Hướng tới kỷ niệm 30 năm ngày thành lập huyện Bảo Lâm: Xứ sở của chè, cà phê, tơ tằm
Xã Lộc Tân (huyện Bảo Lâm) được ví như xứ sở của cây chè, cà phê, dâu tằm với những triền đồi trải dài ngút mắt. Với đặc điểm là xã thuần nông, cây chè, cà phê, dâu tằm đang từng ngày giúp bà con có thu nhập ổn định, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.
Xã Lộc Tân với 1.900 hộ, 8.029 nhân khẩu; gồm 14 dân tộc anh em cùng chung sống; cư dân được phân bổ ở 7 thôn, trong đó đồng bào người Mạ, K’Ho chiếm khoảng 65% dân số. Hiện nay, đời sống của người dân khởi sắc, nhà cửa xây dựng khang trang, tư duy làm ăn đổi mới.
Chủ tịch UBND xã Lộc Tân, Nguyễn Văn Nam khẳng định, những năm gần đây, đời sống vật chất lẫn tinh thần của bà con trong xã thay đổi một cách rõ rệt, cây chè, cà phê, dâu tằm khẳng định vị thế là cây trồng chủ lực. Công nghiệp chế biến chè chất lượng cao phát triển nên đã thu hút, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho nhiều lao động nông thôn. Nhìn chung, địa phương có sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; hạ tầng cơ sở được đầu tư một cách bài bản, đồng bộ; phấn đấu đến năm 2026 xã sẽ đạt nông thôn mới (NTM) nâng cao.
Theo thống kê, tổng diện tích chè toàn xã là 717 ha, trong đó: diện tích chè của doanh nghiệp 250 ha, diện tích chè người dân trồng 487 ha; tổng diện tích chè được chuyển đổi sang chè chất lượng cao là 280 ha, năng suất bình quân đạt 13 tấn chè búp tươi/ha/năm. Hiện nay, địa phương có 14 doanh nghiệp chế biến chè.
Thông qua các đề án chuyển đổi giống cây trồng, chương trình nông nghiệp công nghệ cao; hàng năm, xã Lộc Tân xây dựng kế hoạch chuyển đổi diện tích chè giống cũ, năng suất và chất lượng thấp sang trồng mới giống chè đạt năng suất, chất lượng cao theo chuỗi liên kết gắn sản xuất, chế biến và tiêu thụ như các giống chè TB14, Ô long, Tứ quý, Kim tuyên, Ngọc thúy…
Hiện các công ty, doanh nghiệp chế biến chè như: Tâm Châu, Phước Lạc, Vĩnh Thịnh, Trí Việt…đang xây dựng vùng nguyên liệu bền vững, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng để có những sản phẩm chè phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Một số nông dân hiện nay vẫn giữ vững diện tích trồng chè chất lượng cao như: Thái Xuân Bách; Phan Xuân Hưng, Lê Thị Bảo Vy, Hoàng Sỹ Giáp, Bùi Văn Quỳnh, Quảng Bá Nỷ… cho thu nhập từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm.
Cùng với cây chè, trồng dâu, nuôi tằm cũng đang là nghề mang lại thu nhập đáng kể cho người dân xã Lộc Tân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Diện tích trồng dâu toàn xã khoảng 300 ha, gần 500 hộ dân làm nghề nuôi tằm.
Đa số vườn dâu ở xã Lộc Tân hiện nay đã áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Hệ thống tưới tự động đã thay thế cho sức người; sử dụng phân bón hữu cơ để bảo vệ đất và cây trồng.
Gia đình anh K’ Blin ở Thôn 2 trồng hơn 4 sào dâu và nuôi tằm, theo anh thì trồng dâu, nuôi tằm rất hiệu quả và mang lại thu nhập đáng kể cho gia đình. Hơn nữa, sản phẩm làm ra được thương lái thu mua dễ dàng, giá cả cũng ít có sự chênh lệch. Công việc trồng dâu, nuôi tằm mọi thành viên trong gia đình đều có thể làm được nên tận dụng được công lao động hằng ngày.
Ngoài ra, một thế mạnh khác về cây trồng chủ lực của xã Lộc Tân đó chính là cà phê, hiện xã có khoảng 2.795 ha. Cà phê đang được giá, báo hiệu mùa sung túc trên những triền đồi nở hoa trắng xóa.
Nhờ những định hướng đúng đắn và áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất mà đến nay giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất canh tác đạt trên 250 triệu đồng, tăng 130 triệu đồng so với năm 2020. Thu nhập bình quân đầu người khoảng 55 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 1,9%. Đến nay, 19/19 tiêu chí đối với xã NTM tiếp tục được củng cố một cách vững chắc, trong đó có một số tiêu chí đã đạt tiêu chí của xã nông thôn mới nâng cao như: giáo dục, trường học, thu nhập, tổ chức sản xuất...
Trong định hướng phát triển, Lộc Tân đã và đang chú trọng đến du lịch sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp với cồng chiêng, thổ cẩm và các sản vật địa phương như trà, cà phê, tơ tằm…
Hiện nay, Tổ dệt thổ cẩm tại Thôn 3, xã Lộc Tân có hơn 20 thành viên, công việc dệt thổ cẩm của các chị em chủ yếu tranh thủ thời gian lúc nông nhàn. Thời gian qua, nghề dệt thổ cẩm giúp chị em có thêm nguồn thu nhập cho gia đình và phát huy truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc tại địa phương.
Điều đáng mừng ở Lộc Tân là việc chính quyền địa phương và người dân trong các thôn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đã góp sức người, sức của để phục dựng những ngôi nhà dài truyền thống. Nhà được dựng hoàn toàn bằng vật liệu tre, nứa; mái nhà được lợp cỏ tranh. Đây là nơi để dân làng hội họp, luyện tập cồng chiêng, trưng bày thổ cẩm và khắc sâu hơn những giá trị tinh thần nguồn cuội.
Đồng chí Bùi Xuân Quang - Bí thư Đảng ủy xã Lộc Tân cho biết: Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, sự phối hợp giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể huyện; Ban Chấp hành Đảng bộ xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tinh thần đoàn kết, thống nhất trong hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, kịp thời khắc phục khó khăn, từ đó Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong xã đã đạt được những thành quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.
Đến với Lộc Tân hôm nay, một cảm giác rất mới mẻ. Giữa những kiến trúc hiện đại vẫn có từng đường nét chấm phá qua các vườn chè xanh; dâu tằm ngút mắt; cà phê chín đỏ một vùng trong màn sương mờ ảo...