Hướng đi tất yếu

Để phát huy tiềm lực của ngành Nông nghiệp Thủ đô trong điều kiện diện tích đất canh tác ngày càng bị thu hẹp cùng với nhiều thách thức khác do tác động của dịch Covid-19 thì việc tái cơ cấu chính là 'chìa khóa' mở ra hướng đi mới và cũng là tất yếu của sự phát triển.

Thời gian qua, nhờ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã nỗ lực vượt khó, thu được nhiều thành quả đáng ghi nhận. Cụ thể, tăng trưởng bình quân mỗi năm đạt gần 2,5%; việc ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa, đưa các giống mới, chất lượng cao vào sản xuất được tăng cường. Đặc biệt, trên địa bàn Hà Nội đã hình thành một số chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm có chất lượng... đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Tuy nhiên, tác động của biến đổi khí hậu và tình trạng dịch bệnh diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng trực tiếp đến nỗ lực tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Vì thế, đỏi hỏi từ thực tiễn đặt ra là phải tiếp tục tạo ra những đột phá nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng của ngành trong vai trò “bệ đỡ” của nền kinh tế và góp phần ổn định thị trường lương thực, thực phẩm tại Thủ đô, hướng tới xuất khẩu.

Để cơ cấu lại ngành Nông nghiệp hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu hướng tới là: Phát triển sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất theo chuỗi giá trị đáp ứng nhu cầu của người dân Thủ đô. Đồng thời phát triển nông nghiệp làng nghề, nông nghiệp sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đưa các mục tiêu đã đề ra trở thành hiện thực, trong thời gian tới, các ngành, các cấp cần tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Trước hết, trong lĩnh vực trồng trọt, ngành Nông nghiệp Thủ đô cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn hoặc chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Với lĩnh vực chăn nuôi, cần tập trung nguồn lực cơ cấu lại ngành chăn nuôi theo chuỗi giá trị, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, phát triển bền vững.

Cùng với việc động viên, nhân rộng các hình thức tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi khép kín và chuỗi liên kết đã có, ngành Nông nghiệp cần tham mưu với thành phố có cơ chế về đất đai, nguồn vốn để thu hút doanh nghiệp phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; đặc biệt ưu tiên các doanh nghiệp có tiềm năng về công nghệ cao.

Ở góc độ địa phương, bên cạnh tập trung phát triển sản xuất, chăn nuôi theo định hướng của ngành Nông nghiệp, chính quyền cần làm tốt công tác quy hoạch để khai thác lợi thế từng vùng đất, nghiên cứu đưa những cây, con có giá trị kinh tế cao vào trồng trọt, chăn nuôi theo hướng trang trại, ứng dụng công nghệ cao.

Về phía người dân, cần tuân thủ nghiêm ngặt việc sản xuất theo đúng quy hoạch đã phê duyệt, quy trình sản xuất nông sản phải bảo đảm an toàn; tăng cường liên kết với doanh nghiệp trong việc tiêu thụ nông sản nhằm hạn chế tình trạng "được mùa mất giá".

Triển khai đồng bộ các giải pháp trên từng lĩnh vực, từng bước hiện thực hóa Kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ giải quyết được những "bài toán" từ thực tế phát triển.

Thế Văn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/975587/huong-di-tat-yeu