Hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững

Đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong sản xuất kinh doanh phân bón tại Việt Nam và Đông Nam Á nên ngay từ những ngày đầu năm 2022, Công ty Cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau (PVCFC, Hose: DCM) đã nỗ lực triển khai thực hiện đồng bộ các giải phải ứng phó, từ đó, vượt chỉ tiêu sản xuất kinh doanh quý I.2022, lợi nhuận tăng trưởng đột biến và hướng tới đạt được những cột mốc cao hơn nữa.

Thách thức và cơ hội đan xen

Năm 2022, PVCFC đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất là 9.049 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 513 tỷ đồng, tương ứng giảm 10,2% và giảm 72% so với năm 2021. Trong đó, mục tiêu thực hiện sản xuất 860.100 tấn Urê quy đổi và 80.000 tấn NPK. Về sản lượng kinh doanh, Urê quy đổi dự kiến đạt 770.200 tấn, các sản phẩm phân bón từ gốc Urê đạt 80.000 tấn và NPK đạt 80.000 tấn.

Đại diện PVCFC cho biết, trong năm 2021, Nhà máy Đạm Cà Mau đã vận hành với công suất đạt 110%; lần đầu tiên, PVCFC bảo đảm hoàn thành kỳ bảo dưỡng tổng thể đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, tiến độ mà không cần huy động bất kỳ một chuyên gia nước ngoài nào; sản lượng sản xuất, sản lượng tiêu thụ, tổng doanh thu và lợi nhuận năm 2021 đều đạt kết quả cao, vượt xa kế hoạch năm.

Năm 2021 cũng là năm đầu tiên Phân bón Cà Mau được Forbes xếp vào danh sách 50 công ty đứng đầu, có tiềm năng phát triển tại Việt Nam; lần đầu tiên cổ phiếu cán mốc 41.200đ, vốn hóa đạt 1 tỷ USD; lần đầu tiên PVCFC sản xuấtvà ra mắt sản phẩm phân bón hữu cơ mang tên thương hiệu “OM Cà Mau”.

Bước sang năm 2022, tổng doanh thu quý I của PVCFC ước đạt 4.028 tỷ đồng, tăng 147% so với kế hoạch quý và tăng 111% so với thực hiện cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.515 tỷ đồng, tăng 19 lần so với kế hoạch quý và tăng gấp 10 lần cùng kỳ năm ngoái.

Để đạt được những kết quả ấn tượng trên, PVCFC đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để ứng phó, vượt qua khó khăn, đồng thời, tận dụng tốt thuận lợi để bứt phá thành công. Tuy nhiên, tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 mới đây, Ban lãnh đạo dự báo trong thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục đối mặtvới những thách thức và cơ hội đan xen.

Theo Tổng giám đốc PVCFC Văn Tiến Thanh, kế hoạch kinh doanh cho năm 2022 được công ty thận trọng đưa ra trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu; căng thẳng Nga - ukraine kéo theo, giá dầu tăng cao, lạm phát, đứt gãy chuỗi logistic, nguồn cung khan hiếm. Thách thức mà PVCFC phải đối mặt là giá dầu khí (đầu vào) ở mức cao; giá phân bón tăng, giá nông sản giảm làm nông dân có xu hướng giảm canh tác bỏ ruộng.

PVCFC tập trung cho kế hoạch đầu tư phát triển dài hạn

PVCFC tập trung cho kế hoạch đầu tư phát triển dài hạn

Mở rộng sản xuất, phát huy nội lực

Trước tình hình đó, ông Văn Tiến Thanh cho rằng, doanh nghiệp cần lên một số kế hoạch đầu tư phát triển dài hạn. Cụ thể, trong năm nay, PVCFC sẽ hoàn thiện các dự án chuyển tiếp như hạng mục cải hoán và cung cấp CO2 thô, trung tâm nghiên cứu phát triển và dự án sản xuất phân bón phức hợp từ urê nóng chảy 300.000 tấn/năm.

Đồng thời, để bảo đảm việc mở rộng sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm phục vụ cho định hướng phát triển lâu dài, Đạm Cà Mau cũng lên kế hoạch đầu tư kho đầu mối Long An, nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh, nhà máy khí hóa than và trụ sở trạm liên lạc tại TP. Hồ Chí Minh trong năm 2022.

“Mặc dù thị trường có những diễn biến khó lường nhưng đều được ban lãnh đạo xây dựng nhiều kịch bản ứng phó, trong tương lai gần, cổ đông nhà đầu tư có quyền hyvọng vào 1 Đạm Cà Mau vững vàng, tăng trưởng bền vững, mang lại giá trị cho xã hội, cho cộng đồng và đặc biệt là cho người tiêu dùng cuối. Đồng thời, nỗ lực đến năm 2025, Phân bón Cà Mau sẽ trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong sản xuất kinh doanh phân bón tại Việt Nam và Đông Nam Á” - ông Văn Tiến Thanh khẳng định.

Thành viên HĐTV Petrovietnam Bùi Minh Tiến đề nghị Ban lãnh đạo Công ty lưu ý về nhiệmvụ, kế hoạch trong thời gian tới. Theo đó, cần tiếp tục tập trung vận hành Nhà máy an toàn, ổn định, công suất cao; phát triển hệ thống phân phối trên bộ sản phẩm thông qua hệ thống phân phối số DMS (phần mềm quản lý hệ thống kênh phân phối Distribution Managementsystem- DMS); triển khai tốt công tác nghiên cứu phát triển, cho ra các sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao và đa dạng.

“Tập đoàn cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Công ty trong mọi phương diện, nhất là trong việc cung cấp ổn định nguồn nguyên liệu khí đầu vào để duy trì hoạt động ổn định của Nhà máy. Tôi tin tưởng, Công ty sẽ tiếp tục có những giải pháp hữu hiệu để tận dụng tốt cơ hội hiện nay, tiến tới đạt được những cột mốc cao hơn nữa trong năm 2022 cũng như giai đoạn tới”- Ông Bùi Minh Tiến nhấn mạnh.

HẢI YẾN

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doanh-nghiep/huong-toi-muc-tieu-tang-truong-ben-vung-i288047/