Huy động mọi nguồn lực để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm

Nghị quyết số 01/NQ-UBMT về Đại hội đại biểu MTTQVN tỉnh Bình Phước lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029 đã được các đại biểu hiệp thương, thống nhất thông qua với 12 chỉ tiêu cụ thể. Nghị quyết cũng đề ra một số giải pháp trọng tâm, đổi mới phương thức hoạt động nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Các mục tiêu quan trọng cũng như việc đổi mới phương thức hoạt động của MTTQVN các cấp trong nhiệm kỳ này như thế nào? Phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) đã có cuộc phỏng vấn ông Hà Anh Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Bình Phước về nội dung này.

Ông Hà Anh Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh phát biểu tại Hội nghị Ủy ban MTTQVN tỉnh Bình Phước lần thứ hai, khóa X, nhiệm kỳ 2024-2029

Ông Hà Anh Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh phát biểu tại Hội nghị Ủy ban MTTQVN tỉnh Bình Phước lần thứ hai, khóa X, nhiệm kỳ 2024-2029

Những việc cần làm ngay

* Xin ông cho biết đâu là những nội dung quan trọng mà MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh cần sớm triển khai thực hiện ngay từ đầu để đạt được mục tiêu như Nghị quyết Đại hội MTTQVN tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029 đã đề ra?

Ông Hà Anh Dũng: Nghị quyết số 01/NQ-UBMT về Đại hội đại biểu MTTQVN tỉnh Bình Phước lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029 đã đề ra 12 chỉ tiêu trọng tâm, 6 chương trình trọng điểm, trong đó có 3 khâu đột phá. Tôi cho rằng đó là những yếu tố cần phải quan tâm trong nhiệm kỳ này.

Trước hết là phải nâng cao tính phản biện của mặt trận các cấp. Thứ hai là tăng cường huy động mọi nguồn lực để sớm hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát, tiến tới hoàn thành kế hoạch của Chính phủ đến năm 2025 cả nước phải chung tay xóa hết nhà dột nát của các gia đình khó khăn về nhà ở. Một chương trình nữa rất quan trọng đó là xây dựng khu dân cư tự quản, ấm no và hạnh phúc.

Trong 3 khâu đột phá này, chúng tôi quan tâm nhất là hiệu quả ngày hội đại đoàn kết ở khu dân cư, tính chủ động để duy trì các hoạt động giám sát, phản biện của UBMTTQVN các cấp. Để làm được điều này, UBMTTQVN tỉnh đã quán triệt, triển khai nghị quyết của đại hội đến 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và cả cán bộ làm công tác mặt trận ở khu dân cư ngay từ đầu. Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh cùng các cơ quan chức năng đang nỗ lực vận hành Quỹ Vì người nghèo sao cho tốt và sớm triển khai việc xóa nhà tạm cho các trường hợp khó khăn về nhà ở. Đó là những quyết sách để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu MTTQVN lần thứ X của tỉnh ngay từ những ngày đầu sau đại hội.

Đại diện thành viên Ủy ban MTTQVN các cấp trên địa bàn tỉnh Bình Phước về dự Hội nghị UBMTTQVN tỉnh Bình Phước lần thứ hai, khóa X, nhiệm kỳ 2024-2029

Đại diện thành viên Ủy ban MTTQVN các cấp trên địa bàn tỉnh Bình Phước về dự Hội nghị UBMTTQVN tỉnh Bình Phước lần thứ hai, khóa X, nhiệm kỳ 2024-2029

Giám sát, phản biện, phản ánh đúng hơi thở cuộc sống

* Nghị quyết Đại hội lần thứ X đề ra mục tiêu đổi mới phương thức hoạt động của UBMTTQVN trong công tác giám sát, phản biện xã hội. Đâu là điểm mới trong công tác này, thưa ông?

Ông Hà Anh Dũng: Công tác giám sát, phản biện là chức năng rất cơ bản mang tính đặc trưng, đặc thù của mặt trận các cấp. Để thực hiện tốt các nhiệm vụ này, Nghị quyết Đại hội đại biểu MTTQVN tỉnh Bình Phước khóa X đặt ra mục tiêu phải nâng chất, nâng cao hiệu quả công tác phản biện. Điều kiện thuận lợi là UBMTTQVN tỉnh khóa IX đã hoàn thiện xong đề tài khoa học về giải pháp nâng cao chất lượng giám sát của hệ thống mặt trận các cấp tỉnh Bình Phước. Thứ hai là Bình Phước có cẩm nang hệ thống giám sát của mặt trận các cấp trong tỉnh. Trên cơ sở đó, phải có phương thức như thế nào, nội dung ra sao, ai làm, làm như thế nào? Theo đói, đối với MTTQVN phải triển khai thực hiện việc giám sát, phản biện một cách chủ động, có trọng tâm và phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên để làm không dàn trải. Việc giám sát, phản biện của mặt trận các cấp phải đi vào những vấn đề trọng yếu, vấn đề mà người dân đang quan tâm, đang bức xúc. Có như vậy, công tác giám sát, phản biện mới đáp ứng sự mong mỏi của mọi người dân.

Nội dung giám sát phải chú ý đến trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải. Chọn vấn đề mấu chốt, nhân dân đang quan tâm; vấn đề đó, chủ trương đó, chính sách đó tác động như thế nào đến đời sống nhân dân. Như vậy người dân mới thấy được sự giám sát, phản biện phản ánh đúng hơi thở cuộc sống. Mặt trận không chỉ tập trung giám sát, phản biện các chủ trương, chính sách hay văn bản quy phạm pháp luật mà còn tập trung giám sát vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp để thể hiện vai trò, tiếng nói của công tác mặt trận.

Ông Phạm Văn Liên, Phó GIám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trình bày dự thảo quy định điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất đối với các loại đất trên địa bàn tỉnh Bình Phước tại hội nghị phản biện xã hội do Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh tổ chức

Ông Phạm Văn Liên, Phó GIám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trình bày dự thảo quy định điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất đối với các loại đất trên địa bàn tỉnh Bình Phước tại hội nghị phản biện xã hội do Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh tổ chức

Thành viên MTTQVN tỉnh phản biện xã hội đối với dự thảo quy định điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất và hạn mức đất ở của UBND tỉnh

Thành viên MTTQVN tỉnh phản biện xã hội đối với dự thảo quy định điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất và hạn mức đất ở của UBND tỉnh

Các đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước cùng lãnh đạo huyện Đồng Phú và xã Tân Phước tại lễ bàn giao nhà đại đoàn kết cho hộ bà Trần Thị Mai ở ấp Cầu Rạt - Ảnh:Thanh Mảng

Phát huy bản sắc văn hóa từ khu dân cư

* Tham vọng Nghị quyết Đại hội đại biểu MTTQVN lần này là 100% khu dân cư tổ chức có hiệu quả Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc. Theo ông, các khu dân cư cần tập trung vào những nội dung, hình thức hoạt động như thế nào để việc tổ chức ngày hội mang lại hiệu quả tốt nhất?

Ông Hà Anh Dũng: Tôi rất ấn tượng chương trình "Điểm tựa Việt Nam" do Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp các cơ quan chuyên môn triển khai ngay sau cơn bão số 3 và hậu quả hoàn lưu sau bão gây ra. Tại đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu 6 điểm tựa để Việt Nam hùng cường và phát triển. Một trong những điểm tựa mà Thủ tướng Chính phủ đã nêu đó là đại đoàn kết toàn dân tộc. Phải chăng nghị quyết mặt trận các cấp, trong đó có Bình Phước cần phải quan tâm phát huy hiệu quả thực sự của Ngày hội đại đoàn kết toàn dân. Muốn làm điều đó, Bình Phước đã có Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 20-11-2023 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Văn hóa Bình Phước đang tiến tới là đa dạng, bản sắc, hội nhập. Con người Bình Phước hòa hợp, nghĩa tình, kỷ cương, tự cường và sáng tạo. Vấn đề ở đây là hiệu quả của Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc có được hay không trước hết là ban điều hành khu dân cư phải tập trung các phương thức sau đây: Thứ nhất, phần hội và phần lễ phải rõ ràng. Phần hội phải mang hồn cốt, bản sắc, huy động được sức mạnh nội sinh ngay trong khu dân cư. Ví dụ các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phải là bản sắc của mọi người dân thuộc nhiều vùng miền đã định cư ở khu dân cư. Sự tham gia của cộng đồng phải đa dạng, phong phú. Người già tham gia môn thể thao nào, trẻ em, thanh niên, cộng đồng tham gia vào đây ra sao? Bản sắc văn hóa ấy thể hiện ngay trong phần hội. Còn phần lễ chính là bàn bạc, thống nhất, đi đến vấn đề quan trọng nhất là chất lượng kế hoạch tổ chức cho năm tiếp theo. Khu dân cư làm gì, người dân là chủ thể quyết định. Người dân chính là đối tượng chúng ta hướng đến để phục vụ mục tiêu ấm no, hạnh phúc. Như vậy, Ngày hội đại đoàn kết toàn dân không phải là nơi để chúng ta kể lể thành tích, không phải để nói mọi việc cho qua mà phải bắt đầu kịp thời động viên, tuyên dương, khen thưởng cho đạt yêu cầu. Nhưng yêu cầu lớn nhất là chương trình xây dựng khu dân cư ấm no, hạnh phúc, đoàn kết phải làm như thế nào? Mục tiêu quan trọng mà UBMTTQVN các cấp hướng tới là mỗi năm, mỗi khu dân cư phải có một công trình, phần việc cụ thể. Như vậy thì phải bàn, bàn ra sao để tổ chức nào, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, cựu chiến binh hay tổ dân cư chịu trách nhiệm về phần việc gì? Ta bàn cho ra vấn đề này, chất lượng của ngày hội đại đoàn kết sẽ được nhân lên cả hai mảng. Như vậy, hội là phần việc để chúng ta làm phong phú và duy trì, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Còn phần lễ là chúng ta đi sâu vào việc bàn giải pháp để làm sao cho đời sống ở khu dân cư thực sự an lành, hạnh phúc, phát triển. Đó là cái chất mà Nghị quyết Đại hội đại biểu MTTQVN tỉnh lần thứ X muốn nâng cao.

* Trân trọng cảm ơn ông!

Đông kiểm (thực hiện)

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/163643/huy-dong-moi-nguon-luc-de-hoan-thanh-muc-tieu-xoa-nha-tam