Hướng đi mới cho đồng bào vùng cao
A Lưới là huyện miền núi có tiềm năng lớn trong phát triển kinh tế nông nghiệp nhờ vào lợi thế về đất đai và điều kiện tự nhiên. Thời gian qua, các chính sách hỗ trợ cụ thể từ tỉnh và huyện đã giúp người dân nơi đây áp dụng các mô hình kinh tế bền vững, từ đó cải thiện đáng kể đời sống.
Anh Lê Minh Nhật, trú tại thôn Tân Hối, xã Hồng Bắc là một trong những người tiên phong áp dụng mô hình chăn nuôi heo hữu cơ. Sau khi tham gia khóa đào tạo chăn nuôi heo hữu cơ do Tập đoàn Quế Lâm tổ chức, anh Nhật đã lên kế hoạch đầu tư vào trang trại chăn nuôi tuần hoàn khép kín.
Anh Nhật chia sẻ: “Lúc đầu tôi cũng không định nuôi heo, nhưng sau khi được tham gia khóa đào tạo của Tập đoàn Quế Lâm, tôi nhận thấy mô hình này có tiềm năng phát triển bền vững. Ban đầu việc nuôi heo gặp nhiều khó khăn nhưng sau vài lứa, tôi tích lũy được kinh nghiệm và bây giờ, thu nhập từ mô hình này đã ổn định, giúp gia đình tôi cải thiện cuộc sống”.
Cùng với mô hình chăn nuôi, ông Trần Văn Lưu, trú tại xã A Ngo cũng đã gặt hái được nhiều thành công với mô hình vườn mẫu. Ông Lưu cho biết, với sự hỗ trợ từ Nhà nước về tài chính và kỹ thuật, ông đã mở rộng diện tích trồng trọt và lắp đặt hệ thống nhà kính. “Trước đây, tôi chỉ trồng rau thông thường nên thu nhập không cao. Từ khi có nhà kính và hệ thống tưới hiện đại, rau trồng trong vườn vừa xanh tốt, vừa có chất lượng cao hơn. Nhờ vậy mà thu nhập của gia đình đã tăng lên đáng kể," ông Lưu chia sẻ.
Theo ông Văn Lập, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện A Lưới, những thành công từ các trang trại,gia trại và vườn mẫu này đã góp phần cải thiện đáng kể đời sống người dân. Hiện nay, huyện A Lưới đã quy hoạch 50 vườn mẫu, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Các sản phẩm từ vườn mẫu này không chỉ phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của vùng mà còn đáp ứng tốt nhu cầu thị trường.
“Chúng tôi đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ cho bà con như cung cấp vốn, đào tạo kỹ thuật và xây dựng hạ tầng nông nghiệp. Người dân được hỗ trợ 50% chi phí đầu tư khi áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, giúp họ mạnh dạn mở rộng mô hình và nâng cao giá trị kinh tế", ông Lập thông tin.
Theo ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới, Không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ phát triển chăn nuôi và trồng trọt, A Lưới còn chú trọng đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tối ưu hóa hiệu quả sản xuất. Các cây trồng như dứa, quế, cam, và các loại cây ăn quả khác đã được khuyến khích phát triển thay thế cho những cây trồng kém hiệu quả như keo. Điều này giúp gia tăng giá trị sản phẩm trên mỗi đơn vị diện tích đất, đồng thời cũng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương.
Hiện, A Lưới cũng đã xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững, trong đó chú trọng việc ứng dụng công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ các chính sách hỗ trợ cụ thể và sự động viên, tạo điều kiện từ chính quyền địa phương, nhiều hộ dân đã chuyển đổi mô hình sản xuất, cải thiện đáng kể cuộc sống và thu nhập.