Hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống ma túy 26/6: Chú trọng cai nghiện tập trung

Nhằm kiềm chế gia tăng, từng bước giảm số người nghiện cũng như không để phát sinh người nghiện mới, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã chung tay thực hiện nhiều giải pháp, làm chuyển biến, nâng cao nhận thức về nhiệm vụ, trách nhiệm, hiệu quả phối hợp trong phòng, chống ma túy.

Thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, 5 năm qua trên địa bàn tỉnh, số người nghiện ma túy đã giảm. Theo rà soát, toàn tỉnh hiện có 2.288 người nghiện có hồ sơ quản lý, giảm 71 người so với năm 2019. Trong số này có 2.017 người đang ở cộng đồng, giảm 126 người; đang cai tập trung 228 người, tăng 82 người; số người nghiện phạm tội bị bắt, đang tạm giữ, tạm giam, cải tạo có 43 người, giảm 27 người.

 Học viên Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh học nghề làm điếu cày.

Học viên Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh học nghề làm điếu cày.

Theo cơ quan chức năng, cai nghiện tập trung vẫn được xem là giải pháp hữu hiệu và rõ rệt nhất nhằm hạn chế phát sinh người nghiện mới. Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh (xã Song Mai, TP Bắc Giang, trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) đang quản lý 224 đối tượng cai nghiện bắt buộc và 1 đối tượng cai tự nguyện.

Ông Chu Văn Lân, Phó Giám đốc Cơ sở cho biết: “Hệ thống chính sách về cai nghiện ma túy ngày càng được hoàn thiện, chế độ đối với học viên được quan tâm. Lúc mới tiếp nhận, nhiều học viên sức khỏe yếu, thần kinh kém, Cơ sở tiến hành khám, đánh giá, phân loại, từ đó có phương án điều trị, chăm sóc cụ thể. Các học viên được bố trí nơi ăn, ở, sinh hoạt, được học nghề và lao động trị liệu, tư vấn giáo dục hợp lý giúp họ yên tâm lao động, học tập, cai nghiện”.

Trò chuyện với học viên Bàn Văn H (SN 1992) ở xã Tân Mộc (Lục Ngạn) khi anh đang học nghề làm điếu cày được biết, năm 2018, anh sang Trung Quốc lao động, thu nhập cũng ổn định, có tiền gửi về cho vợ nuôi con nhỏ. Công việc đang tốt thì dịch Covid-19 ập đến khiến anh mất việc một thời gian dài, chán nản, anh bị cuốn vào ma túy lúc nào không hay. Trở về quê hương anh không dứt được cám dỗ của “nàng tiên nâu”, vợ bỏ, anh đành quay về nương tựa cha mẹ già.

Không nỡ nhìn đấng sinh thành cứ còm cõi vì mình, anh quyết tâm đi cai nghiện. Vào Cơ sở anh được điều trị, chăm sóc sức khỏe theo phác đồ, có thời gian lao động trị liệu phù hợp, đều đặn tham gia thể thao, sinh hoạt nền nếp. “Vào đây mấy tháng, tôi sớm cắt được cơn nghiện, thấy sức khỏe cải thiện nhiều, tinh thần cũng phấn chấn hơn”, anh H cho biết.

Toàn tỉnh hiện có 2.288 người nghiện có hồ sơ quản lý, giảm 71 người so với năm 2019. Trong số này có 2.017 người đang ở cộng đồng, giảm 126 người; đang cai tập trung 228 người, tăng 82 người; số người nghiện phạm tội bị bắt, đang tạm giữ, tạm giam, cải tạo có 43 người, giảm 27 người.

Hiện Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh duy trì tổ chức cho 100% học viên lao động trị liệu với các nghề: Làm điếu cày, chổi, may gia công túi siêu thị, sản xuất mi giả; tăng gia sản xuất; trồng cây, rau xanh. Bên cạnh các hoạt động thể thao nâng cao sức khỏe hằng ngày, Cơ sở còn thường xuyên tổ chức các hoạt động như: Giao lưu bóng đá, bóng chuyền hơi, đá cầu, cờ tướng, đẩy gậy... nhân các ngày lễ, Tết, tạo không khí vui tươi, phấn khởi và nêu cao tinh thần đoàn kết trong học viên. Năm 2023, Cơ sở đã khen thưởng cho 16 tổ, đội và 80 học viên có thành tích xuất sắc trong học tập, chữa bệnh và lao động trị liệu.

Trước năm 2022, việc tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng chủ yếu dừng lại ở khâu lập hồ sơ quản lý, không tổ chức cắt cơn, giải độc được do các địa phương không đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự. Từ khi Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 có hiệu lực thi hành, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, TP bố trí địa điểm, kinh phí sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị và bố trí nhân sự để thành lập các cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tuyến huyện.

Đã có 9/10 huyện, thị xã hoàn thành và công bố đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng. 100% xã, phường, thị trấn có người nghiện đã bố trí nhân sự và địa điểm để tiếp nhận hồ sơ, tư vấn, hỗ trợ người nghiện đăng ký cai nghiện tự nguyện. Đến nay đã có 67 người tham gia cai nghiện theo cách này. Đây là biện pháp mới triển khai nhằm giảm người nghiện trên địa bàn.

Đáng chú ý, tỉnh đã đầu tư 42,8 tỷ đồng để nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị, phương tiện cho Cơ sở cai nghiện ma túy công lập (Cơ sở 2 tại xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên). Qua đó nâng khả năng tiếp nhận người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi đã có quyết định của Tòa án nhân dân. UBND cấp huyện cũng được bố trí 2,9 tỷ đồng để đầu tư, nâng cấp sửa chữa, bổ sung trang thiết bị, phương tiện cho các Cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng (Trung tâm Y tế tuyến huyện).

Chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác tư vấn, hỗ trợ người nghiện đến tiếp cận các hình thức cai, điều trị nghiện như: Cai nghiện tại gia đình, cộng đồng; cai nghiện tập trung tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh; điều trị can thiệp lạm dụng các chất ma túy tổng hợp tại Bệnh viện Tâm thần; điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone tại cộng đồng.

Lực lượng công an phát huy vai trò nòng cốt, tập trung đấu tranh triệt xóa các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy. Công an các địa phương phối hợp với các ban, ngành đẩy mạnh công tác xác định tình trạng nghiện, hướng dẫn người nghiện đăng ký cai tự nguyện, lập hồ sơ cai nghiện bắt buộc, đồng thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xác định tình trạng nghiện và cai nghiện ma túy. Số người nghiện được cai, điều trị so với tổng số người nghiện có hồ sơ quản lý tăng; qua đó, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, kéo giảm đối tượng nghiện vi phạm pháp luật.

Bài, ảnh: Thu Phong

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/huong-ung-ngay-toan-dan-phong-chong-ma-tuy-26-6-chu-trong-cai-nghien-tap-trung-095153.bbg