Huy động nguồn lực hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam

Đồng Nai hiện còn gần 8 ngàn nạn nhân chất độc da cam/dioxin còn sống. Gần 5 ngàn trường hợp trong số này đang nhận hỗ trợ hàng tháng từ Nhà nước.

Bà Đào Nguyên, Ủy viên Thường trực Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, trao đổi cùng thành viên Hội Những người bạn Nhật Bản (Trường đại học Tohoku Fukushi) đến tìm hiểu về nạn nhân chất độc da cam tại Đồng Nai. Ảnh: S.Thao

Bà Đào Nguyên, Ủy viên Thường trực Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, trao đổi cùng thành viên Hội Những người bạn Nhật Bản (Trường đại học Tohoku Fukushi) đến tìm hiểu về nạn nhân chất độc da cam tại Đồng Nai. Ảnh: S.Thao

Thời gian qua, cùng với nguồn lực trong nước, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh còn chú trọng thực hiện công tác đối ngoại nhân dân nhằm liên kết, kêu gọi các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PCPNN), hiệp hội nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tham gia vào hoạt động chăm sóc nạn nhân chất độc da cam, truyền thông về thảm họa da cam tại Việt Nam.

Kết nối bạn bè quốc tế

Đồng Nai hiện xây dựng mối quan hệ đối tác với 60 tổ chức PCPNN. Trong số này, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh hợp tác và tranh thủ các nguồn tài trợ của 20 tổ chức PCPNN, hiệp hội nước ngoài, doanh nghiệp FDI, kiều bào để thực hiện hoạt động nhân đạo giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam.

Hiện có 100 cơ quan, đơn vị, cá nhân tham gia trợ cấp hàng tháng cho 314 nạn nhân chất độc da cam. Số tiền mỗi nạn nhân da cam nhận được hàng tháng từ sự trợ giúp này dao động từ 300 ngàn đồng đến 1 triệu đồng. Trong số này có 10 cá nhân, tổ chức PCPNN, hiệp hội nước ngoài, kiều bào hỗ trợ cho nạn nhân chất độc da cam.

Trong 9 tháng của năm 2024, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã tiếp nhận tiền và hiện vật đóng góp với trị giá trên 13 tỷ đồng, gấp 2,3 lần kế hoạch đề ra trong năm 2024.

Cụ thể, Hội Hữu nghị Bỉ - Việt Nam đã ủng hộ nuôi dưỡng trợ cấp thường xuyên cho 4 nạn nhân chất độc da cam. Thành viên Đoàn Trường Sơn - Hội Người Việt Nam tại Bỉ, nhận nuôi dưỡng, trợ cấp thường xuyên cho một nạn nhân da cam ở thành phố Biên Hòa. Riêng Hội Những người bạn Nhật Bản (Trường đại học Tohoku Fukushi) tặng quà cho 15 gia đình có thành viên là nạn nhân chất độc da cam tại thành phố Biên Hòa và huyện Định Quán…

Chủ tịch Hội Hữu nghị Bỉ - Việt Nam Grega Pierre Emlile J cho hay, thời gian qua, Hội Hữu nghị Bỉ - Việt Nam đã đồng hành trợ giúp nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, trong đó có nạn nhân chất độc da cam tại Đồng Nai. Hội sẽ tiếp tục duy trì hoạt động này nhằm giúp cho nạn nhân chất độc da cam có thêm niềm vui trong cuộc sống.

Bà Võ Thị Thu Vân, nạn nhân chất độc da cam ở phường Tân Tiến (thành phố Biên Hòa), cho hay thông qua sự kết nối, vận động của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cùng các đơn vị, bà đã nhận được những phần quà hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân hảo tâm, trong đó có những người bạn nước ngoài. Mỗi món quà nhận được giúp bà cùng gia đình vơi đi những khó khăn trong cuộc sống.

Song song với trợ cấp hàng tháng, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh còn chủ động phối hợp cùng các sở, ngành, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh kêu gọi nguồn lực quốc tế thực hiện các dự án, phi dự án về cơ sở vật chất, đào tạo nghề dành cho nạn nhân chất độc da cam.

Nạn nhân chất độc da cam Lê Văn Bé Sáu (ngụ xã Ngọc Định, huyện Định Quán) cho hay, thông qua sự kết nối của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, gia đình ông được doanh nghiệp FDI hỗ trợ 50 triệu đồng, Quỹ Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh tài trợ 50 triệu đồng để xây dựng căn nhà kiên cố. Đây là niềm vui rất lớn đối với gia đình còn gặp phải hoàn cảnh khó khăn như ông.

Chủ động tìm nguồn lực hỗ trợ quốc tế

Để huy động thêm nguồn lực quốc tế đồng hành cùng các hoạt động chăm sóc nạn nhân chất độc da cam, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã cùng Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh, các đơn vị liên quan chủ động đưa thông tin về nạn nhân chất độc da cam, nhu cầu cần trợ giúp của nạn nhân chất độc da cam cùng gia đình họ đến với các tổ chức PCPNN, hiệp hội nước ngoài, doanh nghiệp FDI thông qua việc lập danh mục các dự án kêu gọi tài trợ.

Theo đó, trong danh mục 62 dự án được Đồng Nai thực hiện để kêu gọi các tổ chức PCPNN, hiệp hội nước ngoài, doanh nghiệp FDI tài trợ trong giai đoạn 2024-2025, có 3 dự án dành cho nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật (trong đó có người khuyết tật là nạn nhân chất độc da cam) gồm: hỗ trợ sửa chữa nhà cho 30 gia đình nạn nhân chất độc da cam; hỗ trợ 1,3 ngàn xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật (trong đó có người khuyết tật là nạn nhân chất độc da cam); chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ trang thiết bị cho nạn nhân chất độc da cam. Hiện một số đơn vị đã đăng ký tìm hiểu về các dự án này và bước đầu có sự hỗ trợ để thực hiện dự án theo khả năng của đơn vị.

Trưởng đoàn Hội Những người bạn Nhật Bản (Trường đại học Tohoku Fukushi) Kitamura Hajime khi đến tìm hiểu về nạn nhân chất độc da cam tại Đồng Nai cho hay, từ những thông tin do Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cung cấp, cũng như thực tế từ các nạn nhân da cam mà đoàn tiếp xúc sẽ là cơ sở để đoàn thực hiện các giải pháp trợ giúp nạn nhân chất độc da cam tại Việt Nam và Đồng Nai trong thời gian tới.

Đặc biệt, để xây dựng niềm tin với các cá nhân, tổ chức tham gia đóng góp, trong đó có các tổ chức PCPNN, hiệp hội nước ngoài, doanh nghiệp FDI, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cam kết nguồn lực đóng góp đến đúng với đối tượng thụ hưởng, đủ về số lượng. Đồng thời, tùy theo từng trường hợp cụ thể về dạng tật, nhu cầu cần trợ giúp thực tế mà nạn nhân chất độc da cam được nhận sự giúp đỡ phù hợp.

Sông Thao

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202410/huy-dong-nguon-luc-ho-tro-nan-nhan-chat-doc-da-cam-a8b77c1/