Hướng phát triển mới của nông nghiệp Bát Xát

Với lợi thế về đất đai, khí hậu và lao động, trong 4 năm trở lại đây, Bát Xát tập trung sản xuất rau trái vụ tại các xã vùng cao.

Qua khảo sát của ngành chức năng, huyện Bát Xát có 2.300 ha ruộng 1 vụ và 1.500 - 1.700 ha đất nương trồng ngô. Toàn bộ diện tích trên đều ở độ cao từ 1.000 đến 2.000 m so với mực nước biển, là điều kiện lý tưởng để trồng các loại cây ôn đới, trong đó có rau trái vụ. Trong khi đó, hệ thống thủy lợi đã được đầu tư tương đối đồng bộ, đáp ứng nhu cầu nước cho sản xuất nông nghiệp. Điều quan trọng hơn cả, trước đây, người dân rất ít sử dụng thuốc diệt cỏ trong canh tác nên việc sản xuất rau an toàn sẽ thuận lợi. Kết quả phân tích mẫu đất, mẫu nước tại các khu vực vùng cao đều đạt tiêu chuẩn cho sản xuất rau an toàn. Trên cơ sở đánh giá tiềm năng, điều kiện thuận lợi cho sản xuất, huyện Bát Xát đã cử đoàn cán bộ kỹ thuật đi khảo sát thực tế, học hỏi kinh nghiệm tại tỉnh Lâm Đồng, huyện Mộc Châu (Sơn La), huyện Sa Pa, huyện Bắc Hà và đi đến quyết định mở hướng sản xuất rau trái vụ tại các xã vùng cao.

Cán bộ kỹ thuật kiểm tra rau trái vụ tại xã Y Tý.

Cán bộ kỹ thuật kiểm tra rau trái vụ tại xã Y Tý.

Ông Sí Trung Kiên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bát Xát cho biết: Sản xuất rau trái vụ nhằm khai thác lợi thế, tiềm năng, đồng thời góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng. Bắt đầu từ năm 2016, huyện Bát Xát triển khai trồng rau trái vụ tại xã Y Tý với 7 ha, chủ yếu trồng rau bắp cải. Dù chỉ mang tính thử nghiệm nhưng hiệu quả vượt trên sự mong đợi. Vì thế, diện tích trồng rau trái vụ liên tục được mở rộng, đến năm 2019 đạt hơn 100 ha, tập trung chủ yếu ở các xã: Trịnh Tường, Y Tý, Nậm Pung, Pa Cheo. Năm 2018, sản lượng rau trái vụ đạt 1.800 tấn, năm 2019 dự kiến đạt 2.500 tấn.

Theo ông Vũ Văn Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bát Xát, hiện cơ cấu rau trái vụ tại các xã vùng cao gồm: Bắp cải (40 ha), củ cải (20 ha), su hào (20 ha), cà rốt (3 ha), còn lại là cải Đông dư, su su, rau gia vị, cà chua… Thời vụ trồng rau kéo dài từ sau Tết Nguyên đán đến hết tháng 11 âm lịch, thu nhập bình quân đạt 200 - 300 triệu đồng/ha/năm, trừ chi phí, người trồng rau có lãi từ 120 đến 150 triệu đồng/ha/năm.

Điều đáng nói, sản phẩm rau trái vụ của huyện Bát Xát đang thu hút được sự quan tâm của thị trường và người tiêu dùng. Năm 2018, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phải mang rau đi tiếp thị tại thị trường Hà Nội, Quảng Ninh, Yên Bái, Thái Nguyên nhưng sang năm 2019, “nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, tư thương đến tận vườn đặt tiền trước, rau không có đủ để bán”, ông Sí Trung Kiên cho biết.

Theo ông Vũ Văn Sơn, hiện có đến vài chục doanh nghiệp, hợp tác xã cam kết thu mua, tiêu thụ rau trái vụ của Bát Xát, trong đó phải kể đến Hợp tác xã Nông nghiệp Đông Cao (Vĩnh Phúc), Công ty Xuất - nhập khẩu Kiên Giang (Hưng Yên), Công ty Tây Nguyên (Thành phố Hồ Chí Minh), Công ty Xuất - nhập khẩu nông sản Hải Phong (Bắc Ninh), Công ty Nông sản Trường Anh (Hà Nội), Công ty Hoa Lợi (Lào Cai), hệ thống siêu thị Big C, VinMart…

Xã viên Hợp tác xã Trịnh Tường dán tem truy xuất nguồn gốc cho cà chua.

Xã viên Hợp tác xã Trịnh Tường dán tem truy xuất nguồn gốc cho cà chua.

Hợp tác xã Trịnh Tường (Bát Xát) là đơn vị trực tiếp liên kết với người dân địa phương để sản xuất rau trái vụ. Bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Hợp tác xã Trịnh Tường cho biết: Tiền thân của Hợp tác xã là tổ hợp tác, nhưng do sản xuất đơn lẻ, không đủ năng lực sản xuất, cung ứng sản phẩm cho đối tác nên chúng tôi đã họp bàn với người dân địa phương quyết định thành lập hợp tác xã. Hợp tác xã Trịnh Tường hiện đang liên kết với hơn 10 hộ trồng 30 ha rau trái vụ tại thôn Lao Chải và thôn Tả Cổ Thàng. Hợp tác xã có trách nhiệm cung ứng giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật, còn các hộ góp đất và công lao động, thành quả đạt được được chia sẻ hợp lý. Hiện tại, Hợp tác xã Trịnh Tường đã ký kết với 30 đối tác là hệ thống siêu thị, cửa hàng nông sản sạch, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ sản phẩm. Dự kiến thời gian tới, Hợp tác xã Trịnh Tường sẽ mở rộng diện tích trồng rau trái vụ sang xã Y Tý.

Gia đình ông Phàn Phẩu Lìn (xã Trịnh Tường) liên kết với Hợp tác xã Trịnh Tường trồng rau trái vụ và có thu nhập ổn định từ mô hình này. Ông Lìn cho biết: Trồng rau trái vụ cho thu nhập cao, có thể làm giàu, vì thế chúng tôi yên tâm mở rộng diện tích.

Trồng rau trái vụ ở các xã vùng cao của huyện Bát Xát đã giải quyết được 3 vấn đề cốt lõi, đó là thay đổi tập quán canh tác, nâng cao hệ số sử dụng đất và hiệu quả kinh tế trên đơn vị canh tác; nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững; tạo sinh kế để giữ người dân ở lại địa phương, không phải sang Trung Quốc làm thuê. Tuy nhiên, để sản xuất rau trái vụ mang lại hiệu quả hơn nữa, huyện Bát Xát cần tập trung đào tạo nâng cao trình độ sản xuất của người dân; tạo liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp - nông dân; tăng cường đội ngũ cán bộ kỹ thuật để chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho người dân. Có như vậy, huyện Bát Xát mới hoàn thành được mục tiêu đến năm 2020, diện tích sản xuất rau trái vụ trên địa bàn đạt 350 ha.

Thanh Nam

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/kinh-te/huong-phat-trien-moi-cua-nong-nghiep-bat-xat-z3n20190921104800424.htm