Hướng đi mới của ngành gỗ
Sau sắt thép, bê tông cốt thép thì gỗ được cho là vật liệu định hình của thế kỷ 21. Tuy nhiên, theo các chuyên gia vẫn còn nhiều thách thức để đưa nguyên liệu này phổ biến trong xây dựng tại Việt Nam.
Cái khó của người đi sau
Theo bà Lena Pripp-Kovac - Giám đốc Phát triển bền vững Tập đoàn Inter IKEA, thế giới - với nguồn tài nguyên hạn chế - đang muốn rời bỏ mô hình một chiều “khai thác, sản xuất, bỏ đi” sang một hệ thống tuần hoàn nơi không có gì bị vứt đi và các sản phẩm cũ trở thành các nguồn nguyên liệu mới.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức để đưa nguyên liệu này phổ biến trong xây dựng tại Việt Nam. Theo ông Nguyễn Chánh Phương- Phó Tổng giám đốc Công ty AA, thách thức đầu tiên được kể đến đó chính là về mặt kết cấu, bên cạnh đó là tập quán sử dụng của chủ đầu tư, chủ nhà. Liệu họ có dám mạo hiểm để sử dụng nguồn nguyên liệu này hay không? Sản xuất có thể mua công nghệ nhưng nguyên liệu có đáp ứng được không? Và sau khi chứng minh được về mặt cơ lý, thời tiết… thì đưa vào tiêu chuẩn trong ngành xây dựng như thế nào? Đây cũng đang là những vấn đề đặt ra.
“Nếu tính đến bài toán kinh tế, Việt Nam đi sau về mặt kỹ thuật rất nhiều, do đó, rất khó có thể cạnh tranh được với các nước như: Thụy Sỹ, Đức, Mỹ khi họ làm và bán tại thị trường của họ. Do đó, việc Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm này đi các thị trường cũng là vấn đề kho” - ông Nguyễn Chánh Phương nói.
Cần sử dụng gỗ hợp pháp
Một vấn đề được các chuyên gia đặt ra, đó là khi nhu cầu sử dụng gỗ và sản phẩm gỗ tăng trong cuộc sống hàng ngày, điều quan trọng cần đảm bảo gỗ được sử dụng hợp pháp, khai thác từ các khu rừng được quản lý bền vững để giảm áp lực lên môi trường và bảo vệ diện tích rừng tự nhiên còn sót lại.
Bà Tô Kim Liên - Giám đốc Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED)- chia sẻ, khảo sát với người tiêu dùng mới đây cho thấy, 91% người tham gia khảo sát đều nhận thức được việc sử dụng gỗ bất hợp pháp sẽ ảnh hưởng đến môi trường và cũng sẵn sàng chi trả thêm tiền để mua các sản phẩm hợp pháp; 90% cho rằng, nếu pháp luật quy định cụ thể thì việc kiểm soát gỗ hợp pháp ở Việt Nam sẽ khá khả quan. Đây là những điểm rất tích cực để thúc đẩy việc sử dụng gỗ hợp pháp và bền vững tại thị trường Việt Nam.
Hiện, cũng đã có những doanh nghiệp hướng vào phân khúc thị trường này. Ông Võ Quang Hà - Chủ tịch HĐQT kiêm CEO của Tavico- cho biết, doanh nghiệp sẽ nhập thêm các nguồn gỗ mềm để phục vụ xây dựng, chủ yếu từ Canada, Nhật và New Zealand. Tại chợ đầu mối gỗ lớn nhất miền Nam đặt tại Khu kinh tế ICD Tân Cảng Long Bình, Tavico sẽ quy tụ những nhà cung cấp có nền sản xuất gỗ xây dựng mạnh như New Zealand, Canada, Nhật… và sẽ mở ra một nền công nghiệp sản xuất nhà gỗ trong tương lai, đưa gỗ trở thành một vật liệu xây dựng quan trọng tại Việt Nam như bê tông. Theo đó, Tavico không chỉ đang tích cực truyền thông những tiện ích một ngôi nhà gỗ mang lại cho khách hàng, mà còn có ý định biến việc xây dựng nhà gỗ thành một ngành công nghiệp. Tavico sẽ làm ra sẵn một ngôi nhà gỗ tại khu phức hợp và khi khách hàng có nhu cầu, có thể tới mua và mang về lắp.
Với việc tích cực gia tăng diện tích rừng trồng, Việt Nam có lợi thế so sánh để phát triển chế biến - thương mại gỗ cho xuất khẩu và đáp ứng nhu cầu trong nước.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/huong-di-moi-cua-nganh-go-151172.html