Huy động các nguồn lực để nâng cao chất lượng sống cho hộ nghèo

Cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, công tác giảm nghèo luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở tích cực vào cuộc, thực hiện nhiều giải pháp nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống và thực hiện tốt công tác an sinh xã hội.

Cán bộ Phòng LĐ-TB&XH huyện Vĩnh Tường rà soát hộ nghèo trên địa bàn để thực hiện chính sách hỗ trợ phù hợp

Cán bộ Phòng LĐ-TB&XH huyện Vĩnh Tường rà soát hộ nghèo trên địa bàn để thực hiện chính sách hỗ trợ phù hợp

Nhằm triển khai hiệu quả các mục tiêu giảm nghèo, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) giảm nghèo, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên BCĐ để tổ chức thực hiện.

Tổ chức hội nghị ký cam kết giữa Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh với UBND các huyện, thành phố về mục tiêu giảm nghèo hằng năm gắn với chính sách tín dụng hộ nghèo, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động cho người nghèo.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, gắn chương trình giảm nghèo với chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; gắn giảm nghèo với giải quyết việc làm, tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện các chính sách, dự án giảm nghèo của địa phương…

Hằng năm, tỉnh bố trí hàng trăm tỷ đồng và huy động hàng chục tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa để hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo. Nguồn kinh phí thực hiện các chính sách giảm nghèo luôn được quan tâm bố trí đầy đủ, kịp thời; công tác chi trả, trợ giúp, hỗ trợ các đối tượng luôn được thực hiện theo đúng quy định.

Các chính sách, chế độ hỗ trợ người nghèo, người cận nghèo được thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ từ cơ sở, đảm bảo đối tượng được thụ hưởng đúng chương trình, đúng địa bàn, đúng nội dung đầu tư, không có thắc mắc, khiếu kiện phức tạp xảy ra.

Năm 2021, toàn tỉnh có gần 300 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở; Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân cho hơn 3.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay hơn 235 tỷ đồng để phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Vĩnh Tường Nguyễn Minh Tuyến cho biết: "Hằng năm, Phòng LĐ-TB&XH tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch giảm nghèo, giao chỉ tiêu cho từng xã, thị trấn tổ chức triển khai thực hiện; gắn thực hiện kế hoạch giảm nghèo với các chương trình, đề án và kế hoạch khác có liên quan; huy động, vận động các nguồn lực thực hiện các chỉ tiêu được giao.

Trên cơ sở chỉ tiêu huyện giao, các xã, thị trấn thường xuyên quản lý, nắm chắc diễn biến hộ nghèo trên địa bàn, đặc biệt nắm chắc nguyên nhân dẫn đến nghèo, thiếu hụt các chỉ số của từng hộ để có các biện pháp hỗ trợ kịp thời; chỉ đạo các thôn, tổ dân phố rà soát và bình xét hộ nghèo để kịp thời báo cáo BCĐ giảm nghèo huyện.

Phân công các thành viên Ban giảm nghèo phụ trách các thôn, tổ dân phố, hộ nghèo, đặc biệt tập trung vào các thôn có tỷ lệ hộ nghèo cao; chỉ đạo các thôn, tổ dân phố phân công các chi hội, đoàn thể, cán bộ, đảng viên phụ trách từng hộ nghèo, giúp đỡ các hộ tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ sản xuất và dịch vụ xã hội cơ bản".

Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, chính quyền, các hội đoàn thể và sự nỗ lực của mỗi hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm dần theo từng năm. Tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh giảm còn 1.963 hộ nghèo, chiếm 0,44% số hộ dân toàn tỉnh, tương đương giảm 1.502 hộ nghèo so với cuối năm 2020; 6 địa phương đến cuối năm 2021 có tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%, gồm thành phố Vĩnh Yên, thành phố Phúc Yên và các huyện Bình Xuyên, Tam Dương, Yên Lạc, Vĩnh Tường. Địa phương có số hộ nghèo thấp nhất tỉnh là thành phố Phúc Yên với 138 hộ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tại một số địa phương, công tác giảm nghèo chưa thực sự bền vững, người dân ở vùng dân tộc thiểu số vẫn còn khó khăn. Tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn, ở vùng đô thị hóa và thất nghiệp ở thành thị vẫn còn.

Nguồn lực để thực hiện chính sách giảm nghèo còn hạn chế, chủ yếu dựa vào ngân sách tỉnh. Đầu tư cho an sinh xã hội của tỉnh nói chung, giảm nghèo nói riêng nhìn chung mới đáp ứng được yêu cầu an sinh xã hội ngày càng tăng của người dân, trong khi đó huy động từ các nguồn khác, đặc biệt từ cộng đồng còn hạn chế, nhất là vùng nông thôn. Tại một số địa phương trong tỉnh, tỷ lệ giảm hộ nghèo chưa thực sự bền vững, người dân ở vùng dân tộc thiểu số vẫn còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao.

Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, hiện toàn tỉnh còn hơn 5.200 hộ nghèo, chiếm 1,51% tổng số hộ dân toàn tỉnh. Để đạt được mục tiêu cuối năm 2022, toàn tỉnh giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 1,08% (tương đương số hộ nghèo phải giảm khoảng 1.400 hộ), ngoài việc giao chỉ tiêu, ký cam kết với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, UBND các huyện, thành phố về mục tiêu giảm nghèo gắn với chính sách tín dụng hộ nghèo, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động cho người nghèo như mọi năm, năm nay, UBND giao chỉ tiêu và ký cam kết với các hội, đoàn thể của tỉnh.

Thực hiện chỉ tiêu UBND tỉnh giao, các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các hội, đoàn thể và các đơn vị liên quan đang tập trung nguồn lực, thực hiện các chính sách hướng đến đối tượng là các hộ nghèo có khả năng thoát nghèo; tạo điều kiện thuận lợi để hộ nghèo tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, vay vốn sản xuất, góp phần từng bước thoát nghèo bền vững...

Bài, ảnh: Mai Anh

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/78645/huy-dong-cac-nguon-luc-de-nang-cao-chat-luong-song-cho-ho-ngheo.html