Huy động nguồn lực cho ngành năng lượng

Ngày 22/7, tại Hà Nội, Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì và chỉ đạo tổ chức trực tuyến 'Diễn đàn cấp cao năng lượng Việt Nam 2020' đến các điểm cầu địa phương và các đại biểu quốc tế, với một phiên diễn đàn cấp cao và bốn phiên chuyên đề.

Tham dự diễn đàn tại điểm cầu Lào Cai có đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh; UBND các huyện, thành phố.

Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình phát biểu tại diễn đàn.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình phát biểu tại diễn đàn.

Mở đầu Diễn đàn cấp cao năng lượng Việt Nam - triển khai Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sáng 22/7, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đánh giá, ngành năng lượng trở thành ngành kinh tế năng động, đóng góp rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Tuy vậy, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhận định, ngành năng lượng nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức. Các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn. Nhiều dự án điện bị chậm so với quy hoạch, kế hoạch. Một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi. Công tác quản lý, khai thác nguồn tài nguyên năng lượng còn nhiều hạn chế. Hiệu quả khai thác, sử dụng năng lượng còn thấp.

Thị trường năng lượng cạnh tranh phát triển chưa đồng bộ, thiếu liên thông giữa các phân ngành, giữa phát điện với truyền tải điện; độc quyền Nhà nước còn cao; chính sách giá năng lượng còn bất cập, chưa hoàn toàn phù hợp với cơ chế thị trường, chưa tách bạch với chính sách an sinh xã hội.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại diễn đàn.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại diễn đàn.

Trước những vấn đề ngành năng lượng đang gặp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nêu các nhóm nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang tập trung chỉ đạo điều hành đối với ngành năng lượng Việt Nam.

Thứ nhất, Chính phủ tập trung chỉ đạo về hoàn thiện thể chế. Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan tập trung sửa đổi, bổ sung các Luật Điện lực, Luật Dầu khí, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; xây dựng mới Luật Năng lượng tái tạo. Đồng thời, cần sớm nghiên cứu, xây dựng mới, bổ sung điều chỉnh đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật dưới các luật này để hướng dẫn, triển khai hiệu quả các nội dung mới, khắc phục những tồn tại, bất cập, trong hoạt động của ngành năng lượng hiện nay.

Thứ hai, Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị tập trung xây dựng Chiến lược phát triển ngành năng lượng và chiến lược phát triển các phân ngành điện và than giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng chiến lược nhập khẩu năng lượng dài hạn, chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia.

Thứ ba, Chính phủ giao các cơ quan tập trung xây dựng các quy hoạch phát triển ngành năng lượng gồm Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia.

Thứ tư, về chuyển đổi ngành năng lượng theo cơ chế thị trường, Phó Thủ tướng cho biết, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ cũng quan tâm chỉ đạo thực hiện xây dựng cơ chế, thể chế chuyển đổi ngành năng lượng sang hoạt động theo cơ chế thị trường. Cho đến nay, ngành điện Việt Nam đã hoạt động với mô hình thị trường bán buôn điện cạnh tranh (từ đầu năm 2019) và việc điều chỉnh giá bán lẻ điện đã được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự kiểm soát của Nhà nước. Ngành than còn khâu cung cấp than cho điện chưa thực hiện theo đúng cơ chế thị trường. Còn ngành khí đã hoạt động cạnh tranh khâu khai thác và nhập khẩu khí tự nhiên với một đầu mối thu mua tại thượng nguồn mỗi dây chuyền khí, hệ thống khí; cạnh tranh kinh doanh nhập khẩu và phân phối trên thị trường nội địa đối với các loại LPG, CNG, LNG.

Lào Cai đặt mục tiêu cung cấp đủ nhu cầu năng lượng trong tỉnh

Các đại biểu dự diễn đàn tại điểm cầu Lào Cai.

Các đại biểu dự diễn đàn tại điểm cầu Lào Cai.

Tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo sớm hoàn thành và ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch số 311-KH/TU ngày 10/4/2020 của Tỉnh ủy Lào Cai về thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW.

Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu giai đoạn 2021 - 2030, cung cấp đủ nhu cầu năng lượng trong toàn tỉnh, đáp ứng cho các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến năm 2030, năng lượng sơ cấp đạt khoảng 1,8 triệu TOE (tấn dầu quy đổi), đến năm 2045, năng lượng sơ cấp đạt khoảng 4 triệu TOE. Tổng công suất nguồn điện đến năm 2030 đạt khoảng 1.821 MW; công suất cực đại lưới điện truyền tải dự kiến 1.900MW.

Tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới trong tổng cung năng lượng sơ cấp năm 2030 đạt khoảng 15% – 20%, năm 2045 đạt khoảng 25% – 30%.

Tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng đến năm 2030 đạt mức 1,1 – 1,5 triệu TOE, năm 2045 đạt mức 2 – 2,5 triệu TOE.

Lào Cai có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp thủy điện.

Lào Cai có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp thủy điện.

Cùng với đó, xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, hiệu quả, có khả năng kết nối khu vực, bảo đảm cung cấp điện an toàn, đáp ứng tiêu chí N-1 đối với vùng phụ tải quan trọng và N-2 đối với vùng phụ tải đặc biệt quan trọng. Đến năm 2030, độ tin cậy cung cấp điện năng thuộc tốp 4 nước dẫn đầu ASEAN, chỉ số tiếp cận điện năng thuộc top 3 nước dẫn đầu ASEAN. Tỷ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng so với kịch bản phát triển bình thường đạt 8% vào năm 2030 và 14% vào năm 2045.

Giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường ở mức 15% vào năm 2030, lên mức 14% vào năm 2045...

Mạnh Dũng

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/kinh-te/huy-dong-nguon-luc-cho-nganh-nang-luong-z3n20200722210507007.htm