thế đó, chị Vượng đã đầu tư thêm máy móc để làm hương theo hướng công nghiệp; đồng thời, đảm nhận việc thu mua nguyên liệu cây hương bài cho bà con tại địa phương phục vụ cho nghề làm hương của gia đình.

“Hàng năm, cơ sở của chúng tôi thu mua hơn 5 tấn nguyên liệu hương bài, ngoài phục vụ làm hương tại gia đình, tôi còn xuất bán ra thị trường, mỗi năm cho thu nhập vài trăm triệu đồng. Hiện, vùng nguyên liệu hương bài tại xã Thái Thủy đang phát triển, sắp tới, gia đình tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô nhà xưởng để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cho bà con…”, chị Vượng cho biết thêm.

Trước khi chia tay chúng tôi, ông Nguyễn Thành Chuân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thái Thủy khẳng định: “Thay đổi nhận thức, tập tục canh tác của người dân bằng một loại cây trồng mới cho thu nhập cao, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của địa phương là một bài toán khó. Gia đình chị Vượng níu nghề, giữ nghề làm hương truyền thống là điều đáng mừng với người dân Thái Thủy, rất cần được nhân rộng”.

Ngọc Hải

Nguồn Quảng Bình: http://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202105/huong-bai-cay-giam-ngheo-cua-thai-thuy-2189606/