Hương vị tuổi thơ

Chiều nay, lang thang trên phố, tôi đi qua một con đường quen thuộc, bước chân tình cờ ghé vào một quán nhỏ.

Những tiếng chào mời, gọi món ăn, thăm hỏi, cười nói thật vui vẻ. Chị bán hàng đã lớn tuổi nhận ra người quen cũ, nhìn tôi tươi cười hồ hởi: “Lâu lắm rồi không gặp em. Mấy cháu giờ lớn hết rồi nhỉ”.

Minh họa: H. T

Câu chuyện chỉ có vậy thôi mà lòng tôi cứ lâng lâng suốt đường về. Những quán quà vặt trên con đường này đã có từ rất lâu, là điểm hẹn của biết bao người. Trong đó, không ít người năm xưa từng đến đây ăn quà vặt giờ đã thành mẹ thành cha lại chở các con đến, như một cách tận hưởng hương vị của tuổi thơ.

Có thể thấy, quà vặt là một phần của niềm vui tuổi thơ. Vị ngon của những món ăn đó không chỉ do nguyên liệu và cách chế biến tạo thành mà còn bởi niềm vui được cha mẹ, ông bà chăm sóc, thương yêu.

Trẻ con thời nào cũng thích ăn quà vặt. Có những hương vị tuổi thơ theo đứa trẻ ấy đến suốt cuộc đời. Những viên kẹo, túi chè mà mẹ đi chợ đem về thường là những món ngon hơn bất cứ sơn hào hải vị nào mà sau này họ được ăn.

Những trái ổi, trái mận đầu mùa được ưu tiên dành riêng cho mới tuyệt vời làm sao, còn thường là củ lang, củ mì, trái bắp, mùa nào thức nấy. Những thức quà ấy càng như ngon hơn khi được ăn cùng bạn vào giờ ra chơi hay sau buổi học hay đem theo ra đồng ăn cùng nhau lúc chăn bò, cắt cỏ.

Những món ăn của tuổi thơ thường gắn với cha mẹ, gia đình. Bây giờ, khi nhớ về tuổi thơ, tôi vẫn luôn nhớ món bánh xèo má làm bên bếp lửa nóng rực, đổ ra tới đâu, mấy chị em ăn hết tới đó. Má ngồi đúc bánh mồ hôi đầm đìa mà thấy con ăn ngon quá cũng không còn biết mệt.

Con trai tôi hồi nhỏ khi viết một đoạn văn về gian bếp của mẹ đã viết đó là nơi mà con luôn có được những bữa ăn ngon miễn phí. Tôi tin rằng khi lớn lên, dù con được đi nhiều nơi, được ăn nhiều thứ, nhưng những món ăn được ăn từ gian bếp ấy vẫn luôn là món ngon nhất, một thứ hương vị tuổi thơ không thể tìm lại ở đâu khác.

Hương vị tuổi thơ còn là thứ nhắc người ta nhớ về quê hương. Bởi không ít món ăn đặc trưng của một vùng quê đã kết thành một thứ tình cảm sâu sắc để người ta luôn nhớ về quê nhà. Các con tôi lớn lên, đi học rồi đi làm ở xa, chủ yếu là ở các thành phố lớn.

Thành phố lớn thứ gì cũng có, vậy mà, các con chỉ mong được rảnh rỗi chạy về nhà vài ngày để được hít căng lồng ngực bầu không khí trong lành của quê mình, ăn những món ăn với cách nêm nấu đặc trưng không thể tìm thấy được ở nơi khác. Bún cua, bánh xèo, bánh hỏi cháo lòng, bánh cuốn…, chỉ đơn giản vậy thôi mà cả một trời quê neo giữ.

Món ăn tuổi thơ gắn với hương vị quê nhà đã trở thành nỗi nhớ khôn nguôi với những người con xa xứ. Khi bước chân vào nhà hàng cao cấp, thưởng thức các món đặc sản từ khắp nơi nhưng lại thấy thèm chút mắm ruốc, mắm nêm, rau luộc của quê nhà.

Và, tôi cho rằng, tình yêu quê hương, đất nước bắt đầu từ những điều giản đơn ấy. Những món quà quê, những thức ăn vặt giản đơn có thể neo giữ tâm hồn của một người với một vùng đất, một quê hương. Tình yêu ấy được giữ gìn, truyền qua các thế hệ tiếp theo như những hương vị tuổi thơ vẫn đi cùng chúng ta suốt chiều dài cuộc sống.

THÚY ÁI

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/huong-vi-tuoi-tho-post297404.html